Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kệ quần áo ở shop thời trang thành nơi treo bánh tráng

Trong tiệm quần áo của Ngân, sào móc quần jeans, áo crop top trở thành chỗ treo bánh tráng, còn kệ đựng túi xách giờ đây được dùng làm nơi chứa mấy hũ mật ong rừng, hồng treo gió.

Tiệm quần áo của Đỗ Quỳnh Ngân nằm trong hẻm 404, đường Quang Trung (quận Gò Vấp), đã kinh doanh được hơn 4 năm nay. Tuy nhiên, do dịch bệnh khó khăn, cửa hàng phải đóng cửa suốt nhiều tháng.

Đến giữa tháng 9, Ngân bắt đầu chuyển đổi nơi này thành điểm bán trái cây, bánh tráng. Gian hàng rộng khoảng 20 m2 hiện tại bày đủ loại quả từ bơ, sầu riêng cho đến lựu, hồng giòn.

Ma-nơ-canh được xếp gọn trong góc nhà trong khi kệ túi xách nay đựng toàn hũ mật ong và hộp hồng khô. Mấy sào quần áo trước đây dùng để móc quần jeans, áo phông giờ được trưng dụng thành chỗ treo đủ các loại bánh tráng.

chu shop quan ao ban trai cay anh 1

Tiệm quần áo của Quỳnh Ngân chuyển sang bán bánh tráng, trái cây từ đợt giãn cách.

"Chắc ít hôm nữa mình sẽ nhập quần áo về bán lại. Trái cây thì còn tùy vào nhu cầu, nếu khách còn đặt mua nhiều thì mình vẫn tiếp tục nhập hàng về bán tiếp", Ngân nói với Zing.

Tương tự Quỳnh Ngân, không ít chủ cửa hàng quần áo, spa tại TP.HCM cũng phải chuyển đổi hình thức kinh doanh do gặp khó khăn trong dịch. Nhiều nơi đã thay tên, đổi bảng hiệu, trong khi số còn lại vẫn kết hợp cả hình thức cũ lẫn mới, thận trọng xem xét tình hình khi chuyển đổi hẳn.

Nhân viên spa chuyển sang bán trái cây

Quỳnh Ngân cho biết thời điểm TP.HCM vẫn thực hiện giãn cách, cửa hàng trái cây online của cô hoạt động khá tốt.

Trung bình mỗi ngày, cô bán được khoảng 100 kg sầu riêng và hàng chục kg các loại quả khác. "Thời điểm đó, mọi người ở nhà, không đi đâu được nên chi mạnh tay mua hàng online. Có khách sẵn sàng trả 130.000 đồng tiền ship chỉ để mua một quả sầu riêng", Ngân nói.

Tuy nhiên, sau khi thành phố dần mở cửa, chợ truyền thống hoạt động trở lại, việc kinh doanh của Ngân chậm hơn trước rất nhiều.

"Sầu riêng cũng vào cuối vụ rồi nên khó lấy được hàng ngon như trước. Khách của quán đa phần là người quen trước đây thường xuyên mua quần áo nên mình vẫn phải bao ăn, bán đàng hoàng. Vì mình xác định kinh doanh lâu dài nên đôi khi phải chịu lỗ để giữ khách, giữ mối".

Ngân cho biết so với bán quần áo, kinh doanh trái cây vất vả hơn nhiều nhưng lời lãi không được bao nhiêu.

"Trước đây bán quần áo, trung bình cả vốn lẫn lời cũng tầm 5-6 triệu đồng vào ngày bán ế, còn bán được thì cũng phải 8-10 triệu đồng. Nhưng hiện tại, bán trái cây, mỗi kg mình chỉ lời được khoảng vài nghìn thôi".

Chủ shop quần áo cho biết dù còn gặp nhiều khó khăn, cô vẫn cảm thấy mình may mắn khi còn được buôn bán, được khách quen nhớ đến và ủng hộ trong một tháng qua.

"3 tháng vừa rồi thấy cửa hàng kinh doanh khó khăn quá nên chủ nhà đã miễn phí hoàn toàn tiền thuê cho mình. Nói chung trong cái rủi cũng có cái may là như vậy".

Thu Thảo (22 tuổi) là nhân viên spa massage - xông hơi trong hẻm 168, đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp). Tiệm vừa khai trương ít ngày đã phải đóng cửa vì dịch từ đầu tháng 5, cô rơi vào cảnh thất nghiệp, mắc kẹt ở thành phố suốt nhiều tháng.

chu shop quan ao ban trai cay anh 2

Thu Thảo bán trái cây trong thời gian chờ tiệm spa được phép hoạt động trở lại.

Thảo cho biết thời gian giãn cách, cả chủ tiệm lẫn nhân viên đều khó khăn vì không có thu nhập, trong khi vẫn phải lo phí sinh hoạt và tiền thuê mặt bằng.

“May mắn chủ nhà có giảm 50% tiền thuê, nhưng tình hình hiện tại còn kéo dài, chắc vài tháng nữa thì sợ rằng tiệm của mình không thể cầm cự được”, cô nói.

Giữa tháng 9, khi lệnh giãn cách được nới lỏng, nhận thấy nhu cầu mua hàng của người dân, chủ spa bắt đầu nhập trái cây về bán với hy vọng “cứu cánh” cho tiền mặt bằng, cố không để tiệm phải giải thể.

“Mình nhập bơ từ Đắk Lắk, bưởi là từ vườn của một người bạn ở Long An gửi lên. Khi nào bán sắp hết, mình lại gọi đặt thêm. Hai tuần đầu khá đắt hàng, nhưng từ đầu tháng 10 tới nay vì chợ, siêu thị mở lại nên ế khách lắm. Đây là công việc tạm thời, mình cố bán để cầm cự cho qua đợt dịch này, tiền lời cũng chỉ đủ trả tiền thuê nhà thôi”.

Mong muốn lớn nhất hiện tại của Thu Thảo là spa được hoạt động trở lại để cô và các nhân viên khác có công việc ổn định.

“Mình cũng lo sợ nhiều thứ. Nếu tháng sau không thể trả tiền nhà đúng hạn, sợ chủ nhà cũng đòi lại mặt bằng, tiệm đóng cửa hẳn. Giờ không làm việc này thì biết xin việc ở đâu, về quê cũng không được”.

Bén duyên nghề mới

Ở tuổi 62, bà Lệ (quận Bình Thạnh), người có hơn 30 năm làm việc ở ngân hàng, không nghĩ sẽ có một ngày mình chuyển sang buôn bán trái cây.

Sau khi về hưu vào năm 2013, bà Lệ bắt đầu làm kế toán cho một chuỗi quán nhậu có 4 chi nhánh của người quen ở TP.HCM. Trước dịch, thu nhập của bà khoảng 15 triệu đồng/tháng.

chu shop quan ao ban trai cay anh 3

Bà Lệ cho biết mấy tháng qua gia đình bà không có thu nhập, sống bằng tiền tiết kiệm.

Tuy nhiên, khi các quán nhậu buộc phải đóng cửa vào hồi tháng 5, gia đình bà mất thu nhập nhiều tháng và phải sống bằng số tiền dành dụm trong những năm trước đó.

"Cửa hàng khó khăn không thể trả lương cho nhân viên nên chủ quán nghĩ cách nhập trái cây về cho mọi người bán, kiếm chút thu nhập chờ đến ngày mở cửa. Tuy vậy, giờ bán trái cây cũng ế lắm, mỗi ngày bán chưa đến 100.000 đồng", bà Lệ kể.

Tương tự, cửa hàng áo dài trên đường Lê Quang Định (phường 7, quận Bình Thạnh) khiến nhiều người đi qua chú ý khi phía trong treo đầy quần áo nhưng trước cửa xếp nhiều sọt cam, quýt, bưởi, thanh long, chuối, không khác gì một vựa trái cây.

Chị Lê Anh (sinh năm 1979, chủ tiệm) vừa dẫn khách mua áo vào phòng thử đồ liền nhanh chóng quay ra lựa trái cây cho một vị khách khác. Chị cho biết ngày hôm nay đã bán hết 400 kg trái cây các loại.

“Vườn bưởi, cam của nhà chồng ở Vĩnh Long, vì dịch bệnh không bán được hết nên chuyển lên đây bán giúp từ hôm 1/10, khi thành phố mở cửa. Tôi không ngờ được mọi người ủng hộ quá nhiều, chỉ mấy ngày đã bán được hơn 4 tấn hàng. Nhà tôi mới mua thêm một chiếc ôtô chủ yếu để chở trái cây”, chị kể.

chu shop quan ao ban trai cay anh 4

Chị Lê Anh bán trái cây chủ yếu cho khách quen từng mua và đặt may áo dài ở tiệm.

Từng làm phiên dịch viên tiếng Nhật rồi chuyển sang thiết kế và kinh doanh áo dài được 26 năm, đang làm chủ xưởng may áo dài ở TP Thủ Đức, chị Lê Anh thấy thích thú khi qua mùa dịch này lại bén duyên với nghề mới.

“Không phải mình chọn nghề mà là cái duyên buôn bán tự đến. Có nguồn hàng sẵn nên tôi dự định sẽ tiếp tục bán song song áo dài và trái cây”.

Bên cạnh bưởi và cam từ vườn ở quê, chị còn kết nối với một số bạn bè để nhập thêm thanh long, chuối. Chị yên tâm với chất lượng nguồn hàng vì phía đối tác chuyên làm về mảng nông nghiệp, có nguồn trái cây sạch và an toàn.

Không chỉ bán lẻ trực tiếp tại cửa hàng, chị Lê Anh có lượng khách ổn định là những người từng mua áo dài của mình. Vị chủ tiệm kết nối thêm với khoảng 10 cộng tác viên, là bạn bè và người quen, để có đầu ra ổn định hơn. Ngày cao điểm, chị bán được 700 kg trái cây.

“Tôi cố gắng đa dạng cách thức tiếp thị. Khách đến mua áo dài, tôi sẽ tặng trái cây. Khách đến mua trái cây, tôi giới thiệu thêm quần áo. Có hôm chị kia đến hỏi mua cam nhưng cuối cùng mua cả áo dài. Sắp tới, tôi muốn đầu tư để phát triển thành kinh doanh như một vựa trái cây”.

Quán karaoke ở TP.HCM bán bún thịt nướng

Ngoài bún vào buổi sáng, quán còn bán các đồ ăn văn phòng như cơm, nui, mì và vài món nhậu lạ miệng. Đây là cách các nhân viên gắng gượng, chờ ngày được mở cửa trở lại.

Đào Phương - Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm