Tuần này, Torbjorn “Thor” Pederse (43 tuổi, quốc tịch Đan Mạch) đã sắp xếp lên được một chuyến tàu chở hàng để từ Hong Kong đến quốc đảo Palau ở Thái Bình Dương, theo South China Morning Post.
"Tôi chưa từng nghĩ sẽ ở lại đây quá vài tuần. Tôi cũng chưa bao giờ ở một nơi nào lâu đến như vậy. Giờ tôi còn hiểu Hong Kong hơn cả quê hương Copenhagen của mình. Tôi sẽ đem theo nhiều kỷ niệm đẹp có ở nơi này", anh nói vào ngày 5/1, khi đang khảo sát nơi xuất phát trước chuyến đi.
Đến được Palau, Pederse chỉ cần chinh phục thêm 8 nước nữa để hoàn thành hành trình đi qua 203 quốc gia của mình: Vanuatu, Tonga, Samoa, Tuvalu, New Zealand, Australia, Sri Lanka và Maldives. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa có gì là chắc chắn.
Pederse kẹt lại Hong Kong gần 2 năm vì đại dịch. |
"Nếu được, sau khi đến Palau vào 19/1, tôi sẽ tới một trong những mục tiêu khác, rất có thể là Australia hoặc New Zealand. Nhưng nếu không, tôi sẽ phải đi thuyền trở lại Hong Kong, lên bờ vào đầu tháng 2 và thực hiện cách ly 3 tuần. Hiện, việc đi lại chưa thể nói trước, nên đến đâu hay đến đó thôi. Nhưng chắc chắn tôi sẽ không bỏ cuộc".
Pederse bắt đầu chuyến du lịch vòng quanh thế giới mà không ngồi máy bay từ tháng 10/2013. Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành hàng hải, anh tự lên kế hoạch chi tiết để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Trong hành trình dài, Pederse đã di chuyển bằng tàu chở hàng, thuyền, tuktuk, xe buýt hay tàu hỏa. Với những điểm đến xa xôi, anh chỉ có thể chọn tàu chở hàng.
Pederse đã đi qua gần 200 quốc gia trên thế giới. |
Chuyến đi của Pederse có nhiều lúc không suôn sẻ và anh từng có suy nghĩ bỏ cuộc. Anh từng bị sốt rét khi ở châu Phi hay không thể trở về dự đám tang của bà khi hay tin bà mất.
Điểm sáng trong thời gian kẹt ở Hong Kong và cả hành trình của Pederse là vào tháng 12/2020, anh đã kết hôn với vị hôn thê lâu năm họ Le qua hình thức online. Tháng 3/2021, cặp đôi đoàn tụ khi Le bay đến thăm anh và hưởng tuần trăng mật muộn.
“Tôi là một chàng trai rất, rất may mắn, dù tôi không chắc khi nào hai đứa sẽ gặp lại nhau. Nhìn lại, tôi thấy mình đã thu được rất nhiều điều trong gần 2 năm ở Hong Kong. Ngoài làm đại sứ thiện chí cho Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch và giúp đỡ các thuyền viên Đan Mạch, tôi có thời gian khám phá, làm quen với Hong Kong", nam phượt thủ chia sẻ.
"Dù chuyến đi dẫn tôi đi đến đâu, tôi sẽ luôn nhớ về Hong Kong".