Trước tình hình số ca nhiễm ngoại nhập có xu hướng tăng cao, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách siết chặt quá trình kiểm dịch với các hành khách đến từ nước ngoài trong những ngày gần đây.
Theo một thông báo trên trang web của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, giống như mọi công dân Trung Quốc phải đối mặt với án phạt hoặc bị giam giữ vì từ chối kiểm tra nhiệt độ hoặc bỏ qua các quy định cách ly, những người trốn kiểm dịch từ các quốc gia khác cũng phải chịu trách nhiệm theo luật pháp nước này.
Bên cạnh một danh sách về luật và quy định có liên quan, các cơ quan chức năng sẽ quyết định cách xử phạt người nước ngoài vi phạm, với các hình phạt từ hủy visa, yêu cầu rời khỏi Trung Quốc trong thời hạn nhất định, hồi hương hoặc trục xuất.
Những người bị trục xuất khỏi Trung Quốc sẽ không được phép đặt chân đến đất nước này từ 12 tháng đến 10 năm.
“Virus không có biên giới quốc gia. Mọi người trên khắp thế giới phải có trách nhiệm trong việc chống lại dịch bệnh”, trong thông báo của cơ quan này viết.
Trung Quốc khẳng định sẽ siết chặt quá trình kiểm dịch để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 tại nước này. Ảnh: The New York Time. |
Theo báo cáo của Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC), số ca nhiễm đã tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần qua, đỉnh điểm là ngày 8/4 với 63 trường hợp, trong đó có 61 ca ngoại nhập. Vào ngày 10/4, Trung Quốc cũng xác nhận có thêm 46 trường hợp nhiễm mới với 42 ca trong số đó là người nước ngoài.
Trong một tháng qua, Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát tại tất cả các điểm nhập cảnh, đặc biệt là những điểm xung quanh Bắc Kinh và yêu cầu dừng hầu hết chuyến bay quốc tế.
Vào ngày 28/3, chính phủ đã áp đặt lệnh cấm đối với tất cả người nước ngoài vào nước này, bao gồm cả những người có thị thực, giấy phép lao động và thẻ cư trú.
Vài ngày sau đó, Trung Quốc khuyến cáo các nhà ngoại giao nước ngoài không quay trở lại Bắc Kinh trước ngày 15/5, với lý do e ngại số lượng lây nhiễm virus không xác định trong các phái đoàn ngoại giao.
Ngày 3/4, Mi Feng, phát ngôn viên của Ủy ban Y tế Quốc gia và Liu Haitao, giám đốc bộ phận kiểm tra biên giới của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, cho biết Trung Quốc đã cấm nhập cảnh từ nước ngoài tại tất cả các cảng dọc theo đường biên giới dài hơn 22.000 km.
Trong những ngày gần đây, nhiều cơ quan đã ghi nhận báo cáo về những trường hợp trốn tránh các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Cuối tháng trước, giới chức tại sân bay quốc tế Bắc Kinh đã từ chối nhập cảnh với 4 người nước ngoài vì không tuân thủ các quy định của địa phương.
Tại thành phố Thanh Đảo, 3 trường hợp chen lấn khi xếp hàng để được xét nghiệm virus corona đã bị tờ People Daily tố cáo và cho rằng người nước ngoài không nên được hưởng chế độ đặc biệt.
Tuần trước, cảnh sát ở Quảng Châu đã mở một cuộc điều tra hình sự đối với một bệnh nhân mang quốc tịch Nigeria bị buộc tội tấn công nhân viên y tá vì từ chối cho phép người này xuất viện.
Người nước ngoài lo sợ bị phân biệt đối xử tại Trung Quốc. |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã hoành hành trên khắp thế giới, người dân Trung Quốc đã lên tiếng về các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc và bài ngoại ở phương Tây.
Trong khi Bắc Kinh tìm cách kiềm chế sự gia tăng các trường hợp nhập cảnh, nhiều người lo ngại rằng sự phân biệt đối xử tương tự có thể xảy ra với những người nước ngoài đang sống và làm việc tại Trung Quốc.
Trên thực tế, đã có nhiều báo cáo của các nhà ngoại giao, doanh nhân, sinh viên nước ngoài về việc bị từ chối phục vụ tại nhà hàng, quán bar ở Bắc Kinh và các thành phố khác.
Ở thành phố Quảng Châu - nơi có cộng đồng châu Phi lớn mạnh - đã có nhiều người khiếu nại khi bị đuổi, phân biệt đối xử trước những tin đồn về sự bùng phát của virus trong khu vực và các tỉnh lân cận.
Trước những báo cáo trên, Zhao Lijian - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - đã lên tiếng để bác bỏ các yêu sách và khẳng định nước này sẽ không dung thứ cho bất kỳ hình thức phân biệt đối xử hay kỳ thị chủng tộc nào.