Juventus chi tới 100 triệu euro để chiêu mộ Cristiano Ronaldo từ Real Madrid. Không chỉ vậy, nhà đương kim vô địch Serie A còn phải trả cho chủ nhân của 5 Quả bóng vàng mức lương lên tới 560.000 euro mỗi tuần, chiếm 40% tổng số tiền lương của CLB này.
Tất nhiên, đó phải một tin xấu hoàn toàn bởi tầm ảnh hưởng của tiền đạo người Bồ Đào Nha tại Italy là vô cùng lớn. Bằng chứng là chỉ 24h sau khi Ronaldo chính thức cập bến Juventus, doanh thu từ việc bán áo đấu của cầu thủ này đã lên tới hơn 50 triệu euro trên toàn cầu, một nửa khoản phí chuyển nhượng mà "Bà đầm già" bỏ ra trước đó.
Rất nhiều cổ động viên đã sớm sở hữu chiếc áo đấu của tân binh 100 triệu euro. Ảnh: Getty Images. |
Vậy liệu số tiền này có thể giúp Juventus bù lại khoản phí chuyển nhượng của Ronaldo hay không? Câu trả lời là không.
Luật sư thể thao Fake Cohen, người đã làm việc với nhiều giao dịch cấp cao trong bóng đá, trả lời với Independent: "Nhiều người cho rằng một CLB có thể bù đắp chi phí chuyển nhượng của cầu thủ thông qua việc bán áo đấu. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này là không đúng sự thật".
"Việc bán áo đấu không phải loại giao dịch tài trợ truyền thống. Chúng là những giao dịch được cấp phép, cho phép các nhà sản xuất sử dụng thương hiệu của CLB để bán sản phẩm của mình. Chelsea nhận 67 triệu euro mỗi năm từ Nike, Arsenal nhận 34 triệu euro mỗi năm từ Puma trước khi hưởng 10-15% doanh thu từ việc bán áo đấu sau đó", ông nói thêm.
Đồng thời, vị luật sư này cho rằng ký hợp đồng với một siêu sao không giúp nhiều cho việc bán áo đấu như đa số mọi người thường nghĩ. Thông thường, khi bán ra thị trường, các cổ động viên sẽ chọn mua chiếc áo của siêu sao nổi tiếng nhất trong CLB, trường hợp này là Ronaldo. Điều đó đồng nghĩa với việc những số áo cũ sẽ không còn được ưa chuộng.
Các nhà sản xuất áo đấu sẽ không tài trợ cho CLB chỉ để có một logo nhỏ trên ngực cầu thủ. Thay vào đó, họ đầu tư nhằm kiếm về một khoảng lợi nhuận khổng lồ. Ví dụ, Giám đốc điều hành Herbert Hainer của Adidas dự kiến hãng này sẽ kiếm được khoảng 1,7 tỷ euro từ bản hợp đồng 10 năm trị giá 840 triệu euro ký với Manchester United.
Trả lời câu hỏi tại sao các CLB không tự sản xuất áo đấu và giữ 100% lợi nhuận, Fake Cohen cho biết: "Đơn giản bởi họ là những CLB bóng đá, không phải các nhà sản xuất. Họ không có mạng lưới để phân phối toàn cầu, thiết kế, sản xuất, vận chuyển để bán hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu chiếc áo mỗi năm".
Nhiều CLB đã cho phép đặt hàng và đăng bán áo đấu ngay trên trang chủ của mình, song các cửa hàng trực tuyến này chỉ là những đơn vị phân phối nhỏ lẻ so với thị trường rộng lớn trên thế giới.
Xét cho cùng, ngay cả những CLB lớn như Man Utd, Real Madrid, Barcelona hay Juventus đều không thể so sánh với Adidas hay Nike. Một ví dụ đơn giản, Nike đã thu về gần 8 tỷ euro chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2017, nhiều hơn so với những gì Chelsea kiếm được suốt 112 năm kể từ khi thành lập CLB.