![]() |
Giới chức địa phương cho biết từ nay đến hết 31/8, khu vực bơi lội dọc sông Seine trong thành phố có thể đón hơn 1.000 người mỗi ngày. Ảnh: Reuters. |
Sau thời gian dài ô nhiễm, sông Seine - tuyến đường thủy biểu tượng của Paris (Pháp) - chính thức mở cửa đón khách trở lại nhờ dự án làm sạch trị giá 1,4 tỷ euro, từng giúp sông đủ tiêu chuẩn tổ chức các môn thi Olympic Paris 2024.
3 khu vực bơi lội mới sẽ mở cửa vào 6/7, kéo dài từ gần Nhà thờ Đức Bà, tháp Eiffel cho tới phía đông Paris. Trước đó, bơi ở sông Seine từng bị cấm từ năm 1923 vì ô nhiễm và giao thông đường thủy. Kể cả việc ngâm mình bên ngoài khu vực tắm cũng bị cấm vì vấn đề an toàn.
Dòng sông này vốn là tâm điểm Olympic Paris 2024, từ lễ khai mạc cho tới các môn ba môn phối hợp và bơi marathon. Thời tiết thất thường từng khiến các cuộc thi gặp khó khăn do mưa lớn làm tăng mức vi khuẩn.
![]() |
Bên cạnh 3 địa điểm trong lòng Paris, có thêm 14 khu vực bơi lội khác được thiết lập dọc sông Seine và sông Marne, nằm ngoài phạm vi thủ đô. Riêng hai khu vực trên sông Marne đã chính thức mở cửa từ tháng 6. Ảnh: Reuters. |
Chính quyền Paris cho biết các kết quả kiểm tra nước đã đạt tiêu chuẩn châu Âu từ đầu tháng 6. Phó thị trưởng Paris Pierre Rabadan tiết lộ nước sông được kiểm tra hàng ngày, sử dụng cờ báo hiệu giống các bãi biển Pháp: xanh lá cho phép bơi, đỏ báo nguy hiểm.
“Chúng tôi tuân thủ đầy đủ quy định, chỉ có 2 lần ngoại lệ vì mưa lớn và tàu thuyền gây ô nhiễm”, ông nói, đồng thời thừa nhận điều kiện thời tiết vẫn là yếu tố khó lường.
Dù vậy, không ít chuyên gia vẫn hoài nghi. Dan Angelescu, Giám đốc công ty giám sát nước Fluidion, cảnh báo chất lượng nước sông Seine rất thất thường, phương pháp kiểm tra hiện nay có thể chưa phản ánh đầy đủ rủi ro vi khuẩn.
“Chỉ có vài ngày trong mùa bơi mà tôi đánh giá chất lượng nước đủ an toàn để bơi. Khoa học hiện tại không hoàn toàn ủng hộ đánh giá an toàn nước như cách mà chính quyền đưa ra", ông nói.
Năm 2024, trong thời gian diễn ra Thế vận hội, một số vận động viên gặp triệu chứng như buồn nôn, nôn và tiêu chảy sau các cuộc thi bơi đường dài trên sông Seine. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp đều không xác định rõ liệu nguyên nhân có liên quan trực tiếp đến nước sông hay không.
![]() |
Người dân và du khách bơi tại bãi tắm an toàn Bras Marie. Ảnh: Reuters. |
Vận động viên Daniel Wiffen (người Ireland đại diện cho Đan Mạch), từng giành huy chương tại Thế vận hội, được xem là một trong những trường hợp bị bệnh nặng nhất sau khi bơi ở sông Seine. Anh phải nhập viện và không thể tham dự lễ bế mạc để cầm cờ cho đoàn thể thao nước mình. Chia sẻ về trải nghiệm bơi trên sông Seine, anh thẳng thắn gọi đó là “trải nghiệm kỳ lạ nhất” trong sự nghiệp thi đấu.
Một số người dân Paris cũng không mấy mặn mà. Enys Mahdjoub, nhân viên môi giới bất động sản, chia sẻ: "Tôi không sợ bơi, nhưng vẫn cảm thấy ghê. Tôi lo bị bẩn nhiều hơn là sợ bệnh".
Trong khi đó, những người lạc quan lại xem đây là khoảnh khắc lịch sử. Huấn luyện viên Lucile Woodward, người sẽ tham gia cuộc bơi nghiệp dư đầu tiên, gọi đây là “khoảnh khắc mang tính biểu tượng”. Ông khẳng định “khi thấy hàng trăm người vui vẻ bơi lội, mọi người sẽ muốn xuống nước”.
Đến hết tháng 8, các khu vực bơi sẽ mở miễn phí trong khung giờ nhất định, yêu cầu độ tuổi tối thiểu từ 10 hoặc 14 tùy nơi, với đội cứu hộ túc trực.
Clea Montanari, một giám đốc dự án, chia sẻ đầy hy vọng: "Đây là giấc mơ thành hiện thực. Nếu một ngày nước sông đủ sạch để uống, đó sẽ là điều tuyệt vời. Nhưng hiện tại, chỉ cần được bơi trong đó thôi đã quá tuyệt rồi".
Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.
> Xem thêm: Travel blogger Đinh Hằng: Thật khó để cô đơn khi du lịch một mình