“Đội án tuyến” với nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm trên các tuyến đường bộ, thủy, các bến tàu, xe, cảng… Thực hiện nhiệm vụ trên các địa bàn dàn trải, nơi hoạt động của hầu hết loại tội phạm, công việc của các trinh sát án tuyến cũng mang những nét rất riêng.
Các loại tội phạm đều xuất hiện trên tuyến giao thông
“Các loại tội phạm ở Việt Nam như trộm cắp, cướp giật, giết người, cờ bạc, lừa đảo… thường chọn các tuyến giao thông làm nơi hoạt động của chúng. Đơn vị án tuyến là những người phải nắm chắc địa bàn giao thông để kịp thời ngăn chặn những loại tội phạm xảy ra trên tuyến mình phụ trách”, đó là chia sẻ của Trung tá Vũ Xuân Bảo, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự (Công an TP Hải Phòng) khi nói về lực lượng án tuyến.
Lực lượng cảnh sát hình sự Hải Phòng ra quân tuần tra vũ trang ban đêm bảo vệ ANTT trên các tuyến đường. |
Những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2018, xuất hiện tình trạng rải đinh trên cầu Tân Vũ - Lạch Huyện (cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nối từ nội thành Hải Phòng ra đảo Cát Hải). Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự ATGT. Kẻ xấu lợi dụng lúc vắng người, trong nhiều ngày đã rải rất nhiều đinh trên mặt cầu. Lực lượng bảo vệ cầu dù đã nỗ lực quét, dọn đinh nhưng cứ làm xong hôm trước thì hôm sau đinh lại xuất hiện khiến nhiều phương tiện đi qua cầu bị dính đinh thủng săm, nổ lốp.
Tình trạng rải đinh trên cây cầu Tân Vũ - Lạch Huyện khiến dư luận bức xúc, Ban ATGT Hải Phòng, Công an thành phố và Sở GTVT Hải Phòng ra nhiều công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên cầu nhằm phát hiện đối tượng rải đinh. Tuy vậy, các biện pháp tuần tra công khai đều không đem lại kết quả.
Nhận nhiệm vụ điều tra về vụ việc, Đội 2 (Đội Án tuyến - Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng) tung các trinh sát vào cuộc. Sau nhiều ngày kiên trì mật phục, củng cố hồ sơ, ngày 21/12, đơn vị phối hợp với Công an xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải đã triệu tập đối tượng Lê Trung Hiếu (SN 1998, làm nghề sửa xe ở thôn Minh Hồng, xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải) về cơ quan công an để điều tra, làm rõ về hành vi rải đinh trên cầu Tân Vũ - Lạch Huyện.
Hiếu là đối tượng nghiện ma túy, đã có vợ con, anh ta khai nhận hành vi rải đinh trên cầu Tân Vũ - Lạch Huyện nhằm vá săm, thay lốp cho những người đi xe máy bị dính đinh do gã rải ra mặt cầu. Từ khi các trinh sát bắt giữ Lê Trung Hiếu, hiện tượng rải đinh trên cầu Tân Vũ - Lạch Huyện đã chấm dứt.
Việc bắt đối tượng rải đinh trên cầu Tân Vũ - Lạch Huyện chỉ là một trong hàng trăm vụ việc mà đơn vị án tuyến của lực lượng cảnh sát hình sự Hải Phòng thực hiện.
Trung tá Vũ Xuân Bảo chia sẻ: “Là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc, Hải Phòng có mạng lưới giao thông dày đặc với các loại hình đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt và hàng không. Các loại tội phạm thường lợi dụng các bến tàu, bến xe, tuyến đường để hoạt động, mặt khác tại các tuyến giao thông có rất nhiều doanh nghiệp vận tải nên dễ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật”.
Cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến Hải Phòng - Hà Nội từng làm nóng dư luận trong thời gian qua. Khi đó cụm từ “xe đầu gấu” trên QL5 là nỗi ám ảnh của các nhà xe làm ăn chân chính và hành khách. Các “xe đầu gấu” này bằng nhiều biện pháp đe dọa, không cho xe khách nào vượt lên xe của họ, lạng lách, đánh võng, ép khách lên xe….
Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng, cho biết trước nạn “xe đầu gấu” lộng hành trên QL5, Bộ Công an và UBND TP Hải Phòng giao cho Công an thành phố (chủ trì là Phòng Cảnh sát hình sự) đề xuất phương án xử lý chấm dứt tình trạng này.
Phòng Cảnh sát hình sự mà chủ công là Đội án tuyến đã tổ chức 15 cuộc họp khác nhau với các đơn vị liên quan để thống nhất việc xử lý dứt điểm tình trạng tranh giành khách trên tuyến QL5.
Qua các cuộc họp, các bên thống nhất chấn chỉnh những bất cập trong công tác quản lý, nhất là bố trí phân luồng, tuyến và lốt xe để điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, tổ chức ra quân đồng loạt cùng với các lực lượng CSGT, cảnh sát cơ động kiểm tra tất cả các xe khách trên tuyến có biểu hiện vi phạm như: Chạy không đúng tuyến, chạy chậm vòng vèo để đón khách, chèn ép không cho xe khách khác vượt lên…
Kết quả đã phát hiện xử lý nghiêm hơn 300 trường hợp vi phạm, đề xuất tịch thu giấy phép đối với các doanh nghiệp không chấp hành nghiêm. Đối với các hành vi gọi điện thoại đe dọa, hành hung lái, phụ xe khách của các đối tượng côn đồ lưu manh, Đại tá Thắng chỉ đạo xác lập chuyên án 514C để đấu tranh triệt phá, bắt giữ 3 đối tượng có hành vi đánh bị thương một lái xe ở Kiến An. Kết quả đến nay, cơ bản đã chấm dứt tình trạng tranh giành khách trên tuyến QL5.
Ăn bờ, ngủ bụi để đánh án
Hơn một năm trước, trên các tuyến sông Hàn, sông Cấm và Kinh Thày thuộc địa bàn Hải Phòng và tỉnh Hải Dương xuất hiện một ổ nhóm giang hồ chuyên thu “tiền luật” của các tàu, thuyền. Cụ thể, từ năm 2015, Nguyễn Ánh Thép ở xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên ký hợp đồng với Công ty TNHH vận tải thương mại Hải Thành có trụ sở tại huyện Kinh Môn, Hải Dương làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến sông Hàn, sông Cấm và sông Kinh Thầy để chờ nghiệm thu công trình nạo vét khơi luồng của Cục ĐTNĐ Việt Nam.
Lợi dụng hợp đồng trên, Thép cùng đàn em đi xua đuổi, đe dọa các chủ tàu khai thác cát trên các tuyến sông. Tàu nào muốn khai thác cát phải nộp cho bọn chúng mỗi chuyến tàu 400 nghìn đồng, nếu không sẽ bị đe dọa, hành hung. Với thủ đoạn trên, các đối tượng này đã cưỡng đoạt tiền của nhiều người trong thời gian dài với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Trong lực lượng cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng, lực lượng án tuyến thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với các loại tội phạm trên các tuyến đường, sân bay, bến cảng, bến xe, các công trường xây dựng giao thông… Đây là công việc rất khó khăn, vất vả, các trinh sát phải bám đường, bám tàu xe để nắm được tình hình tội phạm.
Nhận thông tin về nhóm giang hồ chuyên bảo kê trên tuyến sông, các trinh sát Đội 2 phải mất nhiều tháng trời, hóa trang thành người làm thuê, chủ tàu thậm chí nằm phục ở bờ sông nhiều ngày liền để củng cố hồ sơ, chứng cứ.
Trung tá Hoàng Đức Mạnh, Đội phó Đội án tuyến chia sẻ: “Khó khăn của chúng tôi trong việc tiếp cận, thu thập chứng cứ là những người bị nhóm côn đồ này cưỡng ép, thu “tiền luật” đều là những người khai thác cát trái phép. Lực lượng trinh sát ngoài theo dõi, mật phục phải tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ, động viên người bị cưỡng đoạt đứng ra tố cáo. Sau thời gian dài điều tra, ngày 17/4/2017 lực lượng án tuyến bắt quả tang cả ổ nhóm này khi chúng đang có hành vi cưỡng đoạt số tiền 7 triệu đồng của một chủ tàu”.
Là thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc nên trên địa bàn Hải Phòng có rất nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng xe đầu kéo container. Một thời gian khá dài trên địa bàn Hải Phòng và các tỉnh lân cận xuất hiện loại tội phạm ăn cắp hàng hóa chở từ cảng về. Thủ đoạn phổ biến là trong quá trình chở hàng hóa từ các cảng biển Hải Phòng, một số lái xe đã câu kết với các đối tượng để trộm cắp hàng hóa.
Trong quá trình chở hàng từ cảng biển Hải Phòng đi các địa phương trong cả nước, đã được giao hẹn trước, lái xe đánh xe vào một địa điểm kín đáo để các đối tượng thực hiện “thủ thuật” cắt kẹp chì, mở container lấy trộm hàng. Bọn chúng thực hiện việc trộm cắp một cách tinh vi, dù xe vẫn còn nguyên kẹp chì hải quan nhưng thực tế hàng hóa trong các container đã bị lấy đi một khối lượng lớn.
Vấn nạn trộm cắp hàng hóa trong container khiến nhiều doanh nghiệp chủ hàng điêu đứng, làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng. Lực lượng án tuyến được tung vào cuộc, phát hiện, bóc gỡ hàng loạt băng, ổ nhóm chuyên câu kết với lái xe trộm cắp hàng hóa trong container.
Một trinh sát Đội án tuyến cho hay: “Các ổ nhóm trộm cắp tài sản trong container rất tinh vi, chúng thường chọn những địa điểm là các nhà kho vắng vẻ, có “chim lợn” cảnh giới sẵn sàng ngăn cản bất cứ ai lai vãng tới khu vực chúng đang “ăn hàng”. Để bóc gỡ các băng nhóm trộm cắp này, trinh sát phải mất hàng tháng trời kiên trì mật phục, thu thập chứng cứ rồi tiến hành triệt xóa ổ nhóm đó.
Thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, đơn vị án tuyến của lực lượng cảnh sát hình sự hàng ngày vẫn âm thầm lặng lẽ tuần tra, mật phục trên các cung đường, tuyến sông, bến tàu xe. Họ đang ngày đêm đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm an toàn cho các tuyến giao thông.