Đây là nội dung nằm trong tờ trình dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại trường học trên địa bàn của Sở GD&ĐT TP.HCM gửi UBND TP.HCM.
Theo đánh giá của sở giáo dục, để hồi phục kinh tế, thành phố phải tính toán cho học sinh tới trường. Đây là điều kiện rất quan trọng để thành phố sớm ổn định, phụ huynh yên tâm đi làm. Việc tận dụng khoảng thời gian đi học trực tiếp là điều kiện rất cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục, đồng thời là điều kiện cơ bản để ổn định xã hội.
Học sinh trường THCS-THPT Thạnh An (Cần Giờ, TP.HCM) được đến trường trực tiếp từ hôm 20/10. Ảnh: Chí Hùng. |
Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất địa bàn xác định dịch ở cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) được tổ chức dạy trực tiếp nhưng phải đảm bảo giãn cách, bộ tiêu chí an toàn trong trường học. Các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường không được phép tổ chức.
Các trường ngoài công lập ở những địa bàn này, nếu đảm bảo điều kiện an toàn, có thể bố trí nội trú, bán trú, xe đưa rước học sinh.
Các trường đại học được tổ chức dạy học trực tiếp nếu đáp ứng bộ tiêu chí an toàn trường học, đội ngũ nhà giáo và sinh viên tham gia dạy học trực tiếp đã được tiêm đủ liều vaccine, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp 3 (nguy cơ cao), các trường tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, trên truyền hình, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học.
Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9, 12.
Để được phép tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục phải được ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 đánh giá an toàn, đảm bảo theo bộ tiêu chí an toàn trường học của TP.HCM. Học sinh, học viên, sinh viên phải được bố trí học lệch giờ, không tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người học.
Các địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tự học.
Về công tác tổ chức, sở giáo dục đề xuất trong thời gian đầu, các trường mầm non chỉ nhận giữ trẻ 1 buổi, không ăn sáng, không bán trú. Các lớp được chia đôi số lượng học sinh và bố trí lệch buổi. Sau mỗi tuần, phòng GD&ĐT đánh giá lại độ an toàn, các điều kiện để tham mưu UBND quận/huyện/ thành phố điều chỉnh nới rộng các điều kiện như cho tổ chức ăn sáng, bán trú, bỏ tách lớp.
Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các trường chủ động xây dựng phương án tổ chức hoạt động để phù hợp quy định cấp độ dịch tại địa phương.
Để chuẩn bị cho kế hoạch mở cửa trường trở lại, sở giáo dục đề xuất UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng kế hoạch dạy học trực tiếp trên địa bàn phù hợp tình hình kiểm soát dịch. Phòng GD&ĐT đóng vai trò đánh giá mức độ an toàn của các trường trên địa bàn trước khi triển khai dạy học trực tiếp.
Ban giám hiệu các trường phối hợp ban quản lý xây dựng công trình ở địa phương rà soát tiến độ bàn giao trường học được trưng dụng, có kế hoạch sửa chữa.
Ngày 27/10, trả lời về kế hoạch mở cửa lại trường học sau khi học sinh đã được tiêm vaccine, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng vaccine là một trong những điều kiện cần thiết để học sinh đi học trở lại.
“Khi chúng ta tổ chức được việc tiêm vaccine mũi 1 hôm nay thì 3 tuần sau các em sẽ được tiêm mũi 2. Sau khi tiêm mũi 2 được 2 tuần, tức là sau 5 tuần nữa, chúng ta có thể tương đối yên tâm, học sinh đã được bảo vệ bởi vaccine. Như vậy, chúng ta đã đạt được một trong những điều kiện cần để có thể tổ chức cho các em đi học trở lại" - ông Đức nói.
Tuy vậy, ông cho biết thành phố vẫn cân nhắc kỹ lưỡng vì sự an toàn của học sinh là trên hết. Việc trở lại trường còn phụ thuộc nhiều yếu tố, tinh thần an toàn đến đâu, mở cửa tới đó. Thành phố cần chuẩn bị kỹ lưỡng để mở cửa ổn định, an toàn, tránh tình trạng nay mở rồi một thời gian ngắn lại phải đóng.