Mâm cỗ Tết là nét văn hóa độc đáo và lâu đời của người Việt. Mâm cỗ ngày Tết thể hiện mong muốn no đủ, hạnh phúc trong cả một năm mới. Do điều kiện địa lý, thói quen ăn uống, mỗi vùng miền lại có cách chuẩn bị, bài trí mâm cỗ Tết khác nhau.
Mâm cỗ Tết miền Bắc
TS Lý Tùng Hiếu, giảng viên khoa Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc có nhiều nguyên tắc và giữ được nét truyền thống.
Trên mâm cỗ Tết mỗi gia đình miền Bắc buộc phải có bánh chưng, giò lụa, gà luộc. Ảnh: Chí Hùng. |
Do chú trọng đến hình thức và gia vị, người miền Bắc nấu ăn, bài trí cầu kỳ hơn những vùng miền khác.
Từ xa xưa, trên mâm cỗ Tết mỗi gia đình miền Bắc bắt buộc phải có bánh chưng.
Ngoài ra, mâm cỗ miền Bắc thường có 4 bát và 4 đĩa (không kể xôi, nước chấm, dưa hành) tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn phương. Với mâm cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài.
Theo đó, 4 bát chính trong mâm cỗ Tết gồm một bát chân giò lợn hầm măng, một bát bóng thả, một bát miến và một bát mọc nấm thả. Bốn đĩa gồm một đĩa thịt gà, một đĩa thịt lợn, một đĩa giò lụa và một đĩa chả quế.
Mâm cơm Tết thể hiện sự tinh tế và kỳ công của nét ẩm thực phương Bắc. Dù đã có nhiều thay đổi, bữa cơm ngày đặc biệt trong năm vẫn không thể thiếu gà luộc, dưa hành, nem rán, giò xào, thịt đông, xôi gấc hay bánh chưng..
Để mâm cỗ đẹp mắt và đầy đủ hơn, các gia đình chuẩn bị thêm những món tráng miệng như mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho,…
Mâm cỗ miền Nam
Ở miền Nam, mâm cỗ Tết không nhiều nguyên tắc như miền Bắc. Thường mâm cỗ ngày Tết sẽ bài trí đơn giản và không mấy cầu kỳ.
Nếu bánh chưng là nét đặc trưng của miền Bắc thì miền Nam bánh tét lại là thứ quà không thể thiếu. Bánh tét miền Nam có những nguyên liệu rất đa dạng và đẹp mắt. Mỗi một loại bánh tét lại có cách kết hợp nguyên liệu, tạo hình và màu sắc khác nhau.
Mâm cỗ miền Nam không thể thiếu món thịt kho tàu, bánh tét và khổ qua nhồi thịt. |
Ngoài ra, mâm cỗ miền Nam không thể thiếu món thịt kho tàu và khổ qua nhồi thịt. Thịt kho tàu thể hiện sự sung túc, đủ đầy. Còn với món khổ qua là mong muốn tất cả những khổ đau trong năm cũ sẽ qua đi và đón một năm mới may mắn.
Theo đó, trong mâm cơm Tết của người miền Nam còn có những món ăn nguội như gỏi ngó sen, tai heo ngâm dấm, tôm khô, củ kiệu, giò heo nhồi, phá lấu, nem, lạp xưởng tươi…
Đối với miền Nam món tráng miệng sẽ là các loại mứt trái cây đa dạng như mứt dừa, mứt me, mứt mãng cầu, mứt củ năng, kẹo thèo lèo và kẹo chuối…
Mâm cỗ Tết miền Nam và miền Bắc có những điểm khác nhau nhất định. Tuy nhiên, ở vùng miền nào mâm cỗ cũng mang ý nghĩa giữ gìn hương vị Tết cổ truyền, nhớ về cội nguồn, tổ tiên, đồng thời là dịp gia đình đoàn viên, cùng nhau tụ họp ăn uống, vui chơi.