Carlotta gặp khó khăn khi giao tiếp với người bán hàng ở Việt Nam. |
Nếu tới những khu vực nhiều "Tây" như Thảo Điền (TP Thủ Đức) hay Phú Mỹ Hưng (quận 7)... khách nước ngoài hầu như không gặp khó khăn trong giao tiếp, bởi các nhân viên thường được sàng lọc từ đầu về khả năng ngoại ngữ.
Tuy nhiên, ở một số khu vực bình dân, vỉa hè tại TP.HCM, du khách nước ngoài thường gặp những cảnh "dở khóc dở cười" vì bất đồng ngôn ngữ.
Nghe không hiểu gì
Đang cùng cha mẹ nghỉ dưỡng ở Việt Nam, Carlotta (Italy) cho biết việc giao tiếp tại hàng quán vỉa hè khá khó khăn. Trong tuần đầu tiên ở Việt Nam, cô nhiều lần phải tìm trợ giúp từ người thạo tiếng Anh để giao tiếp với người địa phương.
Cách đây vài ngày, Carlotta tới Hội An (Quảng Nam) và có tham quan một cửa hàng may mặc. Người bán giới thiệu cho cô một loại vải nhưng du khách Italy không nghe ra nổi. Cô nói mình nghe người bán phát âm "sục", "súc". Tuy nhiên, khi sử dụng công cụ dịch, Carlotta hiểu đó là "silk" (lụa).
"Khổ nhất là những lúc gọi món ăn. Tôi không biết món đó có vị gì còn người bán lại chẳng tả được bằng tiếng Anh. Tôi phải giao tiếp bằng cử chỉ và nhìn hình gọi món. Họ cũng chỉ nói được vài từ đơn giản như xin chào, xin mời, tạm biệt hay giá tiền", cô chia sẻ.
Anjali gặp chuyện hài hước vì vấn đề giao tiếp tiếng Anh khi đặt xe ôm. |
Cũng trải qua cảnh bất đồng ngôn ngữ tương tự, Anjali (Ấn Độ) gặp chút rắc rối trong tuần đầu ở TP.HCM. Khi đặt xe ôm công nghệ, cô lại gặp đúng tài xế không thạo tiếng Anh. Tài xế và Anjali không thể tìm thấy nhau vì nói chuyện chẳng ai hiểu ai. Cả hai đi qua nhau, đứng ở chỗ người kia vừa đứng nhưng không biết gì cả.
"Phải vòng 2-3 lần ở một khu vực rất nhỏ, tôi và anh ấy mới tìm được nhau. Khi gặp, cả hai chỉ cười lớn vì sự cố vừa rồi", cô vui vẻ kể.
Bên cạnh việc sử dụng công cụ dịch kết hợp ngôn ngữ cơ thể, một số du khách như Stacey và Cam (Mỹ) lại tìm những hướng dẫn viên địa phương để giúp chuyến đi dễ dàng hơn. Chia sẻ với Zing, bộ đôi này nói mình không thấy khó chịu việc phải sử dụng điện thoại để giải thích. Với họ, điều quan trọng là người dân thân thiện và giữ gìn được bản sắc.
Stacey nói: "Họ nói không tốt nhưng lại nhiệt tình giao tiếp. Chủ yếu là ở các hàng quán vỉa hè thôi. Nhân viên khách sạn, nhà hàng có thể nói tiếng Anh tốt. Nhìn chung, tôi không thấy vấn đề gì".
Tiếng Anh "bồi" là đủ
Khái niệm tiếng Anh "bồi" thường được gán với hình ảnh những người bán hàng vỉa hè, trong các khu chợ đông đúc khách du lịch. Nhiều người không được đào tạo qua trường lớp bài bản và chỉ tự học thông qua giao tiếp hoặc tìm hiểu trên mạng.
Bước vào chợ Bến Thành, những câu nói lơ lớ kiểu "Hê lô ma đam" (chào cô), "Hê lô sơ" (chào ông), "Cô cô nút sơ" (nước dừa chứ ông)... vang lên không ngớt. Nơi đây giống một lớp học tiếng Anh "bồi" bởi ai cũng biết chút ít ngôn ngữ ngoại quốc để mời chào khách. Có người biết tới 10 thứ tiếng nhưng hỏi chủ đề khác ngoài đồ ăn lại "tịt", không nói nổi.
Bà Vân thường xuyên sử dụng công cụ dịch để hỗ trợ giao tiếp với khách nước ngoài. |
Bà Thúy Vân, chủ một sạp hàng bán đồ ăn trong chợ, đã kinh doanh được vài năm. Bà Vân nói mình không có nhu cầu học thêm tiếng Anh vì đã có tuổi. Ngoài ra, bà cũng nói được những câu cơ bản để mời chào khách. Cái gì không biết bà lại lên mạng tra công cụ dịch là xong.
Tuy nhiên, khi đứng ở vị trí người nghe, bà cũng nhiều lần không hiểu khách đang muốn gọi gì.
"Có ông Tây đến gọi tiết canh. Ông ấy cứ nói 'bờ lát' gì đó tôi chẳng hiểu. Sau khi xem hình, tôi mới biết người này muốn ăn tiết. Hay lần khác, có người đến ăn gỏi cuốn. Người ta nói tôi chẳng hiểu gì. Đến lúc mang gỏi cuốn có tôm ra, họ đòi trả lại. Tôi phải hỏi thế 'no meat, tofu à'. Hóa ra là muốn ăn chay", bà kể.
Khi được đề nghị thử mời một vị khách bằng tiếng Anh, bà cười thoải mái rồi lại chạy ra lối đi, 'bắn' ngay một tràng tiếng Anh lơ lớ: "Hello madam, noodle soup, bánh mì barbeque" (chào cô, mì không, bánh mì thịt nướng chứ).
Serina (áo trắng), du khách Italy, nhận xét người bán hàng ở Campuchia nói tiếng Anh tốt hơn tại Việt Nam. |
Công việc tiếp xúc với khách Tây mỗi ngày, bà Vân cũng học được đôi chút từ vựng. Tuy lúc nhớ lúc quên một số từ mới, bà vẫn dễ dàng giao tiếp với du khách nước ngoài bằng tiếng Anh "bồi" kèm ngôn ngữ cơ thể hoặc minh họa bằng hình ảnh.
Bà Vân chia sẻ thêm: "Nhiều khách đi theo đoàn, có hướng dẫn viên nên giao tiếp cũng dễ. Số khác đi kiểu gia đình sẽ khó hơn chút".
Tuy nhiên, không phải ai cũng có nhu cầu bồi đắp thêm một chút tiếng Anh như bà Vân. Mở hàng nước vỉa hè bán trà dâu, trà tắc ngay đường Ngô Đức Kế, sát phố đi bộ Nguyễn Huệ, một người bán hàng khoảng 60 tuổi (từ chối nói tên), cho biết mình không thích bán cho khách nước ngoài.
Lý do đơn giản bởi bà không hiểu người nước ngoài nói gì. Bà cũng không bận tâm chuyện học thêm bởi thấy đây là điều không cần thiết. Đôi khi "buộc" phải bán cho người nước ngoài, bà sẽ báo giá bằng cách giơ tờ tiền lên.
"Tôi chủ yếu bán cho người Việt. Khách Tây có thể tìm ai khác trẻ và nói tiếng Anh sõi hơn để mua".