Để đảm bảo an toàn và từng bước thích ứng linh hoạt, xử lý, kiểm soát tốt các tình huống có thể xảy ra trong cơ sở giáo dục mầm non, việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP.HCM được chia theo hai giai đoạn.
Trẻ mầm non 3-6 tuổi ở TP.HCM được đến trường trước. Ảnh: T.T. |
Từ ngày 7/2 đến 13/2, cơ sở giáo dục mầm non thực hiện các công tác chuẩn bị đón trẻ trở lại trường học tập trực tiếp, tổ chức họp cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ; tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.
Trước khi trẻ đến trường, Phòng GD&ĐT thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức kiểm tra rà soát số lượng cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn đủ điều kiện đón trẻ đến học trực tiếp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu gửi trẻ.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non đã giải thể, các phòng giáo dục có kế hoạch điều tiết, phân công các trường trên địa bàn tiếp nhận trẻ; cập nhật chính xác danh sách trẻ trên cơ sở danh sách đăng ký nhập học nhằm điều chỉnh, phân chia nhóm, lớp, phân công giáo viên kịp thời đáp ứng các hoạt động; hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn bố trí phân luồng giáo viên, nhân viên phù hợp.
Trong các buổi họp phụ huynh, nhà trường cần thông báo rõ kế hoạch đón trẻ đến trường, sơ đồ đón, trả trẻ phù hợp theo điều kiện của từng cơ sở.
Riêng đối với trẻ có tình trạng dinh dưỡng thừa cân, béo phì, trẻ có bệnh lý nền, nhà trường cần trao đổi trực tiếp và tư vấn với cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ để thống nhất việc cho trẻ đến trường.
Các cơ sở giáo dục cho trẻ làm quen với trường, lớp, với cô và bạn thông qua các clip để khi đến trường trẻ nhanh chóng thích nghi.
Giai đoạn từ ngày 14/2 đến 25/2, trẻ mẫu giáo 3-6 tuổi đến trường. Khi trẻ đến trường, các cơ sở giáo dục mầm non phân công giáo viên hỗ trợ đón trẻ, kiểm tra sức khỏe (đo thân nhiệt, rửa tay) và hướng dẫn trẻ vào lớp phù hợp với điều kiện, quy mô của đơn vị. Dành thời gian cho trẻ thích nghi với chế độ sinh hoạt tại trường, quan sát những biểu hiện tâm lý của trẻ, trò chuyện, tìm hiểu để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Nhà trường tạm thời chưa tổ chức ăn sáng trong tuần đầu trẻ trở lại trường; sinh hoạt với trẻ một số nội dung về giữ vệ sinh cá nhân và giữ gìn sức khỏe an toàn, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng; biết che miệng khi ho, hắt hơi; hướng dẫn trẻ biết trao đổi với giáo viên khi có các dấu hiệu: sốt, ho, mệt, khó thở.
Trường, nhóm lớp chú ý sử dụng tối đa diện tích của phòng, lớp tạo sự thông thoáng; tận dụng các phòng chức năng, chia lớp, phân giáo viên trong tổ chức các hoạt động.