Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kẹt ở Thụy Sĩ vì dịch, con gái được mẹ gửi 20 kg đồ để ăn Tết

Không thể về Việt Nam đón Tết vì dịch bệnh, Châu Nguyễn được mẹ gửi trà bánh, các món truyền thống để đón năm mới ở Thụy Sĩ cùng chồng con.

Tết năm 2020, Châu Nguyễn (đang định cư tại Thụy Sĩ) định về Việt Nam đón năm mới cùng gia đình ở TP.HCM. Nhưng vì mang bầu, để bảo đảm sức khỏe, cô đành lỡ kế hoạch.

Tết Nguyên đán năm nay, dù đã lên kế hoạch từ trước, cô cùng chồng và con trai nhỏ cũng không thể về vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

Tet o nuoc ngoai anh 1

Không thể về Việt Nam, Châu Nguyễn vẫn cảm nhận được hương vị Tết quê nhà nhờ món quà mẹ gửi sang.

"Mình đi du học từ sớm, sau đó lại yêu, lấy chồng và định cư ở Thụy Sĩ nên ít có thời gian được ở gần gia đình. Từ khi có dịch, mình chỉ mong được về với mẹ, lúc nào cũng ngóng thông tin chuyến bay. Nhất là những ngày Tết, rất thèm được hưởng không khí năm mới cùng cả nhà và ăn các món của mẹ", Châu kể với Zing.

Để con gái đỡ cảm giác nhớ nhà, mẹ của Châu đã gửi cho cô nhiều đồ ăn truyền thống, đủ hương vị Tết quê hương.

"Tết đầu tiên cháu trai Kylian (con trai Châu - PV) không được về quê nên bà ngoại đã 'tài trợ' hẳn một kiện 20 kg đồ sang để cả nhà mình ăn Tết. Có nhiều món đặc trưng như trà hoa, bánh mứt, lạp xưởng. Đồ trang trí thì có hoa đào bằng vải, lì xì", Châu chia sẻ.

Thành phố Geneva, nơi gia đình Châu sống, đang phong tỏa chống dịch, chỉ các cửa hàng và siêu thị cung cấp nhu yếu phẩm được mở cửa. Vì vậy, gia đình 3 người chỉ có thể trang trí nhà cửa và đón năm mới cùng nhau.

Để có không khí, ngày 29-30 Âm lịch, Châu dọn dẹp nhà, mua trái cây để bày biện. Mỗi góc của căn nhà đều được bài trí hoa đào, hoa mai. Dù không thể chưng hoa thật, cô vẫn vui khi cảm nhận được màu sắc Tết quê nhà.

Vì ở chung cư, cô không thực hiện nghi thức cúng kiếng, chỉ trang hoàng nhà cửa để có không khí ngày xuân Việt Nam.

"Mình còn dạy anh xã phong tục mừng tuổi đầu năm, các câu chúc tiếng Việt. Đúng mùng 1, anh cũng lì xì hai mẹ con", Châu Nguyễn vui vẻ tâm sự.

Bàn ăn của gia đình Châu những ngày này cũng có nhiều món ăn truyền thống.

"Mình tự tay làm hết. Những món như chả giò, nem nướng, bò lá lốt, chạo tôm thì mình tranh thủ làm lúc rảnh rỗi, bỏ tủ đá rồi ngày Tết mới đem ra nấu. Mình còn lấy bộ nồi ăn lẩu phô mai ra làm lẩu bò nhúng dấm. Vì thiếu đủ thứ nên phải sáng tạo, tự chế thôi".

Châu Nguyễn tâm sự cô buồn vì đây là cái Tết đầu tiên của con trai nên hy vọng bé được về quê, gặp gỡ họ hàng. Song khó khăn do dịch bệnh, cô mong con cảm nhận được vị Tết, lưu giữ kỷ niệm bằng cách cho bé mặc áo dài, đội khăn xếp rồi chụp một bộ hình vui.

"Mình rất nhớ không khí Tết ở nhà, cái không khí tưng bừng trước Tết của TP.HCM không ở đâu có được. Đi lòng vòng vài nơi đã thấy lòng phơi phới, rộn ràng. Mình nhớ những lần diện áo dài xúng xính dạo phố, ra đường hoa. Nhớ cả những bữa cơm quây quần bên gia đình, cùng hát hò, mừng năm mới".

Dù vậy, cô cũng ấm lòng khi nhận được món quà từ mẹ gửi sang.

"Dù ở đâu, chỉ cần trái tim hướng về nhau thì ở đó là nhà. Hy vọng dịch bệnh sớm qua, mình có cơ hội về thăm gia đình ở Việt Nam, ba mẹ cũng sớm được gặp cháu ngoại", Châu tâm sự.

Khai bút ngày nào năm Tân Sửu để đỗ đạt, thành công

Để đạt được những mục tiêu trong sự nghiệp và học hành, mỗi người nên chọn ngày đẹp để khai bút đầu xuân Tân Sửu 2021.

Đinh Phạm

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm