Khách quốc tế vẫn tăng, nhưng bao nhiêu người muốn trở lại Việt Nam?
Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng cùng đường bờ biển tuyệt đẹp, đặc trưng của miền nhiệt đới. Nhưng tôi thực sự thấy tiếc bởi cho đến giờ, khi nhắc đến Việt Nam, nhiều người vẫn dùng cụm từ "đây là điểm đến tuyệt vời nhưng tiềm năng du lịch chưa được khai phá đúng mức".
Từng làm phóng viên chiến trường ở Việt Nam, lấy vợ Việt và cũng không ít lần đưa khách du lịch từ Australia sang, đương nhiên tôi không còn lạ gì đất nước, con người Việt.
Nhưng tôi thực sự thấy tiếc khi cho đến giờ, khi nhắc đến Việt Nam, nhiều người vẫn dùng cụm từ "đây là điểm đến tuyệt vời nhưng tiềm năng du lịch chưa được khai phá đúng mức".
Du khách vẫn chưa mặn mà quay lại
Tôi không phủ nhận ngành du lịch Việt Nam đạt được những bước tiến rất đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2017, khách quốc tế đến đạt kỷ lục hơn 12 triệu lượt và luôn tăng ổn định. Ngày 19/12 vừa qua, Việt Nam chào đón hành khách thứ 15 triệu "cập bến" tại cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh). Như vậy, mục tiêu chung của ngành du lịch Việt năm 2018 về cơ bản đã hoàn thành.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch 2017 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện 2 năm một lần cũng chỉ ra du lịch Việt Nam có sự cải thiện đáng kể nhất trong khu vực, xếp thứ 63/136 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việc giữ chân du khách ở nhiều điểm đến - bao gồm cả các thành phố lớn ở Việt Nam - trong hơn ba ngày là vấn đề cực kỳ khó khăn. Rất nhiều người rời đi và không muốn quay trở lại chỉ sau một đêm.
Nhưng, lượng du khách đến Việt Nam lớn như vậy, liệu trong số họ, sẽ có bao nhiêu người mong muốn quay trở lại? Không ít chuyên gia và quan chức ngành du lịch từng chia sẻ việc giữ chân du khách ở nhiều điểm đến - bao gồm cả các thành phố lớn ở Việt Nam - trong hơn ba ngày là vấn đề cực kỳ khó khăn. Rất nhiều người rời đi và không muốn quay trở lại chỉ sau một đêm.
Tỷ lệ khách du lịch quay lại theo số liệu khảo sát mới công bố tháng 10 vừa qua của Tổng cục Du lịch là 40%, cao hơn con số 33% của năm 2013. Thế nhưng, theo báo cáo từ Hiệp hội Du lịch Thế giới, tỷ lệ du khách quay lại Việt Nam chỉ đạt dưới 10%.
Điều quan trọng là, dù có cải thiện nhưng nếu xét về điểm đến xứng đáng quay lại, Việt Nam thua kém hơn hẳn so với các nước láng giềng.
Thái Lan là ví dụ điển hình. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Thái Lan, năm 2017 nước này đón 35 triệu du khách quốc tế và 70% trong số đó là du khách đã từng đến Thái Lan. Singapore cũng vậy, trung bình hàng năm 60-70% tổng số du khách đến là du khách quay lại.
Du khách quay trở lại là vấn đề trầm kha của du lịch Việt Nam. Vì sao vậy?
Chi chưa đủ mạnh để quảng bá
Nguyên nhân đầu tiên và dễ dàng nhìn thấy nhất là kinh phí chi cho quảng bá du lịch của Việt Nam vẫn còn thua xa các điểm đến được ưa chuộng trong khu vực.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, chi phí dành cho việc xúc tiến, quảng bá du lịch rơi vào khoảng 2 triệu USD (năm 2016), chỉ bằng 3% so với Thái Lan và 2,5% so với Singapore. Với việc vừa thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có vốn điều lệ 300 tỷ đồng (gần 13 triệu USD), Việt Nam vẫn chi chưa đủ mạnh bằng hai nước láng giềng.
Để thu hút hơn 15 triệu lượt khách quay trở lại, hàng năm, Thái Lan chi khoảng 70 triệu USD cho các hoạt động quảng bá du lịch, còn với Singapore là 80 triệu USD. Đương nhiên Việt Nam không thể đầu tư đến 70-80 triệu USD ngay lập tức, nhưng tôi nghĩ ngân sách dành cho quảng bá du lịch ít nhất cũng nên ở cỡ 20-30 triệu USD.
Để tạo ra những đột phá của ngành Du lịch, Thái Lan đã thành công trong việc thực hiện khẩu hiệu "Amazing Thailand" xuyên suốt trong nhiều năm với những chiến dịch quảng cáo hình ảnh đất nước vô cùng độc đáo, đậm chất Thái.
Năm 2014, Thái Lan thực hiện chiến dịch Tôi ghét Thái Lan nhằm đem lại cái nhìn mới về đất nước này. Họ đã sản xuất video về một anh chàng du lịch và chán ghét nước Thái. Sau khi nhận được quá nhiều sự giúp đỡ, nồng nhiệt với các rắc rối gặp phải, anh đã thay đổi, đồng thời quyết định trở lại và ở hẳn tại Thái Lan.
Với hình thức đăng tải và lan truyền ẩn danh, công chúng ngỡ video quảng cáo là của một cá nhân nào đó ghi lại. Chỉ trong 3 ngày, video đạt 1 triệu lượt xem cùng những thành công lớn trong ngành Du lịch ngay sau đó.
Trong khi đó, Singapore đã theo đuổi 3 tiêu chí quan trọng bao gồm đa dạng thị trường; phát triển, quy hoạch đề án du lịch và bắt kịp xu hướng người dùng.
Nhận thấy tiềm năng phát triển ngành du lịch biển, từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước, chính phủ nước này đã đưa chủ trương kiến tạo vùng nước ở vịnh Marina và biến nơi đây thành khu vực trung tâm du lịch. Việc phát triển được chia thành nhiều giai đoạn và hiện vẫn triển khai. Đến nay, Marina đã trở thành một trong những biểu tượng du lịch Singapore hiện đại, năng động.
Sao cứ mãi 5H và 1S?
Ngoài vấn đề kinh phí, chủ nghĩa địa phương vẫn còn tương đối nặng nề ở Việt Nam. Mỗi tỉnh, thành đều muốn tự kế hoạch làm du lịch, quảng bá du lịch riêng dẫn đến tình trạng rời rạc, thiếu đồng bộ trong các chiến dịch.
Ví dụ Hà Nội hợp tác với CNN để quảng bá du lịch trong khi hình ảnh và thông tin về TP.HCM sẽ được giới thiệu trên trang thương mại điện tử của Hong Kong. Các chiến dịch quảng bá còn khá rập khuôn và chưa có tính sáng tạo.
Có vẻ cho đến nay, Việt Nam vẫn còn tập trung đẩy mạnh du lịch chủ yếu ở 6 điểm du lịch được gọi là 5H và 1S - Hà Nội, TP.HCM, Hội An, Huế, Hạ Long và Sa Pa - mà chưa chú trọng tới nhu cầu của du khách trong những năm gần đây.
Có vẻ cho đến nay, Việt Nam vẫn còn tập trung đẩy mạnh du lịch chủ yếu ở 6 điểm du lịch được gọi là 5H và 1S - Hà Nội, TP.HCM, Hội An, Huế, Hạ Long và Sa Pa - mà chưa chú trọng tới nhu cầu của du khách trong những năm gần đây.
Các địa điểm như Đà Lạt, Phú Quốc, Quy Nhơn hay Phú Yên, An Giang cùng các tỉnh miền Tây… lần lượt hiện lên dày đặc trên bản đồ check-in của giới trẻ từ Bắc đến Nam. Thế nhưng, dịch vụ du lịch ở những nơi này hầu hết vẫn là các loại hình kinh doanh tự phát, tư nhân mà chưa có sự đầu tư chính thức từ nhà nước. Thậm chí, những cồn cát nổi tiếng cùng bờ biển xanh rì của các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên… vẫn còn tuyệt đối hoang sơ, chưa đưa vào khai thác.
Miễn thị thực: Đã làm, nhưng vẫn chưa đủ
Điểm chung duy nhất giữa các miền đất du lịch ở Việt Nam là sự chụp giật, xô bồ. Điều này phần nào gây ấn tượng xấu cho khách du lịch, khiến họ không muốn quay lại. Tắc đường, giao thông lộn xộn, cướp giật hay ô nhiễm không khí là những điểm trừ rất rõ ràng khác.
Nhưng còn một điều cản trở du lịch Việt Nam nữa: Chính sách thị thực cồng kềnh và thiếu thân thiện.
Việt Nam tiếp tục gia hạn miễn thị thực thêm một năm nữa cho du khách đến từ 5 quốc gia châu Âu: Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh. Vậy các thị trường quan trọng như Australia, Canada hay Ấn Độ thì sao?
Tổng cộng, mới chỉ vỏn vẹn 23 quốc gia và vùng lãnh thổ được Việt Nam miễn visa. Trong khi đó, các nước ASEAN đã gần như "mở toang" cánh cửa chào đón du khách quốc tế.
Tổng cộng, mới chỉ vỏn vẹn 23 quốc gia và vùng lãnh thổ được Việt Nam miễn visa. Trong khi đó, các nước ASEAN đã gần như "mở toang" cánh cửa chào đón du khách quốc tế. Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines đều có chính sách miễn thị thực cho 160-169 quốc gia, cho dù không phải tất cả các nước đều miễn visa song phương.
Thậm chí, các hình thức visa qua mạng (Visa Online), visa tại cửa khẩu (Visa On Arrival) của Việt Nam cũng hạn chế hơn so với các điểm đến cạnh tranh trong khu vực như Campuchia, Lào và Myanmar.
Việt Nam đặt mục tiêu đón 20 triệu du khách nước ngoài vào năm 2020 và phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được mục tiêu đó, việc miễn thị thực cho các thị trường quan trọng là điều cần thiết.
Nhưng rõ ràng, việc cân bằng lợi ích giữa các bộ ngành trong vấn đề này không hề đơn giản.
Thương mại hóa đến chóng mặt
Nhiều du khách yêu mến Việt Nam quay trở lại đây chỉ để chứng kiến thấy sự hiện đại hóa nhanh đến chóng mặt, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Những mẩu tin về bãi biển ngập trong rác hay danh thắng bị phá hoại bởi khách tham quan tràn lan trên mặt báo. Khu nghỉ dưỡng và khách sạn dọc theo bờ biển đua nhau mọc lên. Việc xây dựng quá mức, đi kèm với quy hoạch thiếu hợp lý một mặt phá hoại môi trường tự nhiên, mặt khác gia tăng sự lệ thuộc vào nguồn lực có sẵn.
Sự xuống cấp của di sản hay các kỳ quan thiên nhiên ngày một bị thương mại hóa hiển nhiên đe dọa sự phát triển của ngành du lịch hiện tại và tương lai.
Còn nhớ một vài năm trước, kế hoạch xây dựng tuyến cáp treo vào Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới, gây không ít tranh cãi bởi nhiều người tin rằng xây dựng cáp treo này sẽ là một thảm họa, phá hủy tự nhiên.
Các nhà khoa học cũng cho rằng việc xây dựng các nhà máy thủy điện và khu nghỉ mát ven biển sẽ gây xói mòn nghiêm trọng ở phố cổ Hội An, một di sản của UNESCO.
Quay trở lại TP.HCM, nơi tôi cực kỳ thân thuộc. Được mệnh danh là “Paris của phương Đông”, thành phố này nổi tiếng với những biệt thự có kiến trúc độc đáo được xây từ trước năm 1975, không ít công trình có niên đại từ thế kỷ XIX.
Một số công trình kiến trúc mang tính lịch sử đó đã bị phá hủy và được thay thế bằng những tòa nhà chọc trời hiện đại. Số còn sót lại không có sự công nhận chính thức về giá trị di sản, do đó không được bảo tồn đúng mực cũng như không được trùng tu, cải tạo hay khai thác, phát triển thành điểm đến du lịch.
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra, du khách có thu nhập cao rất chuộng du lịch di sản. Đồng thời những du khách này luôn ở lại tham quan lâu hơn, tham gia nhiều hoạt động văn hóa hơn và tiêu nhiều tiền hơn.
Các thành phố lớn trên thế giới như Rome (Italy) hay Frankfurt (Đức) đều có sự kết hợp giữa các công trình kiến trúc lịch sử và hiện đại. Tuy nhiên theo tôi thấy, Việt Nam đang bỏ ngỏ thị trường giàu tiềm năng này, bỏ ngỏ những di tích, công trình kiến trúc lịch sử mà mải mê chạy theo những tòa nhà chọc trời.
Các bảng xếp hạng, các khảo sát về nhu cầu của du khách quốc tế không phải lúc nào cũng phản ánh thực tế chuẩn xác nhất, nhưng ít ra chúng có thể hữu ích đối với ngành du lịch Việt Nam, vốn vẫn còn đang còn loay hoay định vị chính mình.
Tuy nhiên, sau tất cả, việc du lịch Việt Nam có tiếp tục phát triển và trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong tương lai hay không thì không chỉ tiền và các sáng kiến kỹ thuật có thể giải quyết được. Việt Nam cần lắng nghe du khách nhiều hơn, và bảo tồn những điểm nhấn đủ sức hấp dẫn lôi kéo họ quay trở lại.
Các bảng xếp hạng, các khảo sát về nhu cầu của du khách quốc tế không phải lúc nào cũng phản ánh thực tế chuẩn xác nhất, nhưng ít ra chúng có thể hữu ích đối với ngành du lịch Việt Nam, vốn vẫn còn đang còn loay hoay định vị chính mình.
Đây là thời điểm du lịch Việt Nam sẽ phải trả lời cho thật rõ ràng câu hỏi về bản sắc: Mình là ai? Và mình muốn trở thành ai?
#VOICES là chuyên mục mới của Zing.vn, quy tụ các bài quan điểm, góc nhìn sâu về chủ đề thời sự nóng. Các bài viết hướng tới sự khác biệt, văn minh, và lập luận dựa trên dữ liệu, chứng cứ.