Sáng 30/4, chị Trang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đôn đáo gọi điện đặt phòng khách sạn tại Hạ Long cho gia đình tham dự Carnaval 2016.
Chị Trang cho biết: “Sau nhiều cuộc điện thoại đặt phòng với bảng danh sách các khách sạn, nhà nghỉ được giới thiệu trên mạng, tôi đều nhận kết quả “cháy” phòng hoặc giá phòng nghỉ quá cao.
Cụ thể, tại khách sạn Alamo ở trung tâm Hòn Gai, lễ tân trả lời giá phòng thấp nhất 1,5 triệu đồng, trong khi ngày thường chỉ 400.000-500.000 đồng và hiện cũng đã hết phòng. Khách sạn 4 sao Ha Long Plaza ngay tại chân cầu Bãi Cháy cũng đã kín khách, giá phòng trung bình tại đây là 2,5 triệu đồng, trong khi ngày thường là 1 triệu đồng”.
Các khách sạn, nhà nghỉ ở TP Hạ Long đều "cháy" phòng và ra giá "cắt cổ" vượt gấp nhiều lần giá niêm yết. |
Chị Trang cũng cho biết, một số khách sạn còn vài phòng trống song chỉ có thể ở một đêm, trong khi nhu cầu của gia đình là phải ở liên tục 3 ngày. Nhà nghỉ khu vực Bãi Cháy cũng đã tăng giá đến một triệu đồng mỗi phòng, trong khi ngày thường chỉ 200.000-300.000 đồng. "Không đặt được khách sạn, gia đình tôi đành đi chơi xung quanh Hà Nội thay vì đến Hạ Long", chị Bình than phiền.
Khảo sát thực tế tình hình phòng ốc trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 tại Hạ Long, chiều 30/4, phóng viên đã đến gần 20 khách sạn, nhà nghỉ đóng trên địa bàn khu vực Bãi Cháy và Hạ Long, hai nơi trung tâm diễn ra Tuần lễ văn hóa du lịch và Carnaval với lượng du khách đổ về lớn để ghi nhận giá phòng.
Tại khách sạn Alamo nằm trên đường 25 tháng 4, phường Bạch Đằng (địa chỉ mà chị Trang phản ánh), chúng tôi được một nữ nhân viên lễ tân thông báo “hết phòng” nhưng lại gợi ý: “Còn phòng 2 giường nhưng giá 1,5 triệu đồng, anh có chịu không?”.
Một khách sạn sang trọng khác có tên Osaka nằm trên đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, có độ nhìn thoáng về phía vịnh Hạ Long cũng tăng giá theo ngày lễ. Một nhóm sinh viên đi xe máy đến hỏi phòng, nhân viên bảo vệ lập tức chặn xe và thông báo “hết phòng”.
Tuy nhiên, khi có một vị khách ngồi trên chiếc xe ô tô với mình qua cửa hỏi phòng thì lại nhận được câu trả lời “còn phòng VIP” với giá 850.000 đồng/phòng 3 người, 1,2 triệu đồng/4 người. Trong khi, giá phòng ngày thường tại khách sạn này chỉ dao động từ 450.000-500.000 đồng/phòng.
Bất chấp lợi nhuận, một số khách sạn, nhà nghỉ còn cố gắng nhồi khách vào một phòng để làm dư số phòng chờ cho thuê vì họ biết nhu cầu thuê nghỉ trong ngày lễ tại Hạ Long là rất cao.
Đơn cử như nhà nghỉ Hồng Ngọc có địa chỉ tại số 17, phố Đông Hồ, phường Hồng Hải. Tại đây, chủ nhà nghỉ thông báo với chúng tôi nhà còn 2 phòng (phòng đôi có giá 2 triệu đồng/đêm, phòng đơn có giá 1,2 triệu đồng) và ưu tiên cho nhóm khách đông người hoặc rủ người khác về ở cùng.
Để chứng minh, chủ nhà nghỉ mở quyển sổ ghi chép danh sách khách thuê phòng từ sáng đến chiều cho chúng tôi xem. Bà chủ này nói: “Những người đặt phòng sớm cũng đã thuê 1,5 triệu đồng/phòng/đêm. Có nhóm người đã thuê luôn 3 phòng để ở ghép cho đỡ tốn tiền. Nếu anh thuê phòng thì có thể rủ thêm người ở cùng và tôi sẵn sàng cho mượn một chiếc đệm để lót dưới sàn ngủ cho thoải mái”.
Khi chúng tôi thắc mắc giá phòng tăng gấp 5 lần so với ngày thường, bà chủ nhà nghỉ lý giải: “Cả năm Hạ Long mới có một ngày lễ lớn, chúng tôi đểu tranh thủ kiếm lời, cả dãy nhà nghỉ này đều thống nhất thế chứ không riêng chỗ tôi”.
Cùng chung “chí hướng” kiếm lời trong ngày lễ, hơn chục khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP Hạ Long mà PV khảo sát đều có giá thuê phòng trung bình từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, bất kể khách sạn tầm trung có phòng sạch đẹp hay nhà nghỉ nhỏ với phòng ốc cũ mèm, ẩm thấp và trong ngõ ngách. Mặc dù giá cao như vậy nhưng tất cả các khách sạn, nhà nghỉ tại TP. Hạ Long đều kín phòng và “không cân xứng” với những du khách hạn chế tài chính.
Bản thân chúng tôi, suốt từ chiều đến tối muộn, ngay cả khi lễ hội Carnaval Hạ Long kết thúc cũng không thể tìm được phòng trọ mong muốn với giá cao nhất có thể chịu được là 500 nghìn đồng.
Cuốn sổ ghi chép khách đặt phòng nhưng không ghi họ tên khách, chứng minh thư...thay vào đó là giá phòng cao. |
Mang những câu chuyện du khách bị ép giá phòng nghỉ khi đổ về Hạ Long tham dự lễ hội đến vị Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, Phạm Hồng Hà qua điện thoại, chúng tôi nhận được câu trả lời chớp nhoáng và “đanh thép” trước khi người lãnh đạo của thành phố du lịch này thằng thừng cúp máy không cho PV có cơ hội trao đổi phản ánh.
Ông Hà nói: “Ủy ban tỉnh đã chỉ đạo là bình ổn giá, thế nhưng quy luật cung – cầu và thẩm mỹ của từng đoàn rất khó kiểm soát. Không chịu được giá cả thì từ chối dịch vụ đi, tẩy chay những loại khách sạn vớ vẩn, lợi dụng lễ hội để kiếm lời đi. Phía chính quyền chỉ hướng dẫn, chỉ đạo chứ không thể áp đặt được. Du khách đừng có cái gì cũng đổ cho chính quyền hết, tự mình phải bảo vệ mình chứ”.
Trước đó, trả lời báo chí, một vi lãnh đạo khác của TP. Hạ Long là ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, thành phố đã coi tình trạng “chặt chém” du khách tuy không phải phổ biến nhưng là một vấn nạn của ngành du lịch, cần quan tâm chỉ đạo, kiểm tra xử lý nghiêm.
Chính vì thế, thời gian qua, TP đã tích cực giao nhiệm vụ cho lực lượng chức năng tăng cường liên tục công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về niêm yết giá, trong đó trực tiếp giao cho đội QLTT số 5 kiểm tra, giải quyết khiếu nại theo đường dây nóng.