‘Jumanji’, ‘Ma trận’ và những thế giới ảo hấp dẫn trên phim
Thứ bảy, 30/12/2017 06:00 (GMT+7)
06:00 30/12/2017
Không ít bộ phim Hollywood từng đặt ra giả thiết rằng con người đang hoặc có thể sống trong một thế giới mô phỏng do máy vi tính tạo nên, với những câu chuyện cuốn hút.
eXistenZ (1999): Trong lần kiểm định và trình bày trò chơi thực tế ảo eXistenZ, lập trình viên nổi tiếng Allegra (Jennifer Jason Leigh) bất ngờ bị ám sát nhưng vẫn sống sót, còn thành phẩm của cô bị hư hại nặng. Với nhiệm vụ sửa chữa lại trò chơi, Allgera và cận vệ Ted (Jude Law) quyết định bước vào môi trường ảo. Tuy nhiên, do lỗi game, thế giới thực và thế giới trò chơi trở nên lẫn lộn, khiến cả hai gặp phải nguy hiểm khôn lường. eXistenZ mang hơi hướm kinh dị, và là tác phẩm cảnh báo hiểm họa khi con người quá tin tưởng vào máy móc. Ảnh: Miramax.
The Thirteenth Floor (1999): Trí tưởng tượng của đạo diễn Josef Rusnak khiến khán giả phải thán phục với The Thirteenth Floor. Bộ phim xoay quanh vụ án mạng liên quan đến cỗ máy có khả năng tái hiện thành phố Los Angeles năm 1937. Trước khi chuyên gia máy tính Hannon Fuller (Armin Mueller-Stahl) kịp tiết lộ bí mật quan trọng với đồng nghiệp Douglas Hall (Craig Bierko), anh bị theo dõi và sát hại. Cỗ máy tính, thế giới ảo, bức thư mà Hannon để lại cùng chiếc áo dính máu... là những vật chứng giúp Douglas từ đó khám phá ra sự thật chết người. Ảnh: Sony.
The Matrix (1999 - 2003): Bộ ba phim Ma trận là đại diện tiêu biểu cho lý thuyết về thế giới mô phỏng. Một hacker có tên Thomas Anderson (Keanu Reeves) cảm thấy cuộc sống thật buồn chán, cho đến ngày những người lạ mặt xuất hiện và dẫn anh vào một môi trường kỳ lạ. Hóa ra, thế giới bấy lâu nay mới là ảo, và các cỗ máy đang thao túng, đánh lừa nhận thức con người. Dưới biệt danh Neo, anh cùng Trinity (Carrie-Anne Moss) và Morpheus (Laurence Fishburne) nỗ lực giải mã lời tiên tri để hiểu hơn về “ma trận” mà nhân loại đang mắc phải. Ảnh: Warner Bros.
Stay Alive (2006): Đạo diễn Willian Brent Bell kết hợp yếu tố kinh dị với những trò chơi online để tạo nên Stay Alive. Trong phim, nhóm bạn trẻ Hutch (Jon Foster), Abigail (Samaire Armstrong), Swink (Frankie Muniz) và Phineas (Jimmi Simpson) cùng nhau tham gia một trò chơi để tưởng nhớ người bạn quá cố. Trò giải trí trở nên lôi cuốn với máu me, ảo giác, nhưng đồng thời kết nối nhân vật ở đó với người chơi. Hậu quả là nhóm bạn trẻ phải đối mặt với lời nguyền cổ xưa có tên “Blood Countess” (Nữ Bá tước đẫm máu). Ảnh: Universal.
Gamer (2009): Cuộc sống của người hùng Kable (Gerard Butler) bỗng chốc đảo lộn khi anh phát hiện ra mình thực chất chỉ là một nhân vật trong trò chơi trực tuyến Slayer. Thế giới mô phỏng mà thiên tài Ken Castle (Michael C. Hall) tạo ra rất thật. Do đó, ngay cả nhân vật trong trò chơi cũng dần sở hữu ý thức với ngoại cảnh. Đây cũng là lúc họ quyết định nổi dậy để tiêu diệt tựa game giết chóc tàn khốc. Nhưng phá hủy máy chủ của Slayer sẽ khiến nhóm nhân vật bị xóa sổ hay có thể bước ra ngoài đời thực? Câu trả lời hấp dẫn nằm ở đoạn kết của Gamer. Ảnh: Lionsgate.
TRON: Legacy (2010): Nối tiếp thành công của TRON (1982), bom tấn TRON: Legacy bắt đầu khi Sam Flynn (Garrett Hedlund) - con trai của nhà kiến tạo thế giới ảo nổi tiếng Kevin Flynn (Jeff Bridges) - phát hiện ra thông điệp lạ lùng từ người cha quá cố. Nó dẫn chàng trai đến môi trường tên là The Grid (Mạng lưới), có cơ hội gặp gỡ người đẹp Quorra (Olivia Wilde), cũng như khám phá ra sự thật về vị cha đẻ thiên tài. Ảnh: Disney.
Scott Pilgrim vs. the World (2010): Chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của Bryan Lee O'Malley, Scott Pilgrim vs. the World là hành trình chinh phục người đẹp Ramona Flowers (Mary Elizabeth Winstead) của chàng trai 23 tuổi Scott Pilgrim (Michael Cera). Song, để đạt được mục đích, tay chơi bass cần phải đánh bại 7 mối tình cũ của cô gái. Mỗi cuộc đối đầu trong phim của Pilgrim được đạo diễn Edgar Wright xây dựng như các trò chơi đối kháng, giúp tạo ra bầu không khí kỳ ảo cho toàn tác phẩm. Điều này khá sát với nguyên tác truyện tranh và trò chơi ăn theo trên hệ máy PS3 của Scott Pilgrim. Ảnh: Universal.
Jumanji: Welcome to the Jungle (2017): Được coi là phần tiếp theo của tác phẩm kinh điển Jumanji (1995), Jumanji: Welcome to the Jungle có nhiều cải tiến so với nguyên tác. Từ chỗ là một board game, Jumanji nay biến thành trò chơi điện tử, hút người chơi vào trong thế giới ảo mà nó tạo ra. Tại đó, 4 cô cậu học sinh trung học là Fridge (Ser'Darius Blain), Spencer (Alex Wolff), Martha (Morgan Turner) và Bethany (Madison Ediman) hóa thân thành 4 nhân dạng hoàn toàn trái ngược với bản thân ngoài đời thực. Họ buộc phải nhanh chóng tìm cách thích nghi và hoàn tất trò chơi, nếu còn muốn trở lại thế giới thực. Phim mang tính giải trí cao với sự tham gia của Dwayne “The Rock” Johnson, Jack Black, Kevin Hart và Karen Gillan. Ảnh: Sony.
“Jumanji: Welcome to the Jungle” mang đến nhiều thay đổi thú vị và khoảnh khắc hài hước cho khán giả hiện đại. Song, phim khó có thể để lại dấu ấn mạnh mẽ như nguyên tác năm 1995.
Theo thống kê của tạp chí Forbes, nhờ hai bộ phim “Fast & Furious 8” và “xXx: Return of Xander Cage”, Vin Diesel chính là cái tên đáng giá nhất tại phòng vé trong năm qua.
Lê Bống gây tranh cãi khi hóa thân cô giáo Tâm trong "Không thời gian". Một bộ phận khán giả nhận xét cô biểu cảm thiếu linh hoạt, diễn xuất chưa có cảm xúc.