Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kết buồn của cậu học sinh gây án trong trường nội trú

Vừ Bá Già khoác trên mình bộ đồ phạm nhân màu xanh đậm rộng thùng thình, người nhỏ thó ngồi bất động trên chiếc ghế dài dành cho bị cáo.

Đã một thời gian khá dài Vừ Bá Già (sinh năm 2007, trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) không còn được nghe tiếng chim hót, không được nhìn ráng chiều vàng rải đều trên sườn núi, không được í ới cùng đám bạn lên rẫy, đi nương cũng không được cắp sách đến trường tìm con chữ… Vừ Bá Già đã rất nhớ, đã rất thèm nhưng tiếc thay, bây giờ tất cả đều trở thành xa xỉ.

Vừ Bá Già là người dân tộc Mông, sau Già còn có hai người em. Có thể nói, Vừ Bá Già nghèo từ trong trứng nước, cha mẹ Vừ Bá Già ngày ngày lên nương lên rẫy chăm chỉ làm lụng đến mấy cũng không đủ cái ăn cái mặc nên mấy năm trước quyết định rời quê vào Bình Phước cạo mủ cao su thuê. Dịch Covid-19, một lần nữa đẩy cha mẹ Vừ Bá Già vào cảnh khó, buộc phải “khăn đùm áo đậy” dắt díu nhau về quê, đói hoàn đói, nghèo vẫn nguyên nghèo.

Con nhà khó nhưng được cái Vừ Bá Già là đứa trẻ sáng dạ, ngoan chịu khó học hành. Bằng chứng, Vừ Bá Già đang là học sinh lớp 9 của Trường phổ thông cơ sở dân tộc bán trú Tây Sơn, được thầy cô đánh giá học lực khá, ngoan ngoãn. Nếu như Vừ Bá Già không uống rượu, nếu như không bị bạn bè rủ rê, nếu như có được sự quan tâm dạy dỗ nhiều hơn một chút từ cha mẹ, người thân thì có lẽ giờ đây em vẫn ngày ngày cắp sách đến trường và đón chờ em phía trước sẽ là tương lai đầy hy vọng.

Giet nguoi anh 1

Trong men rượu Vừ Bá Già đã phạm phải sai lầm khiến bản thân phải ân hận

Chuyện buồn khép lại những ngày tháng nghèo đói nhưng bình yên, khổ cực nhưng tự do của Vừ Bá Già bắt đầu sau chầu nhậu. Khi “rượu đã người”, Vừ Bá Già không còn làm chủ được cảm xúc, không điều khiển được lý trí, hành vi cũng là khi Già mất đi tất cả.

Sự việc xảy ra vào tối 21/3, Vừ Bá Già đang ngồi uống rượu với nhóm bạn thì Mùa Chứ Dị (học sinh nội trú cùng trường) chạy đến, rủ đi đánh Lầu Bá T. (2004, học sinh lớp 12-Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn). Lý do là trước đó, giữa Dị và T. có mâu thuẫn.

Mặc dù Già không có mâu thuẫn gì với T. nhưng vẫn đồng ý tham gia vào cuộc ẩu đả. Trước khi đi cùng nhóm bạn, Già cầm theo một con dao mẹo. Khi đến khu nội trú của trường, được Dị chỉ dẫn, Già đến tát vào mặt T. Nhóm bạn đi cùng cũng lao vào đánh T.

Bị đánh, Lầu Bá T. bỏ chạy nhưng vẫn bị Già đuổi theo chặn lại nên Lầu Bá T. đã đẩy Già ra. T. tiếp tục bỏ chạy thì bị Già chém nhiều nhát vào vùng đầu. Nhận được tin báo, nhà trường đến đưa Lầu Bá T. đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong sau 4 ngày điều trị.

Cơ quan chức năng kết luận, nguyên nhân chết do suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp do vết thương làm vỡ xương hộp sọ, phù não, xuất huyết não.

Vụ án mạng xảy ra ngay trong khu nội trú thực sự làm rúng động, hung thủ là cậu học trò lớp 9, thời điểm phạm tội mới 14 tuổi, 9 tháng, 8 ngày mà nguyên nhân lại chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa bị hại với một người khác.

Vậy mới nói, rượu đã khiến cho đầu óc đứa trẻ ấy bấn loạn đến nhường nào. Vừ Bá Già nhanh chóng trở thành bị cáo với tội danh “Giết người”.

Hơn 14 tuổi, Vừ Bá Già khoác trên mình bộ đồ phạm nhân thay vì bộ đồng phục đến lớp. Điều này không chỉ khiến cho cha mẹ, người thân của Già, của bị hại mà cả xã hội đều đau lòng. Một đứa trẻ đang độ lớn khép tương lai của mình lại ở chốn lao tù sau khi khiến sự sống của một đứa trẻ khác vĩnh viễn mất đi. Thực sự đó là sự mất mát, đau thương quá lớn, cho nên Già dù có ân hận đến đâu cũng không có cơ hội để quay lại vị trí ban đầu.

Ngày phiên tòa diễn ra, cha mẹ Vừ Bá Già vì món nợ để bồi thường cho gia đình bị hại mà đang xa nhà làm mướn, làm thuê, không thể có mặt. Người bác của Già phải mất 3 tiếng đồng hồ lội sình lầy vì lũ quét để ra được đường chính đón xe về thành phố kịp dự phiên tòa.

Lý giải về việc bố mẹ của Già không đến phiên xử con, người bác cho hay hiện họ đang làm thuê ở tận tỉnh Bình Phước để có tiền trả khoản nợ gần 500 triệu đồng vay mượn bồi thường cho phía bị hại.

Phiên tòa xét xử Vừ Bá Già diễn ra khá nhanh bởi ngay từ đầu Già thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo. Khi được hỏi mối quan hệ giữa bị cáo và bị hại, Già khai giữa mình và bị hại không có mâu thuẫn gì, thậm chí không hề quen biết.

“Chỉ vì nghe lời bạn rủ rê, hôm đó bị cáo cùng bạn lại uống hết 1,5 lít rượu nên đã không làm chủ được hành vi. Bị cáo rất hối hận, bị cáo xin lỗi gia đình bị hại, xin lỗi nhà trường và người thân. Bị cáo xin tòa giảm hình phạt để có cơ hội được trở lại trường… ”, Vừ Bá Già bật khóc sau khi nói.

Có mặt tại phiên tòa, đại diện nhà trường chia sẻ, rất đau lòng khi học sinh vi phạm pháp luật. Nhà trường thừa nhận một phần trách nhiệm vì chưa quản lý chặt học sinh ở khu nội trú, để người lạ đi vào. Sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã tổ chức việc bán trú chặt chẽ hơn; đồng thời tăng cường tuyên truyền pháp luật cho học sinh.

Nói về bị cáo Vừ Bá Già, phía nhà trường cho biết trước khi xảy ra sự việc, Già có học lực khá, là học sinh chăm ngoan. Vì Vừ Bá Già phạm tội khi tuổi đời còn trẻ, đang là học sinh, nên nhà trường đã xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để Già sớm trở lại trường, tiếp tục việc học.

Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho Vừ Bá Già đã đưa ra nhiều tình tiết để xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo như bị cáo là người dân tộc, nhận thức pháp luật hạn chế; phạm tội khi mới hơn 14 tuổi tâm sinh lý chưa phát triển hoàn thiện; bị cáo phạm tội là do bốc đồng của tuổi trẻ; bị bạn bè rủ rê…

Hội đồng xét xử nhận định, dù trong vụ án này bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tuy nhiên, xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi, đã tác động gia đình bồi thường toàn bộ tổn thất cho bị hại, bị hại có đơn xin giảm án nên tòa tuyên phạt Vừ Bá Già 6 năm tù về tội “Giết người”.

Đối với nhóm bạn cùng tham gia đánh người với Già, mặc dù có dấu hiệu của tội “Gây rối trật tự công cộng”, tuy nhiên, thời điểm phạm tội các em mới hơn 14 tuổi nên không xử lý hình sự.

6 năm đối với Vừ Bá Già không phải là ngắn, hy vọng rằng ngần ấy thời gian sẽ giúp em đủ lớn khôn, suy nghĩ chín chắn hơn, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội hơn. Với tuổi 20, sau khi chấp hành án xong Già vẫn còn nhiều thời gian để làm lại cuộc đời. Suối cạn rồi sẽ đầy, rừng sẽ lại xanh sau bao mùa mưa nắng, cũng mong Vừ Bá Già mạnh mẽ, tự tin bước qua đoạn lỗi lầm trong quá khứ…

2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự

1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.

Nghi phạm giết vợ ở Bình Thuận ra đầu thú

Sau hơn một ngày lẩn trốn, Nguyễn Hữu Nghĩa ra đầu thú tại Cần Thơ. Người này được xác dùng dao giết vợ.

https://baove.congly.vn/ket-buon-cua-cau-hoc-sinh-gay-an-trong-truong-noi-tru-38926.html

Trang Trần/ Bảo vệ công lý

Bạn có thể quan tâm