Trần Di Ái, Trần Kiện, Trần Ích Tắc, Trần Văn Lộng, Lê Chiêu Thống, chỉ vì mê đắm vinh hoa phú quý nhất thời, đã đánh mất tất cả, để lại tiếng xấu nghìn năm.
Trần Di Ái
Năm 1281, Hốt Tất Liệt đòi vua Trần Nhân Tông phải sang chầu nhà Nguyên. Đây là đòi hỏi hết sức vô lý. Tất nhiên, vì thể diện quốc gia, vua Trần không thể nghe theo ý giặc, nhưng để giữ gìn hòa hiếu, nhà Trần đã cử Trần Di Ái (chú vua Trần Thái Tông) sang chầu.
Lợi dụng cơ hội đó, Hốt Tất Liệt phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, với lời nhắn nhủ tới Trần Nhân Tông: “Ngươi cáo bệnh không vào chầu, nay cho người được nghỉ để thuốc thang điều dưỡng. Ta lập chú ngươi là Di Ái thay ngươi làm quốc vương An Nam cai quản dân chúng”.
Tranh minh họa quý tộc nhà Trần bán nước, theo giặc. |
Vua Nguyên liền sai Bột Nham Thiết Mộc Nhĩ đem 1.000 quân tháp tùng Trần Di Ái về làm vua nước Nam, khi về đến biên giới thì bị quân Trần đánh cho tan tác, bỏ chạy bán sống bán chết.
Trần Di Ái và bọn tay chân bị bắt về. Thương tình cốt nhục, nhà vua tha tội cho, nhưng bắt làm lính hầu ở phủ Thiên Trường.
Trần Kiện
Chương Hiến hầu Trần Kiện vốn là người có tài, giỏi thơ văn, thông thạo cưỡi ngựa, bắn cung, được triều đình tin tưởng, cho thay cha làm Tĩnh Hải quân Tiết Độ sứ. Trần Kiện còn được thượng tướng Trần Quang Khải gả con gái cho. Được trọng vọng, Trần Kiện lại lầm đường lạc lối.
Năm 1284, Trần Kiện được cử cầm quân chặn giặc Mông - Nguyên ở Thanh Hóa. Sợ hãi trước thế giặc mạnh, Trần Kiện cùng bọn tay chân là Lê Trắc đem cả chục nghìn quân hàng giặc, làm cho mặt trận phía Nam có nguy cơ bị vỡ.
Tình thế nguy cấp, vua Trần phải cử tướng Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật đem quân vào cứu ứng. Trần Kiện chạy theo Toa Đô về gặp Thoát Hoan, nhưng khi đến ải Chi Lăng, bị quân ta chặn đánh. Trần Kiện bị bắn chết tại trận. Lê Trắc ôm xác chủ chạy, sau đó phải vùi xác Trần Kiện để chạy tháo thân.
Trần Văn Lộng
Trần Văn Lộng là cháu nội thái sư Trần Thủ Độ. Khác với cha ông, Trần Văn Lộng đã tự biến mình thành kẻ phản quốc.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng Trần Văn Lộng được nhận tước Văn Chiêu hầu, lại được vua Trần tin dùng, phong làm đại tướng cầm quân trấn thủ vùng sông Tam Đái.
Khi Thoát Hoan xâm phạm bờ cõi nước ta, Trần Văn Lộng đem gia quyến, nội phụ đầu hàng nhà Nguyên, theo giặc tấn công Đại Việt.
Cuối cùng, khi quân Nguyên thua chạy, Trần Văn Lộng buộc phải theo địch, lưu vong nơi đất khách quê người, chết ở đất khách.
Trần Ích Tắc
Xuất thân là hoàng tử nhà Trần, tài văn chương thao lược nức tiếng đương thời, được vua cha và đại thần hết sức khâm phục, quý mến, nhưng rồi, chỉ vì ham hố danh lợi, Trần Ích Tắc đã biến mình thành kẻ bán nước nổi tiếng trong lịch sử, bị nguyền rủa, suốt đời không còn đường về quê.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc nổi tiếng là người tài hoa, hào hoa phong nhã bậc nhất kinh kỳ, một người sành sỏi và tinh tế trong cả văn chương và các ngón chơi, kết giao với những bậc văn nhân học rộng tài cao nhất thời ấy.
Ích Tắc là người có tham vọng lớn. Tự cho tài nghệ của mình chẳng kém ai, ông bất phục khi ngôi vua được truyền cho hoàng huynh Trần Hoảng (Trần Thánh Tông).
Ích Tắc đã bán rẻ đất nước và dòng tộc để đi theo giặc. Lợi dụng quân Nguyên sang xâm nước ta (1285), Ích Tắc đem cả gia đình hàng giặc, được đưa về Trung Quốc và được Hốt Tất Liệt phong làm An Nam quốc vương, chờ ngày đưa trở về nước.
Sau khi quân Nguyên bị đánh bại, Trần Ích Tắc phải phiêu bạt theo giặc sang phương Bắc, cuối cùng chết ở xứ người, bị nhà Trần gạch tên ra khỏi dòng họ, gọi là “Ả Trần” - giống như một người đàn bà.
Lê Chiêu Thống
Lê Chiêu Thống (Lê Mẫn Đế) là ông vua cuối cùng của nhà Hậu Lê. Khác với tổ tiên có nhiều công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm, Lê Chiêu Thống lại biến mình thành kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”, để lại tiếng xấu muôn đời về ông vua bán nước.
Sau khi được Nguyễn Huệ đưa lên ngôi hoàng đế, Lê Chiêu Thống lại hoảng sợ uy thế của nhà Tây Sơn. Cuối năm 1788, vua Lê sang cầu cứu, dẫn đường cho 290.000 quân Thanh sang xâm lược nước ta.
Khi đội quân nhà Thanh bị đánh cho tan tác, Lê Chiêu Thống buộc phải sống lưu vong tại phương Bắc. Trên xứ người, ông ta bị vua Càn Long bạc đãi, coi thường, phong cho chức quan bé, thuộc hàng tam phẩm.
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, nhà vua uất ức vì bị người Thanh lừa gạt. Không còn đường về quê, Lê Chiêu Thống đổ bệnh rồi qua đời tại Trung Quốc năm 1792.
Bất kỳ thời nào, bán nước luôn là tội đáng bị khinh bỉ và bị xử phạt nặng nhất.
Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí, luật pháp phong kiến Việt Nam khép tội bán nước vào tội “Mưu bạn” - mưu phản nước theo giặc. Tội này thuộc tội “Thập ác” - 10 tội ác lớn nhất.
Theo đó, những ai phạm phải tội này sẽ bị xử phạt rất nặng, kèm theo đó là những kiểu hành hình tàn khốc.