Marvel và DC lần lượt trực thuộc Disney và Warner Bros. - hai nhà sản xuất truyền thông lớn bậc nhất nước Mỹ.
Họ có những sản phẩm, chuỗi phim thành công, trong đó "vũ trụ điện ảnh" là từ khóa mang doanh thu hàng tỷ USD. Tuy nhiên, định hướng chiến lược, đường lối xây dựng, phát triển của mô hình Vũ trụ Điện ảnh Marvel và DC mang xu hướng khác nhau.
Logo của DC (trái) và Marvel. Hai thương hiệu có sự cạnh tranh từ những trang truyện lên màn ảnh. |
"Các vị thần muốn trở thành con người và những người sánh vai thần thánh"
Đây là cách diễn đạt về nhân vật trong Marvel và DC được nhiều fan đồng tình.
Đa số thành viên trong Avengers là những người bình thường, vô tình sở hữu khả năng dị biệt. Tony Stark (Robert Downey Jr.) là thiên tài công nghệ, dùng bộ giáp để thay thế cho “siêu năng lực”. Steven Rogers (Chris Evans) với tài thao lược, lòng quả cảm cùng sự hỗ trợ huyết thanh đã trở thành siêu người hùng đầu tiên của nước Mỹ.
Duy chỉ Thor (Chris Hemsworth), Thần Sấm bước ra từ thần thoại Bắc Âu, là người có siêu năng lực bẩm sinh, không cần hỗ trợ từ tác nhân bên ngoài.
Có thể thấy Vũ trụ Điện ảnh Marvel xây dựng dàn nhân vật dựa trên khai thác hình ảnh người phàm. Họ cũng có khoảnh khắc yếu lòng, chứa cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố. Quan điểm kiến thiết nên vũ trụ điện ảnh đã thể hiện qua tông màu chung của các phim Marvel: Màu sắc rực rỡ, thân thiện, phù hợp với mọi khán giả, tương tự Thor với mong muốn sống chan hòa cùng loài người.
Thor, vị thần Bắc Âu mang nhiều nét nội tâm như loài người. |
Đối với nhà DC thì ngược lại, khi bộ ba chủ chốt Liên Minh Công Lý chỉ có Batman (Ben Affleck) là người thường. Wonder Woman (Gal Gadot) là con gái của các vị thần Hy Lạp cổ đại, còn Superman (Henry Cavill) sở hữu siêu sức mạnh từ chính dòng máu ngoài hành tinh hùng mạnh.
Batman v Superman: Dawn of Justice (2016) thể hiện tinh thần chung của Vũ trụ DC Mở rộng (DCEU), ước mơ vươn tầm sánh ngang thần thánh của loài người. Cả Batman và Lex Luthor (Jesse Eisenberg) là những con người bình thường, tận dụng bộ óc chiến lược cùng công nghệ tân tiến để hạ bệ Superman.
Bên cạnh đó, màu phim tối - đặc trưng của dòng phim siêu anh hùng thuộc DC - khắc họa rõ nét những khó khăn, gian khổ mà con người phải vượt qua để thực hiên mong ước.
Batman là hình tượng nhân vật đại diện cho mong muốn vĩ đại của loài người. |
Người chậm mà chắc, kẻ dục tốc bất đạt
MCU mất 10 năm để đến một “hồi kết” viên mãn, chia tay các nhân vật chủ lực của Biệt đội Báo Thù. Từ những viên gạch đầu để xây dựng vũ trụ điện ảnh như Iron Man (2008) đến Avengers: Endgame (2019), Marvel Studios sản xuất hơn 20 phim để giới thiệu các nhân vật khác nhau, phục vụ cho cuộc đại chiến với Thanos.
Marvel chỉ dùng một chiến thuật cho các giai đoạn khác nhau, đó là giới thiệu tuần tự các nhân vật, làm khán giả thích họ, sau đó, tập hợp những nhân vật đó lại trong một phim.
Điều này vô hình trung thỏa mãn tâm lý của khán giả, muốn xem các nhân vật họ yêu thích sát cánh bên nhau khi chiến đấu với phản diện.
Bằng chứng là các phim tổng hợp nhận được tín hiệu tốt về mặt doanh thu. Bên cạnh đó, Disney khéo léo cài cắm các tình tiết xuất hiện nhân vật mới trong từng phim, khơi gợi trí tò mò cũng như tạo động lực để khán giả tiếp tục gắn bó MCU.
Mọi bước đi mang tính chiến lược của Marvel nhằm “kích nổ” bom tấn Endgame. |
DCEU có bước đi táo bạo và ngược lại cách xây dựng của Marvel. Họ chỉ bắt đầu bằng Man of Steel (2013) để giới thiệu Superman. 3 năm sau đó, Warner Bros. ra mắt Batman v Superman: Dawn of Justice với sự xuất hiện thêm của Batman và Wonder Woman.
Zack Snyder - người đảm nhận vai trò xây dựng Vũ trụ DC Mở rộng - mang phong cách làm phim có phần không hợp thị hiếu với đa số khán giả phổ thông.
Việc dồn ép nhiều nhân vật, tính triết lý vào Batman v Superman: Dawn of Justice đã gây khó hiểu cho người xem không phải fan gạo cội của DC Comics hoặc Zack Snyder.
Điều đó dẫn đến sự thất bại doanh thu của phim. Đồng thời, nhiều luồng ý kiến trái chiều được đặt ra xung quanh tính hợp lý của nội dung. Suicide Squad (2016) vướng phải vấn đề tương tự khi giới thiệu nhiều nhân vật trong một phim, nhưng mỗi người đều có cá tính mạnh, câu chuyện đời tư phức tạp.
Nhiều ý kiến khác cho rằng thời lượng phim là rào cản để DC có thể làm rõ mọi vấn đề trong tác phẩm. Điển hình, Batman v Superman: Dawn of Justice và Justice League (2017) bản chiếu rạp bị cắt đáng kể so với bản chiếu đĩa (Blu-ray).
Riêng Liên Minh Công Lý vướng phải nhiều sự kiện bê bối, dẫn đến phong trào #RealesTheSnyderCut để áp lực nhà sản xuất ra mắt bản phim gốc thời lượng 4 tiếng so với bản chiếu rạp 2 tiếng.
Việc dồn quá nhiều thông tin trong thời lượng có hạn khiến DCEU thất bại từ những dự án mở đầu. |
Hướng phát triển hiện tại
Hiện nay, cả hai hãng định hình rõ rệt hướng phát triển cho mô hình vũ trụ điện ảnh của họ.
Với Marvel Studios, vũ trụ điện ảnh tiếp tục theo hướng giải trí thân thiện, thích hợp với mọi đối tượng khán giả. Bên cạnh đó, những dự án gần đây của họ có phần pha trộn nhiều nội dung, thông điệp sâu sắc, tuy nhiên, khâu truyền tải vẫn chưa tối ưu hóa cốt truyện, gây lan man, thiếu trọng tâm.
Những phim gần đây của MCU gây thất vọng về mặt nội dung. |
Về phía DC, họ có dấu hiệu từ bỏ mô hình vũ trụ điện ảnh của riêng mình và tập trung vào các dự án riêng lẻ. Điều này mang đến thành công nhất định cho Warner Bros., đặc biệt khi trao “quyền lực tuyệt đối” cho đạo diễn.
Trong đó, Joker (2019) thắng lớn về doanh thu và giải thưởng, The Batman (2022) tạo nên kỳ tích phòng vé trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới. Sự thành công của The Suicide Squad (2021) mở ra tiền lệ cho Warner Bros. thực hiện phim truyền hình xoay quanh tuyến phụ.
Nhìn chung, MCU có phần “thắng thế” trong việc xây dựng mô hình vũ trụ điện ảnh của mình và gặt hái nhiều thành công.
Tiêu biểu, Avengers: Endgame (2019) vượt mặt Avatar (2012) để trở thành phim có doanh thu cao nhất lịch sử. Dù Warner Bros. thất bại, họ đã tìm ra được hướng đi đúng đắn, cũng như nhận nhiều giải thưởng hàn lâm quý giá.