Jimmii Nguyễn: 'Được cho là rẻ như tô phở thì tôi sướng lắm'
"Bảo nhạc tôi rẻ tiền chỉ vì không thích giọng hát của tôi - giọng hát thôi nhé, vì họ có biết tôi như thế nào đâu mà không thích tôi - thì có thể họ bị hội chứng bệnh OTT...", Jimmii bộc bạch.
>>Jimmii Nguyễn: "Nhạc teen không phải là thảm họa"
>>'Người tình' ngượng ngùng bên Jimmii Nguyễn
- Trong chương trình Fashion Men’s Show mới đây anh mở màn chương trình bằng tiết mục biểu diễn những sáng tác của anh với một bộ đồ complê trắng và ... quần ngắn. Anh muốn tạo hiện tượng hay đấy là chủ trương của ban tổ chức?
- Tôi thấy đấy là một chương trình chủ đạo là thời trang, mà anh chị em nghệ sĩ bảo tôi nên mặc đồ gì cho hết sức ấn tượng, vì chương trình gồm có 50 người mẩu nổi tiếng của Việt Nam. Tôi suy nghĩ mãi. Thấy mình chiều cao không thể nào sánh với các siêu mẫu nam trong chương trình. Tôi nghĩ thôi thì người ngắn mặc quần ngắn vậy. Trong đêm diễn lần trước của tôi ở Điểm hẹn Sài Gòn, hành lý không về kịp theo với chuyến bay từ Mỹ, tôi đành phải ra sân khấu với một chiếc quần sọc trắng và khoát vội chiếc áo vest để cứu vớt sỹ diện. Nào ngờ khán giả rộ lên và họ quá dễ thương và đáng yêu. Họ giúp tôi vượt qua sự ngượng ngùng xấu hổ. Tôi đã thể hiện được ý nghĩa của người mặc quần cụt nhưng có phong cách của người mặc quần dài còn hơn là những người mặc quần dài mà lại có phong cách của người mặc quần cụt. Tôi chợt nhớ bên Mỹ vào mùa hè, cảnh sát Mỹ vẫn mặc quần sọc đi tuần tra. Bên Pháp ngày xưa cũng thế. Khi tôi hỏi ý kiến nhà thiết kế thời trang Tiến Lợi thì anh ấy bảo anh sẽ may một bộ com-lê trắng với quần ngắn để tặng tôi. Tôi nói với anh ấy rằng nếu anh có tình cảm may cho tôi thì tôi cũng sẽ đáp lễ bằng cách mặc bộ đồ đấy trên sân khấu.
- Nhưng cũng lâu lắm rồi mới thấy anh tham gia một chương trình âm nhạc lớn như vậy. Anh quá kén chọn trước các lời mời?
- Tôi có sự lựa chọn riêng phù hợp cho mình. Tôi vẫn chưa hình dung ra cái mà báo chí thương gọi là "chương trình âm nhạc lớn" là chương trình gì. Nếu như theo con mắt của người nghệ sĩ trong nghề 20 năm, những chương trình lớn mà tôi thường thấy thì nghệ sĩ và nhạc công thường hay múa, có nghĩa là nhép (chơi nhạc mà cũng còn nhép) nên cả ban nhạc tôi biểu diễn trên sân khấu là một cái phiền lớn. Khán giả ngồi xa không biết đâu. Để ý anh đánh trống thì sẽ rõ nhất. Để ý những giọng bè mà không thấy dàn xướng âm là rõ nhất.
- Vậy một chương trình như thế nào mới được xem là “âm nhạc lớn” theo định nghĩa của anh?
- Âm nhạc lớn, theo tôi là nhà sản xuất phải biết khán giả là thượng đế và đừng lừa thượng đế. Thậm chí có những chương trình lớn còn quảng cáo cho "lớn" là đêm hội tụ tất cả ngôi sao nghệ sĩ Việt Nam. Tôi bật phì cười vì sự quảng cáo trơ trẽn của cái hiểu biết kém cỏi của "nhân vật hoặc cá nhân" tổ chức chương trình đó. Họ quan niệm rằng "không có mợ thì chợ vẫn đông". Đông nhưng không đúng nghĩa thì còn gì là chợ.
- Dù không xuất hiện nhiều, nhưng anh có một lượng fan trung thành đáng kể. Anh có dự tính sẽ thực hiện một liveshow cho riêng mình?
- Tôi còn tồn tại là nhờ sự sành điệu, kiến thức và tình yêu thương của khán giả của tôi. Họ rành hơn cả tôi. Họ biết nghệ sĩ nào chỉ "nhép" mà không hát, hát không thèm nhép và hát nhiều bài chứ không phải một hai bài rồi chạy. Họ biết đưa nhau tìm đến âm nhạc buồn lãng mạn của tôi để họ yêu nhau hơn, hiểu hơn giá trị của tình yêu và nỗi đau của sự mất mát. Tôi đã hứa rất nhiều và thất hứa cũng rất nhiều với khán giả của tôi về album đầu tay ở Việt Nam, nhưng tôi mong họ hiểu rằng tôi vào âm nhạc từ nỗi đau mất em gái, mất người yêu chứ không phải là vào nghệ thuật để làm liveshow hoành tráng hoặc bon chen tạo scandal. Tuy nhiên sau hơn 20 năm, tôi chưa phát hành một album nào tại Việt Nam mà khán giả vẫn đến với tôi. Tôi nợ họ vì tình yêu cao thượng của họ và tôi sẽ làm tất cả để thực hiện chương trình Jimmii Nguyễn Live in Concert, để tạ ơn họ đã cho tôi sự tồn tại.
- Ra ít album riêng, anh không lo lớp khán giả trẻ sau này nhìn vào đó và nhận xét anh là một ca sĩ không thành công?
- Bạn cũng có cái nhìn như thế không? Nếu như sợ khán giả trẻ sau này không còn nhìn mình nữa thì mình hoang tưởng quá. Mình có "sống" mãi được với thế hệ trẻ đâu mà sợ họ không biết. Rất nhiều giới trẻ không biết những ca sĩ đàn anh đàn chị trước tôi nữa, huống gì là tôi. Tuy nhiên, là nhạc sĩ sáng tác, tôi tin nếu tôi làm đúng với những gì mà nhà văn, nhà thơ Lưu Trọng Văn - hậu duệ của nhà thơ Lưu Trọng Lư tin tưởng thì tôi sẽ tồn tại vì tôi có "sứ mệnh" của một người ca sĩ, nhạc sĩ làm nghệ thuật chân chính.
- Vẫn có ca sĩ ra album như cơm bữa, thậm chí có người một năm ra đến 12 album. Nhiều người đánh giá họ thành công. Còn anh?
- Chắc đúng như bạn nói ở trên, có thể người ta ra album nhiều như cơm bữa là vì họ muốn lớp khán giả trẻ sau này nhìn vào đấy và nhận xét họ thành công quá. Có người thích ăn 1 lần trong ngày để giảm cân. Có người thích ăn đến nhiều lần. Ra nhiều hay ra ít album không nói lên điều gì. Vấn đề là sự đón nhận của khán giả. Ra ít mà khán giả không đón nhận thì biến luôn, hoặc cố gắng thử lại lần nữa. Nếu được thì tốt, còn không thì biến… từ từ. Ra nhiều mà khán giả đón nhận thì vận may đã gõ cửa. Không được đón nhận nữa thì là "biết trước, thà cho tiền làm từ thiện còn hơn". Riêng tôi, tiêu chí của tôi là tôn trọng chính tôi và hãy nghiêm túc với những công việc tôi làm, nhất là có liên quan đến khán giả. Phải tôn trọng và thần tượng khán giả, vì họ là vị thẩm phán công bằng nhất.
- Thị trường nhạc trẻ hiện tại với nào là thảm họa, đạo nhạc… Anh có quan tâm thì phải đau đầu hao sức lắm?
- Nhạc gì? Của ca sĩ nào? Ca sĩ hát nhạc người khác sáng tác chứ nhạc nào của họ? Xin đừng ngộ nhận. Không ai nói phòng mạch của y tá, mà phòng mạch là của bác sĩ. Ngày nào báo chí, khán giả và công chúng không rạch ròi thì ngày đấy ca sĩ vẫn còn ngộ nhận, tự cho mình là đẳng cấp, là sao, là cao vời vợi hơn cả những người nhạc sĩ già đã ra đi hay còn ngồi lại, đã cho đời cho người biết bao nhiêu bài hát. Họ gặp các nhạc sĩ này, họ không thèm chào, không thèm quan tâm. Họ thành công, đạt danh hiệu "sao" qua những bài hát của nhạc sĩ, nhưng mấy khi họ quan tâm đến sự sống còn của gia đình của những người đã cho đời những tiếng ru này?
Đối với loại ca sĩ ngộ nhận này, tất cả xung quanh họ đều vô hình, chỉ có họ là hữu hình mà thôi. Người Tây phương rất rạch ròi và đẳng cấp khi đối diện với thần tượng của họ. Gặp ca sĩ thần tượng, họ sẽ nói: "Tôi rất thích giọng hát của anh (I love your voice!) ". Gặp nhạc sỹ thần tượng thì họ nói: "Tôi rất thích nhạc của anh (I love your songs!) ". Gặp ca nhạc sĩ thì họ bày tỏ: "Tôi rất thích giọng hát, bài hát và trường phái hay nhạc của anh (I love your voice, your songs and your music!)" Cũng như sự hiểu biết khái niệm về kim cương, giữa nước D và nước G hoặc J khác nhau một trời, một vực về chất lượng và giá cả.
Nhạc Việt là của 90 triệu dân Việt Nam, bất luận là nhạc gì. Nhạc teen là nhạc có xu hướng nghiêng về teen, trong đó có ca sĩ thể hiện và nhạc sĩ viết phù hợp với giai điệu và dòng chảy của thế hệ teen, và có ca sĩ - nhạc sĩ (rất hiếm) teen tự chứng tỏ khả năng sáng táng và tài năng ca hát của mình. Không thể gọi là nhạc của các ca sĩ trẻ. Nhạc teen, nhạc trẻ ở thời điểm nào cũng có cái trẻ trung, cái hay, cái tích cực và cái đẹp của nó, nhưng phải dùng kiến thức và sự hiểu biết để bày tỏ chính xác và đứng đắn hơn. Nhạc teen sẽ đẹp nếu xu hướng thế hệ trẻ đến với lối sống lành mạnh, thương yêu, hăng hái và biết chia sẻ.
- Nghe nhạc của Jimmii Nguyễn, khán giả cảm nhận được cảm xúc trong anh, đó là những nỗi buồn và đau khổ, dằn vặt, vì quả thật trong thời điểm đó anh gặp nhiều chuyện không vui trong cuộc sống. Nhưng hiện tại chắc mọi chuyện cũng đã nguôi ngoai nhưng nhạc của anh vẫn không tươi vui hơn là mấy. Anh có thể giải thích?
- Bạn xem phim Titanic chưa? Hàng tỷ người đã xem. Buồn lắm, buồn đến phải bật khóc trong rạp trước chốn đông người. Thế sao họ xem? Xem một cuốn phim buồn về một mối tình buồn và đẹp, hoặc nghe một bài hát buồn của nhạc sĩ để biết quý cuộc đời, để thấy cuộc đời của mình vui hơn bao nhiêu người khác, để thấy sự mất mát của người khác là sự nhắc nhở để mình cố gắng giữ hạnh phúc của mình. Điều đấy rất đẹp và có ý nghĩa.
Tại sao phải nghĩ tiêu cực khi nghe một bài hát buồn? Chẳng một bài hát vui tươi nào trên quả đất này của bất cứ nhạc sĩ nào có thể làm người ta nghe một lần rồi vui mãi được. Nghe lúc đấy, vui lúc đấy. Nghe xong, cuộc vui tàn, nhìn lại cuộc đời, buồn tiếp. Người đời có câu "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở (đẹp vì buồn)" chứ chẳng ai nói "tình chỉ đẹp khi còn đang… ở" cả.
- Có người bảo rằng Jimmii Nguyễn bây giờ trả lời báo chí "bén" lắm, không dễ thương và nhẹ nhàng như ngày xưa nữa.
- Dễ thương tôi xin dành cho tuổi teen, vì tôi đâu còn là teen nữa. Tôi cũng nghe rất nhiều độc giả bày tỏ dạo này báo chí đưa tin nhảm, đặt câu hỏi nhảm cũng nhiều đấy chứ. Tôi phải bén, phải cay để thay đổi một quan niệm sai lầm hoặc lỗi thời và vì đấy là sự trưởng thành của tôi. Tôi thay thế sự "nai vàng ngơ ngác" dễ thương của Jimmii Nguyễn ngày xưa bằng sự chân tình, thẳng thắn, rạch ròi và hiểu biết của Jimmii Nguyễn hôm nay.
- Nếu nghe ai đó nói dòng nhạc mình hát là "rẻ tiền", anh sẽ nghĩ như thế nào?
- Nếu được cho là rẻ như tô phở thì tôi sướng lắm. Mà bảo nhạc tôi rẻ tiền chỉ vì không thích giọng hát của tôi - giọng hát thôi nhé, vì họ có biết tôi như thế nào đâu mà không thích tôi - thì có thể họ bị hội chứng bệnh OTT. Có thể họ chưa va chạm xã hội, chưa làm nên điều gì cho xã hội, chưa là gì của xã hội, họ chỉ được giỏi cái là được thừa hưởng. Họ chưa bao giờ hiểu đẳng cấp là gì và có thể chưa bao giờ ăn phở, thích ăn phở, hiểu nét đặc thù văn hóa và tôn trọng phở nên họ có thể tự nhiên muốn nói gì thì nói. Họ có quyền bày tỏ. Báo chí có quyền đăng nếu thấy hữu ích, cho đó là sự cạnh tranh lành mạnh và phát triển của văn hóa.
- Con bệnh OTT?
- Hội chứng bệnh OTT - viết tắt của Óc Tâm Tim. Đây là bệnh dịch nguy hiểm hơn cả TCM (Tay Chân Miệng). Bệnh này theo WHO (hội y tế thế giới) hàng năm có ít nhất hơn 150.000 người Việt Nam chết một cách lãng nhách bằng (giao thông, thuốc lá, rượu chè). Khi óc không có nạp đủ kiến thức, kinh nghiệm sống và hiểu biết để hiểu rạch ròi sự việc hoặc hậu quả của sự việc thì cái Tâm sẽ bị vô cảm, vô tâm. Mà một khi cái tâm bị vô cảm và vô tâm, vô tri lý rồi thì Tim sẽ bị máu lạnh.
- So với các ca sĩ nam hiện đang hoạt động tại Việt Nam, Jimmii Nguyễn không phải là một cái tên hot và có thể “câu khách”. Chuyện này với anh có phiền lòng?
- Đấy là chuyện thường tình. Đấy là dòng chảy của nghệ thuật, của âm nhạc. Đúng là hiện giờ tôi không là cái tên "câu khách" như ngày xưa nữa, chỉ vì hơn 20 năm làm nghệ thuật tôi chưa bao giờ được rầm rộ phát hành một album nào ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ được quảng cáo, lăng xê và nghệ thuật của tôi chưa đến đỉnh. Nhưng may thay tôi vẫn là một phần của lịch sử âm nhạc Việt Nam. Sau này đọc hồi ký của tôi thì sẽ rõ.
Sai toàn phần còn lại là vì thiếu tìm hiểu. Thử bảo các ca sĩ nam, kể cả nữ đang hoạt động đừng ra album những 20 năm, không được hát những 10 năm mà vẫn còn được mời diễn chương trình riêng của mình hàng tháng, cát xê vẫn tốt và khán giả vẫn đáng yêu? Bây giờ bạn hiểu được từ "hot" đúng nghĩa chưa? Bạn ngừng viết báo 20 năm mà vẫn được mời cộng tác thường xuyên mà vẫn còn có độc giả đón đọc theo tôi bạn còn hot đúng nghĩa đấy.
Jimmii Nguyễn và người tình Phạm Ngọc. |
- Anh được xem là một trong Những “quý ông” đa tình bậc nhất showbiz Việt. Anh có tự hào về điều này?
- Như từ "rẻ tiền", đa tình thường bị nhầm lẫn và thường bị liệt vào hạng từ ngữ mang ý nghĩa tiêu cực hơn là tích cực. Tôi biết có rất nhiều người đàn ông thành đạt lịch lãm rất đa tình, được nhiều người đẹp trân trọng và thương yêu hơn tôi nhiều. Chẳng qua họ không cần hoặc không thích lên mặt báo. Được nhiều người phụ nữ để ý và thương yêu thì đấy là hạnh phúc của người đàn ông may mắn trên thế gian này. Đấy là điều may mắn trời cho, muốn cũng không có được. Tôi hạnh phúc với những gì trời ban cho. Tôi cám ơn trời đã chọn tôi. Tôi cám ơn những người phụ nữ đã chọn tôi. Tôi cám ơn những người phụ nữ đẹp, những tâm hồn đẹp đã cho tôi là Jimmii Nguyễn. Tôi cám ơn những quý ông đã bắt tay tôi. Tôi nợ khán giả của tôi 1 triệu lời tri ân. Cám ơn khán giả mến yêu.
Diệp Tố Thu. |
- Có điểm chung nào những những người tình mà anh đã và đang đi qua?
- Những bông hồng đi qua đời tôi làm nên một Jimmii Nguyễn hôm nay đều giống nhau ở một điểm là họ hiểu tôi và âm nhạc của tôi thuộc về công chúng, là của văn hóa nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Vì thế họ đến để giúp tôi có tinh thần để đi hướng đến trước và không hề đòi hỏi danh phận gì.
Có người không danh phận nhưng rất được báo chí lưu ý như hoa hậu Hồng Hà và gần đây nhất là ca sỹ Ngọc Phạm, nhưng cũng có những bông hồng không danh phận khác đã âm thầm lặng lẽ đứng bên cạnh tôi trước đây mà họ không hề cho báo chí hay biết gì hết. Như là ca sỹ Diệp Tố Thu, giọng nữ bè duy nhất trong những bài hát của tôi. Thu nói: "Em sẽ đứng bên anh và khi nào anh trở thành người của công chúng thì em sẽ ra đi".
Và Diệp Tố Thu đã giữ đúng lời. Thu lặng lẽ đến trong lúc tôi đau khổ nhất khi mất em gái và người yêu và 10 năm sau, khi tôi trở thành một Jimmii Nguyễn của âm nhạc Việt Nam, Thu cũng như lúc đến, lặng lẽ ra đi.
Phương Giang
Theo Bưu Điện Việt Nam