Bước ra từ trung tâm thương mại, Ngọc Trang (20 tuổi, Hà Nội) xách trên tay nhiều túi quần áo mình vừa mua xong. Cô nói với Zing mình chi 30 triệu đồng cho những món đồ này.
Giống Trang, nhiều người trẻ khác cũng đang hòa chung không khí sắm đồ Tết sau một năm dành nhiều thời gian ở nhà. Dù vậy, một số cho biết họ phải đắn đo, kế hoạch mua đồ Tết bị cắt giảm nhiều thứ để đảm bảo kinh tế.
Thành quả một buổi đi mua quần áo Tết của Trang. |
Chú ý những món đồ đa dụng
Quần jeans, giày, túi xách đến từ các thương hiệu quốc tế bình dân là những món đồ được Trang cùng bạn trai của mình mua để diện trong dịp Tết.
"So với năm trước, tôi mua sắm quần áo đợt này nhiều hơn. Tôi thấy thích thì mua vì một năm qua ở nhà quá nhiều. Đây là cách để tôi có thể mua bù cho quãng thời gian qua", cô nói.
Chi tiền để mua đồ Tết, Trang cũng nghĩ nhiều đến tính đa dụng của nó. Cô mua quần jeans vì nghĩ nó giúp mình mặc được nhiều dịp, không bao giờ lỗi mốt. Trước đó, cô thích mặc nhiều kiểu váy phức tạp. Sau dịch, cô đổi sang phong cách đơn giản hơn và muốn mặc thoải mái.
Cũng chú ý về tính đa dụng, Quang Anh (25 tuổi) mua một chiếc áo blazer họa tiết kẻ và trench coat đen. Anh chi gần 5 triệu đồng cho một buổi đi sắm đồ Tết.
Áo trench coat đen cùng blazer kẻ đảm bảo dễ phối đồ cho nam giới. Ảnh: Quang Anh. |
Anh chia sẻ: "Tôi chọn họa tiết kẻ caro vì nó chẳng bao giờ lỗi mốt. Chiếc áo này giúp tôi tiện đi làm lẫn đi chơi với bạn bè. Tương tự, áo trench coat đen giúp tôi dễ phối đồ, mặc qua nhiều năm mà không lo bị quê mùa".
Quang Anh còn mua thêm một chiếc áo cổ lọ màu đen và phông trắng trơn để tiện phối đồ.
Nhiều bạn trẻ khác cũng cho rằng bản thân có xu hướng "ăn theo" khi cảm nhận không khí Tết đến gần. Mai Thảo (25 tuổi, TP.HCM) vốn không định mua quần áo để mặc Tết vì nghĩ mình còn nhiều đồ chưa mặc Tết. Dù vậy, cô vẫn bị thu hút bởi những chiếc blazer oversized hay boots cao cổ trên các trang web của thương hiệu nước ngoài.
Bị cuốn vào "cơn lốc sale"
Không như hơn một tháng trước - thời điểm các thương hiệu quốc tế lẫn trong nước giảm giá "nhỏ giọt" cho dịp Black Friday, nhiều hãng hiện thu hút khách hàng với chương trình sale Tết hấp dẫn hơn. Theo ghi nhận của phóng viên, các thương hiệu cũng áp dụng giảm giá cho các sản phẩm đúng mùa, ví dụ như các mẫu áo khoác dày, len phù hợp với thời tiết.
Các bạn trẻ suy nghĩ về tính đa dụng của sản phẩm mình định mua. |
Nhiều thương hiệu cũng giảm giá cho những chiếc áo len in hình con hổ - biểu tượng mừng Tết Nhâm Dần. Váy, áo sơ mi, khoác chất liệu tweed tông đỏ cũng được sale từ mức giá thấp nhất là 369.000 đồng.
Thay vì mua đồ của thương hiệu nước ngoài, Minh Phụng và Hương Giang (24 tuổi) trung thành với local brand để lựa chọn quần áo phù hợp với phong cách bụi phủi. Chỉ định mua một chiếc áo hoodie nhưng bị thu hút bởi chương trình sale, Phụng mua hai chiếc áo, hết gần 800.000 đồng.
Minh Phụng và Hương Giang hướng theo phong cách cá tính, bụi phủi. |
"So với năm trước, chúng tôi không nghĩ nhiều đến đồ Tết nữa. Tình hình kinh tế năm qua khó khăn khiến cả hai phải suy nghĩ về những món đồ mình mua. Mua đồ vì một phần hưởng ứng không khí và cả hai cũng thấy cần thiết", đôi trẻ chia sẻ.
Xu hướng mua đồ cũ
Sau vài tháng giãn cách, nhiều người trẻ có xu hướng mặc đồ cổ. Trào lưu này bắt đầu thịnh hành ở phương Tây khoảng một năm nay và cũng được Gen Z châu Á bắt kịp. Khi bị cuốn hút bởi phong cách hoài cổ, họ cũng có xu hướng tìm đến đồ cũ. Quỳnh Như (25 tuổi, TP.HCM) là một minh chứng cho điều này khi cô đã mua hai món đồ cũ để đón Tết - một đôi boots cao bồi và chiếc áo khoác dạ ép xanh lá hợp xu hướng.
Đôi boots có giá 1 triệu đồng được Như mua tại cửa hàng đồ cũ. Ảnh: Quỳnh Như. |
Như cho biết cô mua đôi boots thông qua một cửa hàng online chuyên bán giày cũ, mang hơi hướm cổ điển. Đôi giày cô mua có vẻ ngoài gần như mới, giá 1 triệu đồng.
"Tôi đã có tìm thử những đôi tương tự ở các thương hiệu nước ngoài. Chúng có giá thấp nhất là 3 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá thấp hơn gấp 3, tôi lại có thể sở hữu đôi tương tự", Như chia sẻ.
Một số bạn trẻ cũng chia sẻ với Zing rằng họ thích mua và mặc những món đồ cũ vì chúng rẻ, độc nhất, không đại trà. Khi bỏ ra số tiền rẻ hơn gấp nhiều lần giá mua trong cửa hàng, họ lại có được chiếc túi hiệu để phối đồ.
Ngày 7/1, York Press đăng tải bài báo cho thấy xu hướng chuộng đồ cũ cũng đang nở rộ ở Anh. 25% thanh niên từ 18-24 tuổi chọn quần áo cũ cho dịp Giáng sinh và năm mới. Cuộc khảo sát có sự tham gia từ 2.094 người trên khắp nước Anh.
Việc nhiều người trẻ chuyển sang yêu thích phong cách hoài cổ và muốn mua đồ cũ được các chuyên gia nhận xét là dấu hiệu tích cực, tốt cho hành tinh. Bởi theo Đại học Hull, thời trang nhanh là vấn đề nhức nhối toàn cầu khi tạo ra 92 triệu tấn rác thải mỗi năm.