Du học bằng cách gian lận, bỏ bê nghiên cứu, chỉ lo ăn chơi, lao vào tệ nạn, nhiều “cậu ấm cô chiêu” Trung Quốc đang vẽ ra hình ảnh xấu xí trong mắt cộng đồng du học sinh quốc tế.
“Du nhưng không học” được xem là tình trạng khá phổ biến ở các trường đại học phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Trong đó, nhiều người là “phú nhị đại”, con cháu của những nhà tài phiệt máu mặt ở Trung Quốc "đóng góp" tích cực vào trào lưu này.
Ông Wang Hui, Giám đốc Trung tâm về Trung Quốc và toàn cầu hoá, cho rằng nếu như trước đây đa số du học sinh xuất sắc của Trung Quốc đến Mỹ học tập, thì ngày nay, nhiều người du học tại quốc gia có nền giáo dục số một thế giới này chỉ có thành tích trên mức trung bình.
|
Để gia nhập câu lạc bộ siêu xe, thành viên phải sở hữu một chiếc xe trị giá 77.000 USD. Nhiều du học sinh Trung Quốc tham gia "đội mạnh" này. Ảnh: Zonglanxinwen. |
Ăn chơi, hưởng lạc
Ở Canada, một câu lạc bộ ôtô có tên VDAC bao gồm 440 thành viên, trong đó có đến 90% là người Trung Quốc, gồm cả du học sinh. David Dai, người sáng lập VDAC, cho biết mỗi thành viên phải có một chiếc xe trị giá hơn 100.000 đôla Canada (77.000 USD) mới được phép gia nhập nhóm. VDAC mở ra với mục đích chia sẻ đam mê siêu xe, chụp ảnh và chia sẻ lên mạng xã hội.
Năm 2012, Michael Kwan, 25 tuổi, được cha mẹ chi một khoản tiền khổng lồ để từ Hong Kong (Trung Quốc) qua Mỹ du học. Sau khi chi trả những khoản phí sinh hoạt, học tập thường ngày, Kwan còn dư một khoản tiền lớn. Chàng trai quyết định “tậu” một chiếc Cadillac Escalade giá 80.000 USD.
Thuộc nhóm sinh viên Trung Quốc sở hữu chục chiếc siêu xe trong trường, Kwan nhận thấy mình cần đổi xe để “bắt kịp” đồng hương. Cuối năm nhất, Kwan đổi sang dòng Maserati Quattroporte, trị giá khoảng 100.000 USD. Sở hữu những chiếc xe đắt giá, Kwan khiến nhiều người bạn Mỹ phải ghen tị. Anh còn khẳng định mình và những người bạn Trung Quốc giàu hơn người dân địa phương.
Không chỉ chi phóng khoáng cho xe xịn, du học sinh Trung Quốc còn “rót tiền” vào những căn hộ hạng sang, quần áo triệu USD, tiệc tùng xa hoa... Theo SCMP, một sinh viên 18 tuổi đến từ đại lục đã thuê căn hộ trị giá khoảng 5 triệu bảng Anh (khoảng 155 tỷ đồng) tại toà nhà ở Centre Point, Vương quốc Anh.
Tài khoản Weibo tên Invisible_S thì chia sẻ cô đã du lịch hơn 70 quốc gia trên thế giới. Trang cá nhân thường xuyên cập nhật những chuyến đi chơi triệu đô, bữa tiệc sang chảnh khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nữ sinh Trung Quốc này đang du học tại London, Anh.
Thông thường, thế hệ "phú nhị đại" Trung Quốc thường chỉ học hết trung học, sau đó được cha mẹ “lót đường” du học. Thậm chí, nhiều đứa trẻ được cho tham gia các khoá học ngắn hạn khi đang tuổi mẫu giáo.
“Những đứa trẻ nhảy dù” được cha mẹ ở Trung Quốc đưa qua nước ngoài bằng mọi giá, có tiền, nhưng thiếu hụt kiến thức, kỹ năng sống. Thậm chí, nhiều người sa vào con đường tội lỗi.
Hậu quả khôn lường
Sở hữu những chiếc xe sang trọng, nhưng đôi khi chính xế hộp lại gây ra nhiều rắc rối cho chủ nhân. Năm 2011, một nhóm đua siêu xe bị cảnh sát Vancouver, Canada bắt giữ, 13 "xế xịn" bị tịch thu. Nhóm thanh niên này đã tổ chức đua xe trái phép trên đường cao tốc, với tốc độ 200 km/h. Hầu hết thành viên thuộc nhóm mới 20, 21 tuổi.
Năm 2016, ba du học sinh người Trung Quốc tại Los Angeles, Mỹ, lãnh án tù vì tội bắt cóc và hành hung đồng hương. Họ đã bắt cóc, tra tấn bạn mình trong 5 giờ. Thậm chí, những người này còn dí thuốc lá vào cơ thể, cắt tóc và ép nạn nhân phải nuốt hết mớ tóc đó. Yunyao Zhai, một trong ba học sinh tham gia vụ bắt cóc trên, lĩnh án 13 năm tù cho tội ác của mình.
|
Yunyao Zhai, lĩnh án 13 năm tù vì bắt cóc, tra tấn bạn học. Ảnh: Los Angeles Times. |
Tháng ba vừa qua, Lu Wanzhen, du học sinh tại Canada bị một nhóm người phục kích, bắt cóc. Theo thông tin ban đầu, Lu thường lái chiếc Lamborghini màu trắng. Người này còn sở hữu chiếc Rolls-Royce và Range Rover. Các điều tra viên cho biết rất có thể nhóm bắt cóc nhắm đến những siêu xe của Lu.
Thói sống buông thả, vô tổ chức, coi thường pháp luật cũng là nguyên nhân khiến nhiều du học sinh Trung Quốc bị đuổi về nước. Ni Hanxiang, 22 tuổi, bị trục xuất khỏi Mỹ vì phát ngôn vô tội vạ của mình. Chàng trai đã chụp ảnh selfie cùng khẩu súng và đăng tải lên mạng xã hội với nội dung đầy khiêu khích: “Tôi đã rất chăm chỉ trong học kỳ này. Nếu như không qua môn, tôi sẽ cho các giáo sư thấy thế nào là sự sợ hãi giống như Gang Lu từng làm”.
Gang Lu là người từng gây ra vụ xả súng tại Đại học lowa, Mỹ, năm 1991. Một ngày sau khi đăng tải bức ảnh, Ni Hanxiang bị đuổi học và trục xuất khỏi Mỹ một tháng sau đó.
Theo thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), từ năm 2016-2017, Mỹ đón nhận hơn 350.000 du học sinh đến từ Trung Quốc. Nhiều sinh viên theo học tại các trường đại học danh giá như Harvard hay các trường thuộc Ivy League.
“Mỹ tiến” bằng con đường học hành, nhiều sinh viên Trung Quốc lại chọn cách đi lên bằng... tiền, thay vì thực lực. Khoảng 8.000 du học sinh nước này bị đuổi học, trục xuất khỏi Mỹ. Trong đó, 81% bị đuổi do thực lực kém, gian lận thi cử.
Tại phiên toà xét xử, Yunyao Zhai, người tham gia vụ bắt cóc bạn học, cho biết cuộc sống xa gia đình là một trong những nguyên nhân khiến cô sa vào con đường tội lỗi.
“Bố mẹ cho sang Mỹ du học vì tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, ở đất nước xa xôi này, tôi tự do hơn. Tôi cảm thấy cô đơn và lạc lõng, nhưng không thể nói với bố mẹ vì sợ họ lo lắng”, Zhai bày tỏ.
Nguyên nhân sâu xa từ vụ hành hung của Yunyao Zhai là hồi chuông cảnh tỉnh cho phụ huynh Trung Quốc đang có ý định cho con du học ở "trời Tây". Thay vì rải tiền, lót đường cho con có một tương lai tươi sáng, ổn định, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến cảm nhận, tâm sự và nhu cầu của trẻ nhiều hơn.
Du học hay học tập trong nước không phải yếu tố quyết định thành bại, quan trọng là trẻ cần được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh, tốt đẹp, nhiều tình thương.