Theo Kaare Eriksen - chuyên gia phim của Variety, đa số dự án thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel gần đây mang lại doanh thu tốt cho Disney, song thường sẽ sụt giảm phong độ đáng kể chỉ sau vài tuần ra mắt.
Trong khi, Avatar: The Way of Water đang chứng tỏ sự ổn định đáng kinh ngạc tại tất cả cụm rạp toàn cầu dù đã bước sang tuần công chiếu thứ 4. Điều này đặt ra câu hỏi về cách thương hiệu duy trì phong độ của phim một cách tối ưu nhất.
Eriksen phân tích: "Hầu hết tác phẩm thuộc MCU đòi hỏi người xem phải theo dõi các phim trước đó để nắm bắt đầy đủ câu chuyện của phần mới nhất. Trái lại, nhà sản xuất của Avatar đảm bảo những phần phim trong tương lai sẽ chứa đựng câu chuyện độc lập. Điều đó giúp nhóm khán giả chưa quen với bộ phim năm 2009 vẫn có thể hiểu những gì xảy ra ở tác phẩm mới".
Avatar 2 duy trì phong độ phòng vé
Không ngạc nhiên khi Avatar: The Way of Water đạt ngưỡng 1 tỷ USD toàn cầu nhanh hơn bất kỳ bộ phim nào khác vào năm 2022, kể cả đó là cơn sốt mùa hè Top Gun: Maverick.
Avatar 2 đang cho thấy khả năng oanh tạc phòng vé từ cuối tuần này qua cuối tuần khác. Trung bình mỗi cuối tuần, phim thu 70 triệu USD trở lên. Thống kê trên Variety cho hay trong dịp nghỉ lễ đón năm mới, bộ phim bán được 86 triệu USD tiền vé.
Tính đến sáng ngày 10/1/2023, tác phẩm đã gặt hái 1,713 tỷ USD doanh thu toàn cầu. Trong đó, 517,6 triệu USD đến từ phòng vé nội địa và gần 1,2 tỷ USD từ thị trường quốc tế. Phim này sẽ mang về ít nhất 2,5 tỷ USD trước khi rút khỏi rạp, Screenrant ước tính.
Trở lại năm 2022, mặc dù ghi nhận phần mở màn ấn tượng, 2 bom tấn Doctor Strange in the Multiverse of Madness và Black Panther: Wakanda Forever lại đối mặt tốc độ sụt giảm mạnh về doanh thu cuối tuần. Top Gun: Maverick cũng giảm lượng vé bán ra vào cuối tuần nhưng nhẹ nhàng hơn nhiều.
Doctor Strange in the Multiverse of Madness và Black Panther: Wakanda Forever là 2 phim lớn của năm 2022. Ảnh: Reddit/Marvel Studios. |
Theo giới quan sát, Avatar: The Way of Water không bị cuốn vào đà trượt dốc nhanh chóng đó. Tác phẩm của phù thủy điện ảnh James Cameron có doanh thu cuối tuần thứ 3 thậm chí còn cao hơn tuần thứ 2. Đà tăng trưởng hiếm hoi này đặc biệt được đánh giá cao khi so sánh với Spider-Man: No Way Home - tác phẩm ăn khách nhất dịp cuối năm 2021, đồng thời là một trong những phim đạt doanh thu cao nhất lịch sử (1,916 tỷ USD).
Tuy nhiên, bất chấp sự phô trương rầm rộ, Spider-Man: No Way Home vẫn không thoát khỏi đà sụt giảm lớn về lượng người xem cuối tuần sau khi ra mắt. Chuyện tương tự cũng xảy ra với Avengers: Endgame.
Không lặp lại sự nhàm chán như MCU
Phân tích trên Variety, Kaare Eriksen cho rằng "quái thú điện ảnh" Avatar (2009) hoàn toàn khác loạt tác phẩm MCU kể trên. Thuộc dòng phim khoa học viễn tưởng mới lạ do bàn tay đạo diễn James Cameron nhào nặn, tác phẩm năm ấy không thu hút nhiều người xem sau màn ra mắt kém ngoạn mục. Dẫu vậy, với những lời truyền miệng và khen ngợi bước tiến về công nghệ 3D, bộ phim bỗng dưng gây tiếng vang lớn tại phòng vé và liên tục được nhắc đến là tác phẩm tiên phong trong việc mang tới trải nghiệm điện ảnh khác biệt.
Yếu tố mới mẻ tiếp tục gây bất ngờ ở phần mới nhất, Avatar: The Way of Water. Bộ phim sở hữu khung hình tốc độ cao (HFR) tốt nhất hiện nay, mang lại cho người xem sự chân thực hơn trong các cảnh hành động so với tiêu chuẩn.
James Cameron không phải là đạo diễn đầu tiên sử dụng HFR cho phim bom tấn lớn. Tuy nhiên, Screenrant và Engadget đánh giá cách vị đạo diễn này sử dụng HFR trong phần hậu truyện của Avatar là tốt nhất và cho thấy tiềm năng thực sự khi kết hợp cùng máy quay 3D.
Chính nhờ công nghệ hiện đại đó, Cameron dám tự tin khẳng định rằng Avatar 2 sẽ mang lại trải nghiệm đặc biệt mà khán giả sẽ không thể thưởng thức trọn vẹn nếu xem phim tại nhà.
Hiệu ứng hình ảnh đặc sắc tạo nên khác biệt cho thương hiệu Avatar. Ảnh: EW. |
Ngược lại, MCU không đi theo hướng này. Họ chọn cách xây dựng thương hiệu bằng chiến lược khác, chú trọng vào nội dung. Thông thường, trong một phim bom tấn nhất định của MCU sẽ xuất hiện nhân vật phụ nổi bật. Đây là thông lệ có từ Iron Man 2 (2010) khi giới thiệu Scarlett Johansson trong vai Black Widow trước khi nhân vật xuất hiện trong đội hình siêu anh hùng chính thức ở The Avengers.
Sau The Avengers, Iron Man 3 dành phần lớn thời lượng ám chỉ các sự kiện của phần phim trước, và Tony Stark (Robert Downey Jr.) là nhân vật được yêu thích nhất cùng với Captain America (Chris Evans) trong Captain America: Civil War năm 2016.
Khi loạt phim MCU xuất hiện trên Disney+, hãng tiếp tục câu chuyện về dàn diễn viên phụ đồng thời giới thiệu các vị anh hùng mới. Ví dụ, nữ phù thủy Wanda Maximoff, hay còn gọi là Scarlet Witch (Elizabeth Olsen) - nhân vật chính của series WandaVision nhưng đóng vai phản diện trong Doctor Strange in the Multiverse of Madness. Trong khi ngôi sao của chính bộ phim đó, Benedict Cumberbatch, cũng xuất hiện trong Spider-Man: No Way Home do Sony Pictures phân phối.
"Mối liên kết tương tự sẽ được nhìn thấy ở Deadpool 3 vào năm 2024. Phim chính thức gia nhập Vũ trụ Điện ảnh Marvel sau khi Disney thâu tóm 20th Century Fox. Hugh Jackman (vai Người Sói) sẵn sàng chạm trán Ryan Reynolds trên màn ảnh rộng, mặc dù nhân vật này đã chết trong Logan năm 2017. Bởi thế, khán giả sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu các vai khách mời từ phần phim khác của Marvel xuất hiện trong loạt Deadpool", Variety phân tích.
Kể từ khi Marvel Studios thành lập, các đoạn after-credit đã trở thành dấu ấn đặc trưng của hãng. Từng là điểm đặc biệt và là sợi dây quan trọng gắn kết các nhân vật trong vũ trụ Marvel với nhau, song hiện after-credit dần kém thu hút.
Khán giả cho rằng after-credit đã không còn hiệu quả như thời gian đầu. Chính vì điều đó, các phim MCU đang mất đi sức hấp dẫn trước Avatar, Top Gun và các thương hiệu phim bom tấn khác.
Chuyên mục Giải trí giới thiệu cuốn Hollywood: The Oral History. Đây là cuốn sách đầy ắp những câu chuyện trên phim trường, chi tiết kỹ thuật, giai thoại hài hước về các diễn viên, chiến lược của các nhà điều hành hãng phim hay sự phàn nàn về các nhà phê bình.