Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Kế hoạch đổi chồng’ của Hoàng Yến Chibi: Hời hợt, thiếu cảm xúc

Có lợi thế là ý tưởng gốc đầy thú vị, nhưng tổng thể bộ phim mới của Hoàng Yến Chibi lại rất vội vã, hời hợt và không thể tạo ra điểm nhấn riêng so với nguyên tác.

Trailer bộ phim 'Kế hoạch đổi chồng' Bộ phim Việt Nam được remake từ kịch bản "A Boyfriend for My Wife" (2008) của người Argentina.

Thể loại: Lãng mạn, tâm lý, hài hước
Đạo diễn: Trần Nhân Kiên
Diễn viên chính: Hoàng Yến Chibi, Quang Đăng, Trương Thanh Long
Zing.vn đánh giá: 6/10

review phim Ke hoach doi chong anh 1
Kế hoạch đổi chồng dựa trên kịch bản gốc của người Argentina. Nguyên tác vốn từng được người Hàn làm lại rất thành công thành All About My Wife (2012).

Kế hoạch đổi chồng được làm lại từ bộ phim A Boyfriend for My Wife (2008) của điện ảnh Argentina. Trước khi bản Việt hóa ra đời, nguyên tác đã được một số nền điện ảnh khác nhau remake. Trong đó, nổi bật hơn cả là All About My Wife của người Hàn Quốc vào năm 2012.

Bộ phim không chỉ gặt hái thành công về mặt doanh thu với hơn 4,5 triệu lượt khán giả nội địa, mà còn giúp lần lượt Im Soo-jung và Ryu Seung-ryong thắng giải Nữ diễn viên chính Nam diễn viên phụ xuất sắc tại lễ trao giải thưởng điện ảnh Rồng Xanh lần thứ 34.

Đến với Kế hoạch đổi chồng của điện ảnh Việt, hai nhân vật chính là đôi trẻ Quân (Quang Đăng) và Dung (Hoàng Yến Chibi). Sau một lần tình cờ gặp nhau tại sân bay, cả hai nảy sinh tình cảm và sớm đi đến quyết định hôn nhân.

Song, chỉ sau một năm chung sống, Quân ngày càng cảm thấy áp lực khi chứng kiến Dung ngày càng trở nên đanh đá, liên tục cằn nhằn và thể hiện sự quan tâm thái quá đến mức phiền phức. Khi cảm thấy không thể chịu đựng nổi cuộc sống hôn nhân hiện tại, anh muốn ly dị để được tự do.

Để tìm ra lý do thuyết phục, Quân bèn nhờ Khương (Trương Thanh Long) - một tay sát gái thượng hạng - tìm cách quyến rũ vợ mình. Song, Quân không ngờ rằng hành động của anh lại dẫn đến nhiều sự kiện không ngờ tới, ảnh hưởng lớn đến chính bản thân.

Bản remake vội vã về tình tiết và cảm xúc

Về tổng thể, Kế hoạch đổi chồng sở hữu cấu trúc câu chuyện và kịch bản gần như giữ nguyên so với nguyên tác, và đặc biệt là bản chuyển thể của Hàn Quốc. Những sự kiện, chi tiết chính lặp lại khá đầy đủ. Tuy nhiên, với thời lượng được rút ngắn đáng kể so với các phiên bản trước, bộ phim Việt hóa có tiết tấu được đẩy lên khá nhanh và gấp gáp hơn hẳn.

Điều đó khiến cho nhiều sự kiện của Kế hoạch đổi chồng phải điều chỉnh để rút ngắn thời lượng, gây ảnh hưởng đến việc xây dựng hoàn cảnh cũng như mối quan hệ giữa nhóm nhân vật. Song, hầu hết điều chỉnh đều chưa tạo ra hiệu ứng tích cực so với các bản phim của nước bạn.

review phim Ke hoach doi chong anh 2
Ngay từ đầu phim, Kế hoạch đổi chồng đã cho thấy sự hời hợt và nhiều tình tiết sau đó bị lược bớt.

Ngay trong trường đoạn đầu tiên khi hai nhân vật chính gặp nhau, Kế hoạch đổi chồng của đạo diễn Trần Nhân Kiên đã để lộ ra sự hời hợt. Tình huống Quân che chở cho Dung khi Dung sợ hãi trước vụ nổ tại sân bay diễn ra sơ sài, bất hợp lý.

Sự nhanh nhẹn, nhiệt tình mà Quân thể hiện ra giống như anh đang có ý đồ cố tình bắt chuyện làm thân với Dung, hơn là sự quan tâm một cách tình cờ, không có dụng tâm riêng.

So sánh với bản Việt, những gì Im Soo-jung và Lee Sun-kyun thể hiện ở trường đoạn gặp mặt lần đầu trong bản Hàn rất ấn tượng, thực tế và đem lại nhiều ý nghĩa hơn hẳn. Không chỉ là cuộc gặp gỡ định mệnh, khán giả còn thấy rõ chuyên ngành xây dựng mà nam chính đang theo đuổi, hay lối giao tiếp nhẹ nhàng, chậm rãi của anh.

Còn Im Soo-jung cũng thể hiện khá rõ cá tính kiên định của bản thân khi làm bất cứ việc gì. Đồng thời, ấn tượng và tình cảm mà cô gái dành cho người chồng tương lai được khắc họa rất rõ ràng chỉ qua một lần gặp mặt ngắn ngủi.

Sau màn dạo đầu thiếu thực tế, khán giả tiếp tục trải nghiệm cuộc sống hôn nhân nhiều áp lực của Quân một cách gấp gáp. Các chi tiết miêu tả một ngày bình thường kỳ cục của bản Hàn được lặp lại trong bản Việt máy móc. Trong khi, lời thoại nhằm làm rõ tâm lý hay mâu thuẫn của các nhân vật lại không rõ ràng.

Xuyên suốt Kế hoạch đổi chồng là hàng loạt tình huống gấp gáp, vội vàng như thế. Hậu quả là khán giả chưa kịp hiểu rõ và đồng cảm với nhân vật thì đã bị đẩy sang tình huống khác.

Mãi đến nửa sau của bộ phim, nhịp điệu tác phẩm mới bắt đầu trở nên ổn định hơn. Đáng tiếc thay, những gì thể hiện trong cao trào cuối phim còn dễ đoán, khuôn mẫu, với cách xử lý còn thiếu tính đột phá.

Từ câu chuyện tuổi trung niên chuyển sang chuyện vợ chồng son

Điểm khác biệt lớn nhất của Kế hoạch đổi chồng so với các phiên bản trước nằm ở chỗ Quân và Dung mới chỉ lập gia đình khoảng một năm. Còn ở nguyên tác hay một số phiên bản remake khác, đôi nhân vật chính thường đã chung sống với nhau một khoảng thời gian khá dài.

review phim Ke hoach doi chong anh 3
Thay đổi đắt giá nhất của bản phim Việt chính là việc Quân và Dung mới cưới nhau được một năm.

Thay đổi ấy khiến tâm lý của Quân và Dung được xây dựng và thể hiện tương đối khác biệt. Trong mối quan hệ đó, Quân giống như một chàng trai trẻ cả thèm chóng chán, chưa sẵn sàng với cuộc sống hôn nhân nên dễ dàng bị khớp khi về sống chung với người mình yêu thương, để giờ đây tìm mọi cách dứt bỏ chuỗi phiền phức hiện tại.

Còn nhân vật Dung của Hoàng Yến Chibi cũng không giống như một bà nội trợ chỉ biết yêu chồng và luôn cô đơn một mình ở nhà, dẫn đến áp lực tâm lý tù túng lúc nào cũng cần giải tỏa. Cô giống như nàng tiểu thư đang tận hưởng cuộc sống tự do thoải mái, không thèm quan tâm đến suy nghĩ của người khác.

Từ đó, nửa cuối Kế hoạch đổi chồng thể hiện tâm lý và cảm xúc của đôi nhân vật có phần mãnh liệt, rõ ràng hơn so với các phiên bản trước. Về phía Quân, anh thể hiện rõ tâm lý của một chàng trai trẻ chưa trải đời, thiếu chắc chắn với tình cảm. Khi ở gần thì anh chán, còn khi sắp vuột mất thì nhớ thương, sợ hãi, dằn vặt.

Với Dung, cô tiếp nhận những mối quan hệ và tình cảm mới một cách đơn giản. Dung luôn giống như các cô gái khi đang yêu hơn là một người phụ nữ đã có gia đình và yêu chồng đến mức cực đoan.

Thay đổi về mặt nhân vật có thể khiến khán giả trẻ cảm thấy đồng cảm với cảm xúc của Quân, đồng thời nhấn mạnh hậu quả của những lỗi lầm mà anh gặp phải. Đây có thể coi là điểm nhấn nổi bật của phiên bản Việt hóa, dù hoàn cảnh và chiều sâu nhân vật không bằng.

Phần Việt hóa hời hợt, thiếu bản sắc

Kế hoạch đổi chồng chưa thành công trong việc Việt hóa bối cảnh, kịch bản phim sao cho phù hợp, gần gũi với khán giả nước nhà.

Thay đổi về độ tuổi và thời gian chung sống các nhân vật chính trong phim, nhưng bộ phim lại quên thay đổi hoàn cảnh sinh hoạt đời thường của họ. Hậu quả là điều kiện vật chất của Quân và Dung trong phim không thực sự phù hợp so với hoàn cảnh thực tế tại Việt Nam.

review phim Ke hoach doi chong anh 4
Không ít chi tiết của nguyên tác không phù hợp với bối cảnh xã hội Việt Nam hiện đại.

Cả hai nhân vật chính đều còn rất trẻ. Quân là một kỹ sư thiết kế thông thường, còn Dung thì ở nhà làm nội trợ. Song, cả hai đều có đời sống khá cao, với một căn biệt thự liền kề cao cấp, đi làm bằng xe hơi riêng.

Thậm chí, Dung chỉ mới bắt đầu công việc phát thanh viên radio trong khoảng thời gian ngắn cũng đủ tiền mua xe hơi riêng một cách đơn giản đến mức phi lý.

Rồi chi tiết Dung trở thành khách mời trên kênh radio, để rồi trở thành hiện tượng nổi tiếng khi ai ai cũng muốn lắng nghe giọng cô cũng không phù hợp thực tế.

Trong bối cảnh Việt Nam hiện đại, nếu các nhà làm phim mạnh dạn thay đổi hình thức truyền thông từ radio sang các hình thức khác tân tiến như livestream trên các nền tảng mạng xã hội thì có thể đã tạo ra hiệu ứng chân thực hơn hẳn.

Diễn xuất tạm đủ, nhân vật chưa đủ ấn tượng

Các nhân vật trong Kế hoạch đổi chồng đều sở hữu cá tính riêng, nhưng không đủ gây ấn tượng. Nguyên nhân là do tiết tấu phim quá gấp gáp, bộ phim phải cắt giảm các tình tiết giúp xây dựng tâm lý nhân vật cũng như mối quan hệ giữa họ. Hậu quả là không ai có hoàn cảnh và diễn biến tâm lý thực sự rõ ràng.

review phim Ke hoach doi chong anh 5
Vai diễn Dung tỏ ra quá sức đối với Hoàng Yến Chibi.

Diễn xuất của các diễn viên vừa đủ tròn vai, không quá nổi bật, không quá khô cứng. Với Hoàng Yến Chibi, sau Tháng năm rực rỡ (2018), cô có cơ hội thể hiện mẫu hình tượng nhân vật mới, hoàn toàn khác biệt, đòi hỏi diễn xuất đa dạng, nhiều năng lượng hơn.

Tuy nhiên, vai Dung có lẽ là thử thách có phần quá sức với nữ diễn viên trẻ. Nét diễn của Hoàng Yến Chibi còn khá hạn chế trong các trường đoạn đòi hỏi diễn xuất nội tâm, hay lúc chuyển đổi từ một bà nội trợ khó tính sang người phụ nữ mạnh mẽ, cá tính ngoài xã hội.

Quang Đăng thể hiện tương đối tốt diễn biến tâm lý của người chồng trẻ bất ổn, chưa trải đời. Nhân vật của Trương Thanh Long thì thiếu đất diễn để nhân vật của anh có thể trở nên thuyết phục.

Nhìn chung, Kế hoạch đổi chồng nắm lợi thế nhờ ý tưởng gốc thú vị của nguyên tác, và đã nỗ lực đem tới một số cải biên nhỏ. Song, bộ phim vẫn mắc phải nhiều lỗi về mặt kịch bản và tiết tấu để có thể trở thành một tác phẩm thật sự chất lượng.

Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc.

‘Bao giờ hết ế’ - phim có Á hậu Thúy Vân nhạt nhẽo, phi lý đến khó tin

Sở hữu câu chuyện “hợp đồng tình yêu” quen thuộc, bộ phim “Bao giờ hết ế” của Á hậu Thúy Vân khiến người xem phải ngao ngán bởi nội dung quá sức phi lý và hời hợt.






Khánh Hưng

Ảnh: Beta

Bạn có thể quan tâm