Gõ từ khóa "vlog kết hôn quốc tế" trên thanh tìm kiếm YouTube, nhiều kết quả dẫn đến một kênh có nội dung môi giới hôn nhân chuyên đăng video bằng tiếng Hàn Quốc, theo Korea Times.
Trong đó, một đoạn video với tựa đề "Lần đầu gặp mặt oppa của tôi" nhận được hơn 600.000 lượt xem. "Oppa" có nghĩa là "anh" trong tiếng Hàn và là cách gọi tình cảm mà phụ nữ dành cho người đàn ông hơn tuổi.
Clip ghi lại cảnh một người đàn ông Hàn Quốc đến sân bay ở TP.HCM và được một phụ nữ trẻ Việt Nam chào đón.
Sau đó, người đàn ông được giới thiệu với bố mẹ của cô gái và trò chuyện cùng nhau. Đoạn video dài 5 phút kết thúc với dòng chú thích: "Cặp này dự định tổ chức đám cưới sau 3 tháng. Cô dâu sẽ cố gắng học tiếng Hàn".
Kênh YouTube đăng tải nhiều clip môi giới hẹn hò giữa đàn ông Hàn Quốc và phụ nữ Đông Nam Á. |
Người xem có thể thấy các video tương tự trên kênh này những với tiêu đề như "Buổi hẹn hò với cô gái Philippines nóng bỏng" hay "Người phụ nữ Việt Nam 20 tuổi gặp người đàn ông Hàn Quốc 47 tuổi".
Các video này không đơn giản là hành trình yêu nhau hay cuộc sống hẹn hò thường ngày của các cặp uyên ương. Chúng được các nhà mai mối đăng lên để quảng bá trung tâm của mình. Người xem được gợi ý liên hệ với chủ kênh để biết thêm thông tin chi tiết về các cô dâu người nước ngoài.
Phần lớn video quảng cáo này chứa nhiều nội dung phân biệt đối xử và coi thường phụ nữ, được cho chủ yếu nhắm vào những người đàn ông Hàn Quốc đang kiếm vợ từ các nước Đông Nam Á.
"Năm 2018, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc từng tiến hành nhiều đợt kiểm tra để quản lý các quảng cáo mai mối phân biệt đối xử. Tuy nhiên, chúng đang biến tướng thành các video kể chuyện dạng vlog để lách luật. Không dễ để phát hiện ra chúng là video thương mại", Shin Min-jae, quan chức tại Trung tâm Quyền Phụ nữ Nhập cư Hàn Quốc, phát biểu.
Đầu tháng 10, trung tâm đã đưa ra một báo cáo giám sát về 622 video quảng cáo được đăng trên YouTube và khoảng 100 video trên các trang web thông tin.
Theo đó, nhiều video bị phát hiện tiết lộ thông tin cá nhân, quay rõ mặt cô dâu trong khi khuôn mặt của chú rể được làm mờ và không có thông tin lý lịch.
Một số video chứa nội dung đánh giá phụ nữ theo kích thước cơ thể, trinh tiết, tuổi tác và trình độ học vấn.
Nhiều cô dâu ngoại quốc bị bình phẩm cơ thể, tuổi tác trong video như món hàng. |
Trung tâm đã chiếu clip cho 12 phụ nữ nhập cư từ Việt Nam, Campuchia và Lào để xin nhận xét. Phần lớn đều cho rằng những video này rất đáng lo ngại.
"Trông không khác gì buôn người, họ đang cố bán phụ nữ", "Tôi lo ngại thông tin cá nhân của người nộp đơn sẽ bị công khai trên mạng mà không có sự đồng ý của họ" hay "Họ đang dụ mọi người kết hôn, chỉ thể hiện mặt tốt của hôn nhân quốc tế mà thôi" là những bình luận của những phụ nữ sau khi xem các clip.
Theo Baek So-yoon, luật sư tại Tổ chức Luật Nhân quyền Gonggam, ngoài có khả năng vi phạm nhân quyền, những quảng cáo gây tranh cãi này còn vi phạm đạo luật về các cơ quan môi giới hôn nhân.
"Theo luật hiện hành, tất cả quảng cáo về mai mối phải có số đăng ký của công ty để ngăn các đơn vị môi giới bất hợp pháp hoạt động. Tuy nhiên, nhiều video không có thông tin này. Chính phủ nên hợp tác với các nhóm công dân để giám sát và kiểm tra chặt chẽ hơn", luật sư Baek cho biết.