Đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ ra loạt sai phạm Trường TH, THCS, THPT Khương Hạ. |
Qua đợt kiểm tra về công tác quản lý thu, chi tài chính tại trường TH, THCS, THPT Khương Hạ, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phát hiện hàng loạt sai phạm.
Thu một đường, vào sổ một nẻo
Báo cáo tài chính của trường cho thấy học phí chính khóa cho học kỳ 1 năm học 2023-2024, tổng số tiền thu được là 1.174.500.000 đồng. Tuy nhiên, trong 6/25 lớp, số liệu thu tiền học phí không khớp.
Đặc biệt, trên hồ sơ, mức thu tiền học thêm của trường năm 2022, 2023, 2024 là 7.000 đồng/tiết/học sinh, nhưng theo bản tường trình của nhân viên kế toán, mức thu thực tế cho cấp THCS và THPT năm 2022, 2023 lần lượt là 20.000 đồng và 17.500 đồng/tiết - cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo cho đoàn kiểm tra.
Cột "Tăng cường" nghĩa là học thêm, mỗi ca gồm 2 tiết và các cô giáo phải thu 35.000 đồng, tương đương 17.500 đồng/tiết. |
Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa như câu lạc bộ STEM, kỹ năng sống, Toán - Tiếng Anh cũng gặp nhiều vấn đề.
Nhà trường không cung cấp đủ hồ sơ xác nhận số lượng học sinh tham gia, số tiền thu và chi, gây khó khăn trong việc xác định tính chính xác của các khoản thu từ hoạt động này.
Trong hồ sơ nộp cho đoàn kiểm tra, trường cung cấp hai bộ chứng từ với nội dung mâu thuẫn về các khoản thu. Cả hai bộ đều không đảm bảo đủ căn cứ để xác minh chính xác các khoản thu, chi trong các năm học 2022-2023 và 2023-2024.
Ngoài các sai phạm liên quan đến thu học phí, trường TH, THCS, THPT Khương Hạ còn không tuân thủ quy định của Thông tư 07/2013 về tính toán thừa giờ.
Trong năm học 2021-2022, nhà trường trả 70.000 đồng/tiết cho giờ dạy vượt mức, còn năm học 2023-2024 là 80.000 đồng/tiết, nhưng cách tính số tiết không dựa trên chuẩn 35 tuần/năm học như quy định.
Điều này khiến cho nhiều giáo viên bị tính sai số giờ thừa, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập.
Cùng với đó, nhà trường cũng không thực hiện đúng quy trình trong việc thu tiền điện điều hòa với mức thu 50.000 đồng/học sinh cho 5 tháng. Nhiều khoản thu như tài trợ cơ sở vật chất chưa đúng quy định và không có đầy đủ chứng từ.
Gian dối khi cung cấp thông tin
Trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 8/2024, nhà trường cho công ty Trường Hải thuê phòng học ngoài giờ, sử dụng sân trường làm bãi đỗ xe với tổng số tiền thu từ hoạt động này là 1,825 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hồ sơ liên quan đến nội dung thu, chi đối với khoản thu này không được lưu giữ đầy đủ.
Đến ngày 7/9/2024, trường báo cáo đã chi 1,770 tỷ đồng cho các khoản sửa chữa và phúc lợi. Đoàn kiểm tra nhận xét lãnh đạo nhà trường và các cá nhân liên quan không trung thực khi cung cấp thông tin về nội dung này.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu Hiệu trưởng Nguyễn Phương Liên và các cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp khắc phục. Trường TH, THCS, THPT Khương Hạ phải rà soát, thống kê và hoàn trả các khoản thu dạy thêm, học thêm không đúng quy định.
Trường TH, THCS, THPT Khương Hạ cho doanh nghiệp thuê phòng học không đúng quy định. |
Đối với các khoản thu từ khai thác cơ sở vật chất, nhà trường tổng hợp và nộp lại ngân sách Nhà nước, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các số liệu thống kê.
Hiệu trưởng nhà trường, bà Nguyễn Phương Liên cũng được kết luận không trực tiếp dạy theo phân công, nhưng vẫn ký sổ ghi đầu bài; được yêu cầu hoàn trả phụ cấp do không đủ tiết dạy theo quy định.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu hiệu trưởng nhà trường tổ chức rà soát kiểm tra và khắc phục những hạn chế, sai phạm và báo cáo kết quả về Sở GD&ĐT Hà Nội trước ngày 30/11/2024.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, các giáo viên tại trường TH, THCS, THPT Khương Hạ cho biết đợt kiểm tra chưa làm rõ sai phạm của hiệu trưởng nhà trường trong những năm qua. Họ sẽ tiếp tục làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc.
Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND về dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Hà Nội quy định mức thu đối với trường THPT cụ thể như sau: Tối đa 7.000 đồng/học sinh/tiết đối với sĩ số từ 40 học sinh/lớp trở lên; Tối đa 8.000 đồng/học sinh/tiết với sĩ số từ 30 đến dưới 40 học sinh/lớp; Tối đa 10.000 đồng/học sinh/tiết với sĩ số từ 20 đến dưới 30 học sinh/lớp.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.