Cục Quản lý thị trường Khánh Hòa vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính quán Tháp Bà Làng Chài (đường Phạm Văn Đồng, phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang) 750.000 đồng về hành vi Vi phạm không niêm yết giá bán hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định.
Đây là quán ăn bị phản ánh phiếu thanh toán có giá "cắt cổ". Cụ thể, món khổ qua xào được tính với giá 500.000 đồng/2 đĩa, mồng tơi xào 250.000 đồng/đĩa và su su 250.000 đồng/đĩa.
Riêng nhà hàng Hưng Phát (đường Trần Phú, TP Nha Trang) “chặt chém” với 3 phần trứng xào cà chua giá 1,5 triệu đồng, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa thông tin hiện vẫn chưa xác minh được vì quán tháo bảng hiệu, đóng kín cổng nên chưa thể xử phạt.
Vậy trong trường hợp này, khách hàng có được trả lại tiền chênh lệch đã bị "chặt chém"?
Quán hải sản Tháp Bà Làng Chài. Ảnh: An Bình. |
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định tại Nghị định 109/2013 sửa đổi bổ sung năm 2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; hành vi “Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật” hoặc “Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng”, chủ thể vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 5 Điều 11 , với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Với hành vi “Bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá” sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 nghị định này.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 7 Điều 12, ngoài xử phạt hành chính, tổ chức sản xuất kinh doanh còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 5 điều này. Trong trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách Nhà nước.
Theo luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An), đối với quán ăn ở Nha Trang "chặt chém" 250.000 đồng một dĩa mồng tơi thì khách hàng sẽ được nhận lại khoản tiền chênh lệch so với giá thị trường.
"Hợp đồng mua bán thức ăn trong trường hợp này có tính đe doạ cưỡng ép hoặc lừa dối dẫn đến giao dịch dân sự vô hiệu, bị xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, chủ quán ăn phải trả lại số tiền thừa sau khi trừ lại giá đồ ăn đúng giá thị trường. Đây là quan hệ dân sự nên chỉ có người bị chặt chém mới có quyền đòi lại tiền", luật sư Thư lý giải.
Cũng theo luật sư, khách hàng có thể tự tìm tới quán ăn thương lượng lấy lại tiền chênh lệch. Nếu thương lượng không thành thì có thể khởi kiện ra Toà án nơi có quán ăn đặt tại đó.
Phiếu tính tiền lan truyền trên mạng. Ảnh chụp lại. |
Tuy nhiên, hiện nay, mức xử phạt với hành vi "chặt chém" còn quá nhẹ; các quy định xử phạt hành chính chưa đề cập đến vấn đề cơ quan, tổ chức có hành tái phạm sẽ bị xử lý như thế nào nên tình trạng bán giá "cắt cổ" vẫn tái diễn thường xuyên, nhất là vào những dịp lễ Tết.
"Cần có quy định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ kinh doanh có thời hạn và nếu tái phạm bao nhiêu lần, mức độ tái phạm nguy hiểm ra sao thì có thể tước giấy phép kinh doanh. Như vậy mới mong giảm được tình trạng này", luật sư Hùng kiến nghị.