Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kế hoạch lừa 138 người, chiếm đoạt gần 39 tỷ đồng

Các bị cáo cam kết đưa người sang Australia để lao động trong 2-4 năm với mức lương 3.000-4.000 USD/tháng. Hàng trăm nạn nhân đã nộp tiền và bị chiếm đoạt.

Chiều 1/6, TAND Hà Nội phạt bị cáo Lại Thị Vân (43 tuổi, quê Thái Bình) án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự. Cùng tội này, Phạm Bá Trạc (64 tuổi, ở Hà Nội) lĩnh 18 năm tù.

Từ tháng 4/2015 đến năm 2017, ông Trạc và bà Vân không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, bà Vân giới thiệu mình làm môi giới xuất khẩu lao động, còn ông Trạc nhận là cán bộ, có nhiều mối quan hệ có thể giúp nhiều người xuất cảnh.

Các bị cáo cam kết đưa người sang Australia lao động từ 2-4 năm với mức lương 3.000-4.000 USD/tháng. Người lao động cần nộp chi phí 5.000-30.000 USD tùy theo công việc muốn làm.

Lua dao tien ty anh 1

Hai bị cáo lĩnh án tù sau gần 10 năm gây án. Ảnh: N.T.

Một trong số nạn nhân bị lừa số tiền lớn là anh P.A.T. (quê Quảng Bình). Tháng 4/2015, anh T. nghe 2 bị cáo nói có thể đưa người sang Australia lao động theo diện bảo lãnh của doanh nghiệp. Anh T. sau đó đứng ra nhận tiền của nhiều họ hàng và bạn bè, chuyển cho Trạc và Vân.

Có gần 30 người đã giao hơn 10 tỷ đồng cho anh T. Sau khi nhận tiền, người trung gian đưa toàn bộ cho Trạc, Vân và có viết giấy biên nhận. Hai bị can nói sau 60 ngày sẽ cho xuất cảnh, nhưng không thực hiện cam kết.

Giữa năm 2017, Công an Hà Nội nhận hàng loạt đơn trình báo của các bị hại. Ngày 11/7/2020, ông Phạm Bá Trạc ra đầu thú. Đến ngày 3/2/2021, Lại Thị Vân bị bắt theo lệnh truy nã.

Bị cáo Trạc khai năm 2012, ông ta sang Australia và gặp Lê Cảnh (khoảng 50 tuổi, không rõ lai lịch). Cảnh đã đề nghị Trạc tìm khoảng 500-800 lao động ở Việt Nam để đưa sang nước này làm việc tại Tập đoàn Ydeet với chi phí xuất cảnh là 10.000 USD.

Sau khi về nước, Trạc nói với Vân nội dung trên và bàn bạc, thỏa thuận tìm người lao động. Các bị cáo khai đã đưa cho Cảnh và Ngân (tự nhận là thư ký của Cảnh) khoảng hơn một triệu USD, nhưng không có giấy tờ gì chứng minh việc này.

Quá trình điều tra, nhà chức trách đề nghị phía Australia xác minh về Lê Cảnh và Tập đoàn Ydeet. Cơ quan Tổng chưởng lý Australia khẳng định không tồn tại công ty, tập đoàn, tổ chức tên Ydeet. Còn dữ liệu về Lê Cảnh cũng không có thông tin cụ thể.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

Mất 750 triệu đồng sau cuộc gọi giả danh công an

Người tự xưng công an nói ông B. có liên quan đến vụ án lừa đảo, trốn thuế và yêu cầu chuyển tiền để phục vụ cơ quan điều tra.

Cảnh báo cuộc gọi giả danh cán bộ Phòng an ninh mạng

Nghi phạm lừa đảo thực hiện cuộc gọi từ thuê bao 0848568258 và mạo danh công tác tại Phòng an ninh mạng nhằm gây hoang mang cho người dân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm