Ngày 20/10, ĐH RMIT đã tổ chức diễn đàn "Du lịch và Khách sạn Việt Nam - Quản trị trong thời điểm bất thường và con đường phía trước". Nội dung chính của cuộc thảo luận là bàn về hiện trạng của thị trường khách sạn, đồng thời vạch ra hướng đi phục hồi hậu Covid-19.
Tình hình khó khăn của du lịch Việt
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho biết do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, lượng du khách nội địa Việt Nam giảm 16% và doanh thu du lịch 9 tháng đầu năm giảm 41% so với cùng kỳ năm trước.
"Dịch vụ lưu trú, các công ty lữ hành và dịch vụ du lịch đã ngừng hoạt động hoặc tạm thời đóng cửa vì hầu hết chuyến bay quốc tế và nội địa đều bị hủy/gián đoạn đáng kể do hạn chế về du lịch. Tỷ lệ lấp đầy phòng của các dịch vụ lưu trú khoảng 20% vào năm 2020 và dưới 10% trong năm 2021", ông Siêu nói.
Ông Hà Văn Siêu nhận định về tình hình khó khăn của du lịch Việt và các đơn vị kinh doanh khách sạn. Ảnh: ĐH RMIT. |
Trong khi đó, PGS Nguyễn Quang Trung, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Quản trị tại khoa Kinh doanh và Quản trị (ĐH RMIT) nhận định 2 năm dịch là khoảng thời gian thách thức với ngành khách sạn, du lịch.
Để miêu tả về du lịch Việt suốt 2 năm qua, nhiều chuyên gia nhận xét ngắn gọn trong 2 từ "ảm đạm". Các con số đều sụt giảm nặng nề, đối lập với giai đoạn phát triển mạnh hồi năm 2019.
Khi đợt dịch thứ 4 đang dần qua đi, nguồn lực của nhiều doanh nghiệp cũng cạn kiệt. Du lịch Việt đang trong thời kỳ "chạm đáy". Khó khăn bao trùm toàn ngành và những đơn vị kinh doanh khách sạn cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.
Thị trường khách sạn cao cấp vẫn sống
Thị trường khách sạn cao cấp tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế quốc gia. Đây cũng là phân khúc thị trường quan trọng của các đô thị lớn đang phát triển ở Việt Nam.
Chia sẻ tại diễn đàn do ĐH RMIT tổ chức, các đơn vị kinh doanh khách sạn cao cấp cho biết họ vẫn đang sống sót nhờ những thay đổi kịp thời. Đa số cho rằng công nghệ và những kế hoạch chủ động đã giúp doanh nghiệp vượt qua chuỗi ngày dịch khó khăn.
Thay đổi là cách giúp các khách sạn cao cấp sống sót. Ảnh: The Shutterwhale. |
Tổng giám đốc InterContinental Hanoi Landmark72, ông Patrick Verove, chia sẻ: "Vào thời điểm bất ổn, chúng tôi vẫn đảm bảo với khách hàng họ có thể tin tưởng vào chúng tôi ở các mặt như sự linh hoạt, sạch sẽ, an toàn và ưu tiên sức khỏe. Đối mặt với việc đóng cửa tạm thời và nhu cầu thấp, chúng tôi đã xác định ra các cách thay đổi hoạt động để cải thiện lợi nhuận, bảo vệ dòng tiền, áp dụng giải pháp số tối tân và huấn luyện tư duy phát triển cho nhân viên".
Câu chuyện công nghệ hiện đại và dịch vụ ít chạm cũng được ông Christoph Strahm, Tổng giám đốc Khách sạn Capella, đồng tình. Đại diện khách sạn này nói đây là cách họ đặt an toàn của khách lưu trú lẫn nhân viên lên hàng đầu.
Giải pháp nào cho các khách sạn Việt
Việt Nam đang dần nới lỏng các lệnh hạn chế do đại dịch và đưa nền kinh tế đi vào hoạt động trở lại bằng những biện pháp phục hồi và kích cầu. Ngành du lịch được kỳ vọng cũng sẽ từng bước đi lên.
Trong bối cảnh mới, sự thay đổi là điều tất yếu phải xảy ra. Suốt 2 năm ảnh hưởng vì dịch, xu hướng của du khách đã thay đổi. Đây là thứ các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt trong ngành khách sạn, cần quan tâm. Những chiến lược phát triển phải phù hợp với nhu cầu du lịch kiểu mới.
Những trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, tốt cho sức khỏe được du khách yêu thích. Ảnh: iVIVU. |
"Du lịch nội địa sẽ tăng mạnh. Lượng lớn du khách tìm đến đến các điểm đến xanh như bãi biển, núi, rừng, công viên quốc gia, tiếp sau là các điểm văn hóa, lịch sử và giải trí.
Doanh nghiệp kinh doanh khách sạn và du lịch nên đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm mới. Các sản phẩm cần tập trung vào sức khỏe, an toàn, thiên nhiên và những trải nghiệm đích thực", ông Siêu nhấn mạnh.
Quan điểm của đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam đã được chứng minh qua nhiều cuộc khảo sát. Ví dụ, trong cuộc khảo sát hồi tháng 9 từ nền tảng đặt phòng trực tuyến Agoda, du lịch biển và khám phá thiên nhiên chính là điều được du khách Việt quan tâm nhất.
Lý giải sự lựa chọn này, du khách chia sẻ mong muốn có những phút giây thư giãn bên bãi biển và dành nhiều thời gian chất lượng cho gia đình. Sự gần gũi với thiên nhiên mà những trải nghiệm bên người thân sau chuỗi ngày "xa mặt cách lòng" vì dịch là yếu tố được nhiều du khách thực sự quan tâm.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch Việt Nam trong những năm gần đây rất phát triển. Đặc biệt năm 2019 có thể coi là giai đoạn đỉnh cao. Dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến ngành kinh tế "không khói" này bị khủng hoảng nặng nề.
Việt Nam từng có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhưng hiện nay, 30% trong số các doanh nghiệp đó đã đóng cửa, 30% khác có sự chuyển đổi và chỉ còn 5- 10% các doanh nghiệp du lịch còn có những hoạt động.
Đây cũng là thực trạng chung của các doanh nghiệp du lịch trên toàn thế giới, không riêng Việt Nam. Du lịch có thể đã lùi lại 10-20 năm. Điều lo ngại nhất là lực lượng lao động trong lĩnh vực này phần lớn đã nghỉ việc. Chỉ có một số doanh nghiệp giữ lại lực lượng nòng cốt dù không làm việc. Trên 90% lao động du lịch không còn làm việc trong thời gian qua.
Có thể nói, ngành du lịch đã "ngủ đông" rất dài. Tuy nhiên, thiệt hại này cũng có thể làm cho ngành du lịch và các ngành kinh tế khác có chuyển biến, thay đổi trong thời gian tới.