Trong dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương, lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ở Thừa Thiên - Huế và các tỉnh, thành miền Trung tăng đột biến so với ngày thường; các cơ sở lưu trú đạt công suất phòng 70-80%, có nơi trên 90%. Đây là tín hiệu tốt cho ngành du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế sau thời gian dài dịch bệnh.
Khách du lịch tham quan Đại nội Huế. Ảnh: H.H. |
Khách sạn kín phòng
Theo thống kê của Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ, địa phương này đón trên 8.000 lượt khách trong 2 ngày 9-10/4; tổng khách lưu trú đã đặt phòng trong 5 ngày (ngày 8-12/4), khoảng 20.000 lượt. Công suất sử dụng phòng đạt 70-80%, một số khách sạn trên 90% hoặc hết phòng.
Bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc điều hành Alba hotel, cho biết sở dĩ số lượng khách du lịch có chiều hướng tăng đột biến trong dịp lễ giỗ Tổ vì họ suy nghĩ tình hình dịch không còn nghiêm trọng như trước đây, tâm lý người đi du lịch thoải mái hơn.
Tuy nhiên theo bà Mai, ngành dịch vụ du lịch vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào lượng khách nội địa, vào mùa lễ hội. Chỉ vào những dịp lễ mới có khách, công suất phòng mấy ngày đầu tháng rất tốt nhưng những ngày sau đó giảm sút, chỉ còn 30-40%.
Một số khách sạn có công suất đặt phòng hơn 90%. Ảnh: Dạ Lam. |
Bà Lê Thị Dạ Lam, Tổng quản lý Khách sạn nghỉ dưỡng Làng Hành Hương, cho biết lượng khách đến lưu trú chủ yếu là thị trường nội địa. Bên cạnh thời điểm dịp nghỉ lễ, theo bà Lam, chính cách làm truyền thông của ngành du lịch tỉnh đã tác động tích cực đến số lượng khách lưu trú .
"Trong dịp lễ này, công suất phòng của khách sạn đạt tới 90%. Trong đó, đặc biệt khách quốc tế chiếm 10-15%", bà Lam cho hay và đánh giá đây là một tín hiệu tốt mặc dù du lịch Việt Nam mới mở cửa, lượng khách quốc tế tăng trưởng còn chậm.
Bà Lam phân tích lượng khách Tây Ban Nha đi vào tháng 7-8 đến với khách sạn đang đặt tốt; riêng thị trường khách Đức, Anh thì chậm hơn nhiều. Vì vậy, để nói triển vọng về lượng du khách quốc tế thì rất khó dự đoán.
"Đến cuối năm, chúng ta sẽ nhìn rõ bức tranh du lịch của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng phải sang năm 2023 thì ngành du lịch mới có hy vọng chuyển biến tốt hơn", Bà Lam nhận định.
Cần phải làm du lịch bài bản hơn
Trao đổi với Zing, ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên - Huế, cho biết không riêng gì Huế, các địa phương có ngành du lịch mạnh như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc cũng tăng trưởng mạnh trong dịp lễ.
Lý giải cho vấn đề này, ông Thắng cho rằng kỳ nghỉ lễ trùng vào thời điểm dịch không còn căng thẳng, người dân bắt đầu đi du lịch nhiều. Với đà này, lượng khách sẽ còn tăng mạnh trong dịp lễ 30/4 vì nghỉ 4 ngày.
Du khách đi xích lô tham quan Huế. Ảnh: H.H. |
Đánh giá về triển vọng của ngành du lịch Huế, ông Thắng cho rằng địa phương đã có sự mạnh dạn mở cửa hơn. Sau khi tình hình dịch tạm lắng, Huế là một trong những địa phương tiên phong mở cửa.
"Thừa Thiên - Huế đã đưa ra nhiều quyết sách về du lịch như nhiều lễ hội (khách lễ hội), du lịch cộng đồng…Tuy nhiên, theo tôi cần phải làm bài bản, bền vững hơn. Hiện các lễ hội còn manh mún, nhỏ lẻ, không có sức hút đối với du khách", Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên - Huế chia sẻ.
Tuy nhiên theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên - Huế, khi tổ chức lễ hội thì tỉnh cần tổ chức bài bản, quy mô và cần có chương trình "đinh" hơn là tổ chức theo kiểu dàn trải.
Theo đó, địa phương chỉ cần tập trung đầu tư có trọng điểm các lễ hội, không dàn trải để nâng tầm, thu hút khách nhiều hơn. Ngoài ra, ngành du lịch địa phương cần tăng cường quảng bá tốt hơn nữa về du lịch trên tất cả các phương tiện đại chúng để người ta biết đến Huế nhiều hơn.
Nhận định về thị hiếu khách du lịch sau đại dịch, ông Thắng cho rằng thời điểm trước và sau dịch thì thị trường, nhu cầu khách du lịch sẽ khác. Người dân không đi theo đoàn đông mà đi theo nhóm, gia đình và hướng về du lịch xanh, nghỉ dưỡng, khám phá và không lưu trú dài ngày. Đây là điều mà ngành du lịch cần tái cơ cấu để nắm bắt thị trường.
Đánh giá về những tín hiệu tích cực của ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho rằng nhờ vào chủ trương mạnh dạn mở cửa các hoạt động du lịch gần của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch. Ngoài ra, sự hưởng ứng nhanh và cụ thể hóa với các chính sách kích cầu, hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh và ngành du lịch địa phương cũng góp phần thúc đẩy sự hồi phục của ngành du lịch.