Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3,23 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
UBS đang nổi lên là bên chiến thắng hiếm hoi trong cuộc khủng hoảng của Credit Suisse, sau một thỏa thuận lịch sử do chính phủ làm trung gian. Thỏa thuận này chứa một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn khủng hoảng ngân hàng lan rộng, theo Bloomberg.
Sau một ngày cuối tuần đàm phán đầy hỗn loạn để đưa ra giải pháp trước phiên giao dịch đầu tuần tại châu Á, công ty này đã đạt được thỏa thuận mua lại đối thủ của mình.
Theo Reuters, UBS Group sẽ trả 3 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 3,23 tỷ USD) cho đối thủ lâu năm Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ trong một thỏa thuận được hỗ trợ bởi khoản bảo lãnh lớn của chính phủ.
Wall Street Journal gọi thương vụ này là "cuộc siêu sáp nhập" đầu tiên của các ngân hàng quan trọng trên toàn cầu về mặt hệ thống sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Kẻ thắng
Giám đốc điều hành của UBS Ralph Hamers sẽ chứng kiến tài sản của ngân hàng tăng vọt lên khoảng 5.000 tỷ USD và được miễn trừ đặc biệt để để giữ chi nhánh Thụy Sĩ của Credit Suisse - vốn rất có lãi. Nhiều nhà phân tích cho rằng nó đáng giá hơn gấp ba lần số tiền mà UBS đã trả cho toàn bộ ngân hàng.
Giám đốc điều hành của UBS Ralph Hamers. Ảnh: Bloomberg. |
Việc tiếp quản sẽ củng cố vị thế của UBS với tư cách là công ty quản lý tài sản hàng đầu thế giới, đồng thời thúc đẩy tham vọng phát triển ở châu Mỹ và châu Á. UBS cho biết họ dự kiến tiết kiệm chi phí 8 tỷ USD mỗi năm vào năm 2027, theo CNN.
Ralph Hamers và đội ngũ của ông sẽ có nhiều việc phải làm khi họ cân nhắc nên giữ lại, thay đổi hay loại bỏ lĩnh vực kinh doanh hay nhân sự nào.
Tuy nhiên, ông sẽ có 56 tỷ franc bất lợi thương mại âm (xảy ra khi một công ty mua lại công ty khác dưới giá trị thị trường của nó) để giúp trang trải các khoản bút toán giảm, cũng như 9 tỷ franc bảo lãnh từ chính phủ Thụy Sĩ để bù đắp một số khoản lỗ nhất định.
Công ty này cũng có thể tiếp cận một dòng thanh khoản khổng lồ từ ngân hàng trung ương. Mặc dù hiện tại UBS sẽ tạm dừng việc mua lại cổ phiếu của mình, họ cho biết họ vẫn cam kết chia cổ tức lũy tiến.
Người thua
Bloomberg nhận định cổ đông hàng đầu của Credit Suisse nằm trong những bên chịu lỗ.
Các nhà đầu tư vùng Vịnh đang bị tổn thương. Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia đã mất 1,1 tỷ franc (gần 1,2 tỷ USD) chưa đầy 15 tuần kể từ khi hoàn tất việc mua cổ phần trong đợt huy động vốn gần đây nhất của Credit Suisse.
Ngân hàng này từng nghĩ mua được một món hời khi trở thành cổ đông lớn nhất của Credit Suisse chỉ vài tháng trước. Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia đã góp phần gây ra sự hoảng loạn trong tuần này, khi ông bác bỏ việc tăng cổ phần của ngân hàng này trong Credit Suisse.
Trong khi đó, nỗi đau của Quỹ Đầu tư Qatar (QIA) kéo dài trong một thời gian dài hơn nhiều, vì họ đầu tư lần đầu vào Credit Suisse trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, họ có khả năng đã mất một số tiền thậm chí còn lớn hơn.
Ngoài việc là chủ sở hữu lớn thứ hai, ngân hàng này trước đây đã sở hữu trái phiếu AT1, vốn sẽ về 0 sau thỏa thuận mua lại, mặc dù không rõ liệu QIA có còn nắm giữ khoản nợ đó hay không.
Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành Ulrich Koerner của Credit Suisse dự kiến rời đi, do không thể vực dậy ngân hàng này. Ông Koerner, người mới đảm nhận vị trí này vào mùa hè năm ngoái, đã vạch ra kế hoạch cắt giảm rủi ro sau hàng loạt vụ bê bối và thua lỗ để tập trung hơn vào quản lý tài sản.
Giám đốc điều hành Ulrich Koerner của Credit Suisse. Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, ngân hàng này đã không thể phục hồi sau cuộc khủng hoảng niềm tin khiến hàng tỷ USD bị rút ra vào tháng 10/2022. Trong những ngày gần đây, áp lực gia tăng cho đến khi chính phủ Thụy Sĩ buộc phải can thiệp.
Các trái chủ cũng bị ảnh hưởng tiêu cực trong vụ thâu tóm Credit Suisse. Họ thường được bảo vệ khỏi thua lỗ tốt hơn so với các cổ đông, nhưng không phải trong trường hợp này.
Nhiều trái chủ của Credit Suisse mất trắng 17 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Sau khi nhà băng lớn thứ 2 Thụy Sĩ được đối thủ UBS mua lại, toàn bộ 17 tỷ USD trái phiếu bổ sung cấp 1 (AT1) của Credit Suisse sẽ giảm về 0. Toàn bộ AT1 của nhà băng Thụy Sĩ được bút toán giảm để tăng vốn chủ sở hữu.
Đây là khoản lỗ lớn nhất trên thị trường AT1 ở châu Âu, vượt xa kỷ lục trước đó là 1,44 tỷ USD đối với trái chủ của ngân hàng Tây Ban Nha - Banco Popular - sau khi nhà băng này bị thâu tóm hồi năm 2017.
Bên cạnh đó, Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính của Thụy Sĩ (Finma) trở thành cơ quan quản lý đầu tiên theo dõi một ngân hàng - vốn được coi là quan trọng về mặt hệ thống - phải được giải cứu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Chính phủ Thụy Sĩ đã phải cung cấp hàng tỷ franc bảo lãnh cho UBS và ngân hàng trung ương buộc phải cung cấp hỗ trợ thanh khoản rộng rãi để tạo điều kiện giải cứu. Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter thừa nhận đây là cách duy nhất để ổn định thị trường tài chính quốc tế.
Không những vậy, kế hoạch lớn của cựu Giám đốc ngân hàng đầu tư Citigroup Michael Klein nhằm hồi sinh thương hiệu First Boston (CSFB) và xây dựng nó thành một đế chế tư vấn ở Phố Wall giờ đây cũng tan thành mây khói.
Ông Klein, lãnh đạo CSFB, đang trong quá trình bán công ty tư vấn của mình cho Credit Suisse với giá khoảng 210 triệu USD, khi giá trị thị trường của ngân hàng này đột ngột giảm sút trong những tuần gần đây. Kế hoạch này được cho cũng bị ảnh hưởng sau vụ mua lại.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.