Theo BSCKII Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115, ung thư đại trực tràng là bệnh lý ác tính phổ biến. Báo cáo về gánh nặng ung thư ở châu Á gần đây cho thấy số người bị ung thư đại trực tràng cao nhất châu Á là Nhật Bản, kế tiếp là Đài Loan, Singapore. Tại Việt Nam, căn bệnh này đã trở nên phổ biến trong cộng đồng, đứng hàng thứ ba ở nam, thứ tư ở nữ giới.
Hơn 20.000 người Hà Nội dương tính với ung thư đại trực tràng
Theo Sở Y tế Hà Nội, kết quả khám sàng lọc ung thư đại trực tràng tại 26 quận, huyện, thị xã của Hà Nội trong 2 năm 2017 và 2018 cho thấy có 21.451/415.186 người dương tính, chiếm tỷ lệ 5,42%. Đây là kết quả của xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân mà mắt thường không nhìn thấy được.
Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Hoàng Đức Hạnh, cho biết kết quả dương tính cũng không thể khẳng định người dân đã mắc ung thư. Bởi nhiều nguyên nhân dẫn đến máu trong phân như viêm loét đường tiêu hóa, trĩ, polyp đại tràng và ung thư đại trực tràng.
Nếu mẫu xét nghiệm bình thường, người dân sẽ được khuyến cáo lặp lại sau 6-12 tháng. Nếu dương tính, người dân sẽ được mời đến trung tâm để tiến hành các bước chẩn đoán tiếp theo như nội soi đại tràng.
Người dân Hà Nội được xét nghiệm ung thư đại trực tràng miễn phí. Ảnh: T.H. |
Hiện, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục tổ chức khám sàng lọc cho người dân từ 40 tuổi trở lên có thẻ bảo hiểm y tế tại hai huyện Chương Mỹ và Thanh Oai từ tháng 3. Ở nước ta, ung thư đại trực tràng là một trong 5 loại ung thư thường gặp nhất, có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt người trẻ cũng có thể mắc.
Đáng chú ý, 80% số người mắc ung thư đại trực tràng đều được phát hiện ở giai đoạn muộn, đánh mất đi cơ hội cứu chữa tốt nhất. Việc tầm soát giúp phát hiện sớm những polyp, tổn thương tiền ung thư, từ đó, kịp thời cắt bỏ, ngăn ngừa tiến triển thành ung thư. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm bằng tầm soát ung thư, cơ hội chữa khỏi bệnh này lên tới 90%.
Biện pháp tầm soát ung thư đại trực tràng
Điều trị ung thư đại trực tràng có rất nhiều phương pháp, phụ thuộc vào việc người bệnh phát hiện sớm hay trễ. Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm ở trong giai đoạn T1, T2, N1 hoặc trong chưa di căn, chưa xâm lấn, phẫu thuật vẫn ưu tiên hàng đầu.
Khi phát hiện trễ, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng tắc ruột, xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột gây viêm phúc mạc. Khi đó, cách xử trí ung thư đại trực tràng tùy theo thể trạng, giai đoạn bệnh cũng như những biến chứng của bệnh nhân.
ThS.BS Nguyễn Phước Lâm, chuyên khoa nội soi cho biết, có 3 phương pháp thường được sử dụng để tầm soát ung thư đại trực tràng:
- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: Đây là xét nghiệm rẻ tiền, đơn giản, có độ nhạy phát hiện các khối ung thư 70-80%. Xét nghiệm máu ẩn trong phân không đặc hiệu, nghĩa là nếu dương tính chưa chắc là có ung thư đại trực tràng. Vì vậy, nếu máu ẩn trong phân dương tính cần phải nội soi đại tràng để xác định.
- Nội soi đại tràng: Đây là phương pháp chính xác nhất, nhưng việc thực hiện khá phức tạp. Bệnh nhân phải được xổ ruột, nhịn ăn, vì nội soi có thể gây đau nên thường cần phải tiền mê. Qua nội soi đại tràng nếu phát hiện polyp, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ các khối polyp trong lúc soi.
- Nội soi đại tràng ảo: Bệnh nhân phải được xổ ruột và chụp CT Scan đa lát cắt, sau đó máy điện toán dựng hình lại lòng đại tràng. Nội soi đại tràng ảo có thể phát hiện phần lớn các khối polyp trong lòng đại tràng. Sau khi nội soi đại tràng ảo phát hiện ra polyp thì phải nội soi đại tràng (thật) để cắt polyp.