Theo đại tá Vũ Văn Hậu, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an, trước kia, cây cần sa, cây thuốc phiện chỉ xuất hiện ở vùng cao, vùng núi nhưng giờ, tội phạm có thể trồng ngay tại nhà, trong vườn.
Để ngăn chặn, triệt phá, cơ quan chức năng đã phải thay đổi chiến lược trong việc kiểm soát, phát hiện.
Tội phạm dùng công nghệ để trồng cây chứa chất ma túy
- Gần đây, những vụ liên quan đến việc trồng cây cần sa, cây thuốc phiện xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là ở những thành phố lớn chứ không còn chỉ xuất hiện ở vùng sâu, vùng xa như trước kia. Vì sao có tình trạng này, thưa ông?
- Tội phạm ma túy đa dạng từ việc chế biến cho đến trồng các loại cây có chứa chất ma túy. Trước kia, cây cần sa, cây thuốc phiện chỉ xuất hiện ở vùng cao nhưng giờ tội phạm có thể trồng ngay tại nhà, trong vườn. Nguyên lý cung - cầu đã dẫn đến tình trạng này. Đây là một điều đáng báo động.
Để đối phó, cơ quan chức năng phải thay đổi chiến lược trong việc kiểm soát, phát hiện. Tức là không chỉ tập trung vào những điểm “nóng” ở vùng biên giới, mà ngay giữa thành phố, cũng đòi hỏi phải quản lý, có hoạt động phòng ngừa, có nghiệp vụ tốt để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an. Ảnh: Hải Nam. |
- Tội phạm liên quan đến các loại cây chứa chất ma túy thường có những thủ đoạn như thế nào?
- Tội phạm ma túy là “tội phạm của tội phạm”. Chúng tinh vi, xảo quyệt, đa dạng về phương thức thủ đoạn và thường xuyên thay đổi phương thức hành động. Tội phạm ngày nay cũng áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ để sản xuất, trồng những cây chứa chất ma túy, cũng như ngụy trang cho hành vi trên.
Ví dụ như ông Tiberghien Frederec (55 tuổi, quốc tịch Pháp) thuê 3.000 m2 đất, trồng hoa màu nhưng xen canh, trồng lẫn vào đó là 115 cây cần sa ở bãi giữa sông Hồng. Người thường nếu không có kinh nghiệm thì rất khó phát hiện.
Từ những cây cần sa, tội phạm có thể chế biến thành nhiều loại, nhiều hình thức hàng hóa khác nhau để cung cấp cho người mua như sấy khô, cuốn điếu... Và để lách luật, chúng thường bán lẻ với số lượng rất ít, dưới mức tối thiểu bị xử lý hình sự. Nếu bị bắt quả tang, chúng chỉ bị phạt hành chính ở mức nhẹ.
Còn đối với những tội phạm móc nối, nhập khẩu cần sa từ nước ngoài qua đường hàng không, chúng sẽ cất giấu, ngụy trang chất cấm trong những sản phẩm có bao bì hợp pháp. Do cần sa không thể nhìn thấy qua máy soi chiếu hay thiết bị điện tử, nhân viên hải quan, an ninh hàng không khó phát hiện ra nếu như không được tập huấn hay có nghiệp vụ.
Trong công tác phòng chống tội phạm về ma túy, sự phối hợp giữa lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển như "4 anh em một nhà".
Những người giữ điếu cần sa như thế này nếu bị cơ quan chức năng bắt quả tang chỉ bị xử phạt hành chính. Ảnh: Đ.X. |
Nguyên nhân nào khiến việc quản lý trồng cây cần sa, cây thuốc phiện gặp khó khăn?
- Về nguyên nhân, tôi cho rằng có 4 nhóm cơ bản.
Một là, nhận thức của người dân về các loại cây có chứa chất ma túy. Tại nhiều địa phương, người dân có khi trồng cây ma túy theo phong tục tập quán, hoặc để sử dụng trong dân sinh như làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Cho nên, công tác tuyên tuyền không tốt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân vô tình trồng cây chứa chất ma túy.
Hai là, hệ thống luật pháp chưa đủ sức răn đe. Bộ luật Hình sự Việt Nam có 13 điều quy định các tội liên quan đến ma túy. Trong đó, hình phạt cho tội phạm ma túy là rất nghiêm khắc, có đến 2/3 các điều có khung hình phạt tù chung thân và tử hình. Thế nhưng, Điều 247 quy định về tội Trồng cây có chứa chất ma túy, lại có hình phạt rất nhẹ, chỉ mang tính chất cảnh báo là chính.
Cụ thể, với Khoản 1 Điều 247, khung hình phạt đối với người trồng các cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nhưng, phải thỏa mãn một trong các yếu tố: Phải trồng từ 500 cây trở lên; đã được giáo dục 2 lần và có điều kiện sống ổn định hoặc đã bị xử phạt hành chính. Khung hình phạt cao nhất với tội trồng cây chứa chất ma túy là 7 năm tù nhưng phải trồng từ 3.000 cây hoặc tái phạm nguy hiểm. Tôi đánh giá khung xử phạt không có tính răn đe. Dẫn chứng ngay vụ ông Tiberghien Frederec, với số lượng cây cần sa là 115 thì đương nhiên chỉ có thể xử phạt hành chính, mà mức phạt cũng không cao.
Ba là, nhu cầu trồng cây cần sa, cây thuốc phiện của người dân còn có nhiều mục đích khác. Đối với cây cần sa, bên cạnh việc được dùng để thỏa mãn nhu cầu làm chất gây nghiện, người dân còn sử dụng nó để làm thuốc chữa bệnh, thức ăn cho gia súc, ngâm rượu, làm cao... mà những điều đó tạo ra lợi nhuận.
Bốn là, các nước láng giềng như Thái Lan, Lào... đang hợp pháp hóa việc trồng cây cần sa cho mục đích y tế. Điều đó dẫn đến việc phía bên này cột mốc biên giới, hành vi trồng cây cần sa, cây thuốc phiện là vi phạm nhưng bước sang phía bên kia lại là hoạt động được cho phép. Đó là điều kiện cho tội phạm lợi dụng. Tôi đánh giá tình trạng này là rất gay go, là một nguy cơ trong công tác phòng chống ma túy thời gian tới.
Chưa có chế tài hành vi mua bán hạt giống cây chứa chất ma túy
- Trong việc xử lý hành vi này, cơ quan chức năng gặp khó khăn gì?
- Trong câu chuyện về sử dụng, tái trồng cây cần sa, cây thuốc phiện, có một vấn đề mà pháp luật nghĩ đến nhưng chưa làm được đó là chưa quy định về tội Mua bán, tàng trữ hạt giống cây có chứa chất ma túy. Theo quy định, hạt giống cây cần sa, cây thuốc phiện không chứa đủ hàm lượng chất ma túy tối thiểu nên không có chế tài xử lý. Trong khi đó, chính những hạt giống lại là mầm mống cho việc gieo trồng, nhân giống.
Trước kia, có vụ lực lượng của Bộ Công an bắt cả tấn hạt giống cây chứa chất ma túy nhưng bất lực do không có điều luật nào để quy tội. Cách duy nhất chúng tôi có thể xử lý là khiến những hạt giống không thể nảy mầm. Chúng tôi biết chắc rằng những hạt này khi được gieo trồng sẽ rất nguy hiểm.
Từ đó, có thể thấy thực tiễn trong công tác phòng chống tội phạm ma túy gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không có kế hoạch bài bản, không có sự chung sức, chung lòng của hệ thống chính trị, ý thức của người dân thì khó có thể giải quyết được tận gốc vấn đề.
Đại tá Hậu cho rằng cần nâng mức phạt đối với hành vi trồng cây có chứa chất ma túy. Ảnh: Hải Nam. |
- Vậy Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã có giải pháp nào để ngăn chặn tội phạm liên quan đến các loại cây chứa chất ma túy?
- Phương án giải quyết sẽ phải căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến nó. Và đối với 4 nhóm nguyên nhân, tôi đã vạch ra 4 chùm giải pháp.
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân.
Hai là, pháp luật cần nâng mức xử lý, tăng tính răn đe.
Ba là, giải pháp về kinh tế - xã hội. Nhà nước cần có những phương án để phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống với mục đích xóa bỏ những nhu cầu thu lợi từ các loại cây có chứa chất ma túy của người dân.
Bốn là, bên cạnh việc xử lý người vi phạm, còn cần truy trách nhiệm đối với những người đứng đầu để xảy ra tình trạng phạm tội.
Cuộc đấu tranh này, cả xã hội phải chung tay, hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, mỗi gia đình, công dân phải nhận thức rõ nguy cơ, tác hại thì mới chiến thắng.
- Vì sao Việt Nam xếp cần sa vào danh mục các cây có chứa chất ma túy?
- Cây cần sa tên khoa học là Cannabis, chứa các chất kích thích gây hưng phấn thần kinh. Trong quy định pháp luật Việt Nam, cây cần sa cùng các loại cây coca, cây lá khát... bị xếp vào danh mục các cây có chứa chất ma túy.
Với riêng cây cần sa, chúng là một loại ma túy nhẹ, có độ kích thích loại một. Thế nhưng, tâm lý của những người nghiện chất kích thích là sẽ luôn muốn tăng nhu cầu, tăng độ phê, độ say. Vì vậy, nếu đã sử dụng cần sa và nghiện chất kích thích, xu hướng tăng liều, sử dụng những loại mạnh hơn như ma túy tổng hợp, heroin... là dễ xảy ra.
Ví dụ như vụ 7 người tử vong tại lễ hội âm nhạc ở hồ Tây năm 2018, cơ quan chức năng xác định ban đầu, các nạn nhân đã sử dụng cần sa và bóng cười. Sau đó, khi độ phê chưa đủ, họ tiếp tục sử dụng ma túy tổng hợp. Trong một môi trường âm thanh lớn, yếm khí, các nạn nhân đã tử vong. Vì vậy, cần sa dù nhẹ nhưng hệ quả liên đới sau đó rất nguy hiểm.
- Cám ơn ông!