Vụ việc viết, vẽ bậy tại tòa thành hàng trăm năm tuổi Yonago (tỉnh Tottori, Nhật Bản) đang được dư luận rất quan tâm. Trong 2 ngày 26/10, 30/10, nhân viên ở đây đã tìm thấy chữ viết bằng tiếng Nhật và La-tinh (Latin) nguệch ngoạc trên các bệ đá.
Nổi bật trong số đó là chữ "HÀO" có kích thước khoảng 60 cm, cùng hình vẽ ngôi sao và trái tim xung quanh. Dựa vào ảnh chụp tại hiện trường rồi phát tán lên mạng, nhiều người suy đoán đây có thể là một từ trong tiếng Việt.
Cảnh sát tỉnh Tottori và thành phố Yonago đang điều tra để nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Dù chưa có kết luận chính thức, nếu bị bắt, kẻ phá hoại có thể phải đối mặt với án phạt không hề nhẹ, theo Luật Bảo tồn di sản văn hóa của Nhật Bản.
Du khách đã khắc bậy chữ "Hào" trên một bệ đá nằm ở vị trí cao nhất của khu di tích. Ảnh: Asahi. |
Vẽ bậy lên di tích là hành vi đáng bị lên án
Tại khu di tích Yonago, đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng du khách vẽ bậy lên các bức tường thành, bệ đá, theo tờ Mainichi. Hành vi này hiện bị dư luận và cộng đồng mạng Nhật Bản lên án gay gắt.
Nằm trên núi Minato-yama ở độ cao 90 m, thành cổ Yonago là phần tàn tích của các tòa thành được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16. Khu di tích là một trong những biểu tượng văn hóa lớn tại tỉnh Tottori, cũng là niềm tự hào của người dân địa phương.
Khu di tích Yonago là điểm đến nổi tiếng tại tỉnh Tottori. Ảnh: Japan Hoppers. |
Theo ông Hirayama Akiramoto - giám đốc Cục Xúc tiến Văn hóa thành phố Yonago, việc khắc bậy lên di tích đáng bị lên án, vì đó là hành vi phá hoại di sản văn hóa, có ý nghĩa, giá trị to lớn đối với thế hệ mai sau.
Hiện tại, một số phương án khôi phục di tích như sơn lại bề mặt đá, dùng keo nhựa… được đưa ra nhưng đều gặp nhiều khó khăn bởi các chữ cái, hình vẽ nguệch ngoạc được khắc bằng vật nhọn với kích thước khá lớn.
Thành phố Yonago đã phát đi bản tin kêu gọi người dân, du khách có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ các di tích lịch sử, đồng thời thảo luận về các biện pháp bảo tồn khu di tích trong tương lai.
Trước đó, không ít vụ việc viết, vẽ bậy tại khu di tích từng xuất hiện trên mặt báo và bị dư luận, xã hội lên án mạnh mẽ. Không chỉ là hành vi thiếu ý thức, đây còn là việc làm vi phạm pháp luật khi hủy hoại các di sản có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử.
Dân mạng tỏ ra bức xúc với hành vi phá hoại di tích lịch sử. Ảnh: Asahi. |
Có thể phải ngồi tù vì hành vi phá hoại di sản văn hóa
Năm 2014, dư luận Nhật Bản từng "dậy sóng" trước hành vi vô ý thức tương tự của du khách. Đội tuần tra thành phố Fujinomiya đã phát hiện nhiều chữ như "Indonesia", "Rudai", "Clax"… viết bậy trên các tảng đá lớn ở những độ cao khác nhau tại núi Phú Sĩ.
Dựa vào các từ này, nhiều người suy đoán tất cả có thể được viết bởi một du khách Indonesia. Không chỉ người dân Nhật Bản tỏ ra bức xúc trước sự việc, dân mạng Indonesia thậm chí còn gọi điều này là "nỗi xấu hổ của quốc gia".
Trả lời tờ Jakarta Shimbun, Toshio Kosaka - giám đốc Trung tâm Di sản thế giới núi Phú Sĩ - từng cho biết theo Luật Bảo tồn di sản văn hóa của Nhật Bản, người vẽ bậy lên các di tích, địa điểm văn hóa, du lịch có thể phải ngồi tù 5 năm và chịu án phạt hành chính 300.000 yen (khoảng 70 triệu đồng) trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng.
Du khách để lại những chữ viết nguệch ngoạc trên tảng đá lớn của núi Phú Sĩ. Ảnh: Jakarta Shimbun, @gunungnesia. |
Không chỉ cấm khắc bậy lên các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, việc vẽ bậy cũng bị nghiêm cấm tại nhiều khu tham quan, danh lam thắng cảnh. Tháng 6/2016, nhóm sinh viên đại học Nhật Bản đã phải nộp phạt 50.000 yen (khoảng 10 triệu đồng) vì hành vi viết, vẽ trên một cồn cát tại địa điểm tham quan ở tỉnh Tottori.
Ngoài các khu di tích, Nhật Bản cũng có các quy định cấm vẽ bậy tại nhiều nơi công cộng. Trong trường hợp vi phạm, tùy vào mức độ thiệt hại, có thể bị phạt tiền từ 10.000-300.000 yên (khoảng 2-70 triệu đồng) và ngồi tù dưới 3 năm.
Dù có nhiều quy định và hình thức xử phạt nghiêm ngặt với hành vi viết, vẽ bậy, thực tế, việc truy tìm và xử lý những kẻ phá hoại không hề dễ dàng. Vì vậy, ngoài quy định pháp luật, chính quyền Nhật Bản luôn kêu gọi ý thức tự giác của người dân và sự văn minh của du khách trong việc bảo tồn các giá trị, tài sản văn hóa - lịch sử.