Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Khách sạn Mumbai’ tái hiện chân thực vụ khủng bố đẫm máu tại Ấn Độ

Nỗ lực khắc họa sự tàn bạo và đau thương của vụ khủng bố gây chấn động tại Ấn Độ năm 2008, nhưng “Hotel Mumbai” còn mang nhiều hơi hướm của một tác phẩm tài liệu.

Trailer bộ phim 'Khách sạn Mumbai: Thảm sát kinh hoàng' Tác phẩm điện ảnh dựa trên bi kịch có thật tại thành phố Mumbai, Ấn Độ vào năm 2008.

Thể loại: Hành động, giật gân
Đạo diễn: Anthony Maras
Diễn viên chính: Dev Patel, Armie Hammer, Nazanin Boniadi, Tilda Cobham-Hervey, Anupam Kher, Jason Isaacs
Zing.vn đánh giá: 7/10

review phim Khach san Mumbai anh 1
Hotel Mumbai là bộ phim dựa trên câu chuyện thảm sát kinh hoàng có thật hồi 2008 tại Mumbai, Ấn Độ.

Nội dung Hotel Mumbai xoay quanh vụ khủng bố gây rúng động năm 2008 tại trung tâm kinh tế, giải trí hoành tráng bậc nhất Ấn Độ là thành phố Mumbai.

Bắt đầu từ tối 26/11 cách đây 11 năm, một nhóm tay súng thực hiện hàng loạt vụ tấn công đẫm máu tại nhiều nơi đông đúc dân cư qua lại như nhà ga, quán ăn, khu mua sắm…

Dòng người chạy nạn nhanh chóng đổ về khách sạn hạng sang có tên Taj Mahal. Nhưng một vài tên khủng bố đã nhân cơ hội để lẻn vào trong và bắt đầu xả súng vào các nhân viên lễ tân, du khách xấu số.

Khu nghỉ dưỡng được mệnh danh là xa hoa bậc nhất Ấn Độ nhanh chóng trở thành địa ngục trần gian khi gần 2.000 con tin kẹt dưới họng súng của bọn thủ ác.

Tái hiện sự kinh hoàng của bi kịch khủng bố

Dựa trên sự kiện có thật từng gây chấn động cả thế giới, đạo diễn Anthony Maras không hề ngần ngại trong việc đưa những cảnh bắn giết dã man lên màn ảnh rộng. Nỗi sợ bao trùm toàn bộ tác phẩm khi những bọn khủng bố thẳng tay tàn sát nạn nhân mà gương mặt chẳng hề biến sắc.

Chúng giả làm lễ tân khách sạn, gõ cửa từng phòng và giết sạch tất cả trong tầm mắt, dù là phụ nữ, người già hay thậm chí trẻ em. Hình ảnh xác chết nằm la liệt, đôi mắt đầy sợ hãi của người sống sót, hay tiếng khóc than của gia đình các nạn nhân, khiến khán giả cảm thấy thực sự nhói lòng.

review phim Khach san Mumbai anh 2
Bi kịch khủng bố tại Mumbai, Ấn Độ hiện lên rất chân thực và kịch tính trên màn ảnh lớn.

Tác phẩm lồng ghép nhiều thước phim tư liệu một cách khéo léo để những tình tiết trong phim trở nên thêm chân thực và đáng sợ hơn gấp nhiều lần. Hotel Mumbai thực tế đã làm rất tốt trong việc tạo kịch tính với hình ảnh những nạn nhân yếu đuối, tay không tấc sắt tìm cách trốn khỏi kẻ thủ ác khát máu.

Không khí căng thẳng đến ngộp thở bao trùm xuyên suốt khi những bước chân hay tiếng súng ngày một cận kề. Đôi khi, sự sống và cái chết chỉ cách nhau đúng một cánh cửa.

Nhiều chất tài liệu hơn là điện ảnh

Với nguyên tác là bộ phim tài liệu Surviving Mumbai, Hotel Mumbai đã làm rất tốt việc khắc họa hình ảnh nhiều số phận và lối hành xử khác nhau trong thời khắc thảm họa.

Như chàng lễ tân Arjun (Dev Patel) cùng nhiều nhân viên khách sạn đã dũng cảm ở lại bảo vệ những du khách không quen biết, dù họ còn vợ và con nhỏ ở nhà.

Người chồng David (Armie Hammer) không ngại mọi nguy hiểm chỉ để giải cứu vợ và đứa con sơ sinh khỏi họng súng kẻ thù. Vị bếp trưởng Hemant Oberoi (Anupam Kher) dù trong tình thế hiểm nghèo vẫn cố gắng trấn an và phục vụ khách hàng tốt nhất có thể.

Tay doanh nhân người Nga kiêu căng Vasili (Jason Isaacs) hóa ra lại biết xả thân vì người khác, còn quý bà Wynn (Carmen Duncan) lại lớn tiếng đánh đồng người Ấn Độ với bọn khủng bố... Sự hèn nhát, hoảng loạn hay dũng cảm đối diện với cái chết đều được thể hiện rõ nét trong phim.

review phim Khach san Mumbai anh 3
Muôn mặt số phận hiện lên khi bi kịch xảy ra. Nhưng bộ phim vẫn còn mang hơi hướm của một tác phẩm tài liệu.

Tuy nhiên, đạo diễn Anthony Maras dường như quá tham lam trong việc khai thác nguyên liệu gốc. Thay vì những lát cắt mỏng như Titanic (1997) - một tác phẩm khác khai thác đề tài thảm họa, bộ phim lại chia quá nhiều thời lượng cho các nhân vật không tên tuổi, để rồi họ bị giết một cách lãng xẹt đến khó hiểu.

Không những thế, diễn viên chính trong Hotel Mumbai còn phải chia sẻ thêm đất diễn cho tuyến phản diện. Kết quả là các nhân vật then chốt đều không được phát triển đến nơi đến chốn, cũng như thiếu điểm nhấn để có thể ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Các tuyến truyện liên tục thay đổi, ngắt quãng, khiến cho mạch cảm xúc của người xem có thể bị rối loạn. Cuối cùng, tác phẩm không có một phút giây nào thực sự lắng đọng để lấy đi nước mắt người xem.

Dàn diễn viên chính nhạt nhòa

Cũng vì không có đất “dụng võ”, những cái tên đình đám như Armie Hammer, Dev Patel hay Jason Isaacs chỉ dừng lại ở mức tròn vai với mô-típ người hùng quen thuộc. Điểm nhấn diễn xuất của phim thực tế lại đến từ Amandeep Singh trong vai tay khủng bố Imran.

Vốn gây phẫn nộ xuyên suốt thời lượng và tỏ ra lạnh lùng trong việc giết chóc, những kẻ thủ ác, đặc biệt là Imran, hóa ra cũng chỉ là người bình thường với gia cảnh nghèo khó, có cha mẹ và con cái ở nhà.

review phim Khach san Mumbai anh 4
Đất diễn dành cho các ngôi sao trong phim là không quá nhiều.

Họ chỉ vì lời hứa về tiền bạc hay bị chiêu dụ nhân danh tôn giáo mà bước vào con đường tội lỗi. Giây phút yếu lòng của nhân vật khi trò chuyện với gia đình mang nhiều ý nghĩa về cuộc sống, cũng như cách mà con người đối xử tàn bạo với nhau nhân danh dân tộc hay tôn giáo.

Nhìn chung, Hotel Mumbai đã mang đến cái nhìn chân thực và tàn khốc về vụ khủng bố năm 2008. Bộ phim đã làm tốt yếu tố kịch tính, nhưng chưa đủ đẩy cảm xúc khán giả lên cao như một tác phẩm điện ảnh.

Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Bi Rain tỏa sáng trong câu chuyện xúc động về chiến tranh Triều Tiên

Tái xuất màn ảnh sau nửa thập kỷ vắng bóng, ông xã của Kim Tae-hee gây ấn tượng bằng màn trình diễn thuyết phục trong tác phẩm lịch sử kết hợp yếu tố thể thao “Um Bok Dong”.


Hạ Tuyết

Ảnh: GXY

Bạn có thể quan tâm