Sáng 29/7, Đà Nẵng ghi nhận thêm 8 ca mắc Covid-19. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp thành phố có ca lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Từ 25/7 đến nay, Việt Nam có 33 bệnh nhân nhiễm virus corona được công bố ở 3 tỉnh, thành, gồm Đà Nẵng (29 trường hợp), Quảng Ngãi (1 trường hợp), Quảng Nam (3 trường hợp).
Tình hình dịch bệnh khiến nhiều địa phương điều chỉnh kế hoạch dạy học và có phương án ứng phó cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Sinh viên đi học trong trong mùa dịch. Ảnh: Việt Hùng. |
Cho học sinh nghỉ học, lùi tựu trường
Tại TP.HCM, dù chưa ghi nhận ca nhiễm nào, Sở GD&ĐT đang phối hợp cùng Sở Y tế thảo luận, đưa ra những biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh, những nội dung cần chú ý cho các hoạt động dạy và học, hoạt động hè và kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn.
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết theo lịch chung, học sinh công lập tựu trường vào ngày 1/9. Song, ông cho rằng hiện còn hơi sớm để nói trước điều gì.
"Tuy nhiên, thành phố sẽ tuân theo lịch chung của Bộ GD&ĐT dù có thay đổi hay không”, ông Nam nói.
Tại Hà Nội, ngày 29/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết trên địa bàn có 1 ca nghi nhiễm trở về từ Đà Nẵng.
Tại buổi cung cấp thông tin về tình hình chống dịch của thành phố sau khi phát hiện một ca nghi nhiễm nCoV tại Mễ Trì, chiều 29/7, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội cho biết để phòng chống dịch, người dân cần đẩy mạnh học tập tại nhà, tăng cường học trực tuyến, tránh đến nơi đông người.
Cùng ngày, trao đổi với Zing, nhiều trường phổ thông tư thục trên địa bàn cho biết sẽ kéo dài thời gian tựu trường nếu dịch diễn biến phức tạp.
Trường Marie Curie (Hà Nội) thông báo lùi ngày tựu trường hai tuần, đến 15/8. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang cho biết đây là phương án nội bộ. Trong trường hợp dịch bùng phát như Đà Nẵng, các trường sẽ nghỉ theo chủ trương chung của thành phố, Chính phủ.
Trường Newton (Hà Nội) cũng dự kiến có hai ngày tựu trường. Học sinh nhỏ tuổi, không phải đầu cấp, sẽ tựu trường ngày 3-5/8. Học sinh đầu cấp sẽ lùi ngày tựu trường đến 17/8.
Trường chuẩn bị phương án thứ hai với công nghệ dạy online, đội ngũ giáo viên, chuẩn bị sẵn bài giảng trực tuyến.
Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lomonoxop (Hà Nội) cũng sẵn sàng điều chỉnh ngày bắt đầu năm học mới nếu dịch diễn biến phức tạp.
Trước đó, dịch bùng phát trong cộng đồng cũng ảnh hưởng đến việc dạy, học tại nhiều địa phương.
Ngày 26/7, Sở GD&ĐT Đà Nẵng có công văn về việc khẩn trương thực hiện biện pháp phòng chống dịch Covid-19, gửi các phòng GD&ĐT quận, huyện, trường học.
Theo đó, học sinh, học viên các cơ sở giáo dục mầm non, trung tâm ngoại ngữ, tin học, tư vấn du học, năng khiếu, kỹ năng sống, dạy thêm… nghỉ từ 13h ngày 26/7 cho đến khi có thông báo tiếp theo. Tất cả hoạt động tập trung học sinh, học viên cũng tạm dừng theo thời gian trên.
Các trường đại học ngoài công lập, căn cứ tình hình thực tế và chỉ đạo của bộ chủ quản, để quyết định việc tâp trung sinh viên, học viên.
Quảng Ngãi yêu cầu các cơ quan, đơn vị dừng mọi hoạt động dạy và học ở nhóm trẻ gia đình, trung tâm gia sư, trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở dạy thêm ở tỉnh Quảng Ngãi từ ngày 27/7.
Trước diễn biến mới của dịch, Nghệ An, Vĩnh Long đã yêu cầu các cơ sở mầm non, nhóm trẻ tạm dừng giữ trẻ trong hè cho đến khi có thông báo mới.
Các sở GD&ĐT chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho thí sinh, cán bộ coi thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Chuẩn bị các phương án an toàn, không làm thí sinh hoang mang
Dịch bùng phát trong cộng đồng ở thời điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra khiến các sở phải lên phương án để đảm bảo an toàn cho thí sinh.
Trao đổi với Zing, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, cho hay những ngày qua ban giám đốc sở họp liên tục để đưa ra các phương án chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT bám sát tình hình dịch bệnh Covid-19.
Dù các điểm thi tốt nghiệp THPT luôn có phòng dự phòng nhưng ông Quốc cho hay sở đã yêu các trưởng điểm thi chuẩn bị thêm phòng dự phòng để đảm bảo giãn cách giữa các thí sinh.
“Tất cả thí sinh đến điểm thi đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn bằng xà phòng. Học sinh có thân nhiệt bất thường, sốt, ho sẽ cho vào phòng thi riêng để đảm bảo an toàn cho các thí sinh khác. Số lượng thí sinh tham gia kỳ thi tại Quảng Nam không quá lớn nên các trường vẫn đủ cơ sở vật chất đảm bảo khoảng cách an toàn cho thí sinh”, ông Quốc cho hay.
Đặc biệt, ngay trước ngày thi, sở sẽ yêu cầu tất cả các điểm thi phun thuốc tiêu độc, khử trùng.
Cùng với công tác chuẩn bị kỳ thi, ông Quốc cho rằng việc động viên, tạo tâm lý bình tĩnh cho thí sinh ổn định ôn tập cũng quan trọng không kém.
“Ngay khi Đà Nẵng phát hiện ca bệnh đầu tiên, chúng tôi đã yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm liên hệ phụ huynh, thí sinh để trấn an, động viên các em bĩnh tĩnh ôn thi. Chúng tôi cũng cân nhắc mỗi khi đưa ra bất kỳ thông tin, hành động nào, phương châm không tạo sự hoang mang cho thí sinh”, ông Quốc nói.
Trong khi đó, ngành giáo dục Thừa Thiên - Huế đang khảo sát thêm 35 trường THCS, THPT để làm điểm thi dự phòng bên cạnh 35 điểm thi chính thức đã được công bố trước đó. Trong trường hợp các cơ quan chức năng yêu cầu giãn cách giữa các thí sinh, các điểm thi dự phòng sẽ được sử dụng.
“Để tránh việc di chuyển, thí sinh học ở trường nào sẽ dự thi tại trường đó. Các điểm thi dự phòng, nếu được chọn, cũng sẽ gần điểm thi chính”, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, nói.
Sở GD&ĐT cũng đang phối hợp chặt chẽ với sở Y tế, công an tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết như khử trùng, vệ sinh điểm thi, chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn... để phục vụ cho cán bộ coi thi và thí sinh, đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch.
Bộ GD&ĐT vừa thông tin, đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trước diễn biến tình hình dịch. Dự kiến, Bộ GD&ĐT phân chia thí sinh theo 4 nhóm F0, F1, F2 và thí sinh khác. Việc phân nhóm đối tượng dự thi nhằm bảo đảm quyền lợi của học sinh, cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.
Nhóm thí sinh F0 (phải điều trị trong bệnh viện và không có điều kiện dự thi) sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo quy định.
Với nhóm thí sinh F1 (phải cách ly tại các khu cách ly tập trung), địa phương xem xét bố trí cho các em làm bài tại điểm thi đặt trong khu vực cách ly hoặc khu vực phù hợp, lân cận.
Nhóm thí sinh F1 (phải cách ly tại các khu cách ly tập trung), Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương theo hướng tổ chức thi tại các điểm đặt trong khu cách ly hoặc khu vực phù hợp, lân cận, tùy theo số lượng đối tượng thí sinh.
Thông tin từ Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, cho hay đến ngày thi, ngoài vật dụng được mang vào phòng thi theo quy định, hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên phối hợp với phụ huynh dặn dò học sinh mang theo khẩu trang để đeo và dự phòng.
Sở GD&ĐT đề nghị phụ huynh đưa con em đến điểm thi đứng cách cổng điểm thi 50 m, nhanh chóng rời khỏi khu vực điểm thi. Công tác này thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội theo quy định của Chính phủ, UBND thành phố.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết tại cuộc họp sáng 27/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 ở các địa phương theo đúng kế hoạch đề ra, đảm bảo an toàn.
Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn diễn ra từ ngày 8/8 đến 10/8 tại tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước.