Nữ du khách Australia và bạn trai tự tin băng qua đường. |
"Không thể đoán trước họ định lái xe hướng nào", Olgy, nữ du khách người Ba Lan nói khi được hỏi về việc tham gia giao thông ở Việt Nam. Olgy không phải là thiểu số.
Phải thật bình tĩnh
Đó là kinh nghiệm sống còn của nhiều người nước ngoài khi lần đầu qua đường ở Việt Nam. Olgy đã học được điều này chỉ sau vài ngày đến TP.HCM du lịch. Cô và bạn trai thường đi bộ do các điểm đến không quá xa. Mặt khác, nữ du khách cũng không hiểu cách thức hoạt động của những phương tiện công cộng.
Olgy nói giao thông ở Ba Lan trật tự và hiện đại hơn. Mọi người cũng không chạy ôtô nhiều do đường khá nhỏ. Đa số sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp hoặc scooter. TP.HCM thực sự là một thế giới khác trong mắt du khách này.
Du khách Ba Lan bối rối vì cách tham gia giao thông của người địa phương. |
Cô kể mình thường phải phán đoán để biết người lái xe sẽ làm gì. Tuy nhiên, Olgy phải chấp nhận thực tế mình không thể làm vậy vì người địa phương di chuyển khá tùy hứng. Một số còn chạy rất nhanh. Đôi khi, đi được nửa đường, Olgy phải đứng im hoặc lùi lại để chờ xe chạy qua mới dám sang đường bên kia.
Chung trải nghiệm, Caroline, nữ du khách cao tuổi người Scotland, nhận xét giao thông ở TP.HCM khá hỗn loạn. Mọi người dường như luôn trong tình trạng bận rộn.
"Tôi hơi sợ mỗi khi sang đường ở những đoạn không có đèn giao thông. Nhiều người chạy xe băng băng, không hề giảm tốc độ khi tới gần vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Tôi chỉ có cách đi thật chậm qua đường, để người chạy xe chủ động tránh", Caroline kể lại những giây phút căng thẳng khi qua đường ở TP.HCM.
Nhiều khách nước ngoài khá e dè khi sang đường. |
Do bà và chồng đều có tuổi, cả hai ưu tiên chọn taxi để di chuyển vì sự tiện lợi, chi phí rẻ. Với những điểm đến gần, cả hai có thể đi bộ. Dù sợ sang đường ở TP.HCM, Caroline cho biết mình cũng đã bắt nhịp với cách di chuyển của người địa phương. Theo nữ du khách, khi đã hiểu, mọi người sẽ thấy đây là nét văn hóa thú vị.
Hỗn loạn nhưng vui
Đó cũng là suy nghĩ của nhiều người nước ngoài trẻ tuổi như Mikaela, du khách Australia. Cô đang du lịch Việt Nam cùng bạn trai. Cả hai thừa nhận giao thông ở đây thực sự tuyệt, thậm chí còn hơn cả Australia.
Với nhiều người, cảnh xe máy luồn lách thực sự là nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, Mikaela nghĩ khác. Cô thừa nhận mình ước được làm như vậy ở Australia để thoát khỏi cảnh tắc đường. Tại xứ sở chuột túi, mọi người chủ yếu tham gia giao thông bằng ôtô. Vì thế, khi xảy ra ùn tắc, tất cả đều kẹt cứng.
"Đường phố của các bạn có hơi 'điên' thật nhưng tôi thích điều đó. Tôi không phải kiểu người thích những gì quá quy củ. Ở đây, tôi thấy mọi người đi xe khá tùy hứng", Mikaela nói.
Sự hỗn loạn của đường phố Việt Nam là điều Mikaela yêu thích. |
Cô cũng không sợ việc sang đường dù nữ du khách cũng đã chứng kiến cảnh một số người không thèm dừng lại khi có đèn đỏ. Trong tình huống đó, Mikaela chọn cách chờ bớt xe, đi thật chậm và dứt khoát như những người dân địa phương.
Vojtech Ferby đến từ CH Czech. Lần thứ 3 tới Việt Nam, anh chọn TP.HCM làm điểm dừng chân. Ferby và nhóm bạn đang ngồi uống bia tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1). Cả bốn người khá hào hứng khi được "trải lòng" về giao thông ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng sau 3 lần ghé thăm.
Ferby chia sẻ: "Giao thông ở Việt Nam khá hỗn loạn nhưng tôi thích điều đó. Để tham gia giao thông ở Việt Nam, hiểu luật thôi chưa đủ. Một số người địa phương không tuân thủ luật nên bạn cần phải hiểu cả văn hóa chạy xe của người dân nữa".
Do đã có kinh nghiệm, Ferby không gặp trở ngại gì khi băng qua đường. Kinh nghiệm đúc kết của anh là "cứ đi thẳng, không dừng lại giữa chừng và không đi quá nhanh". Du khách CH Czech nói người nước ngoài tới Việt Nam chỉ cần tập 1-2 lần để quen với cách tham gia giao thông ở đây. Nó thực sự không khó như mọi người hay nghĩ.
Ferby (thứ 2 từ trái sang) nhận xét giao thông ở CH Czech quy củ hơn tại Việt Nam. |
Theo Ferby, xe máy là sự khác biệt của đường phố Việt Nam. Tại Cộng hòa Czech, mọi người không chạy quá nhanh, không vượt đèn đỏ và ít xe máy.
"Tôi nghĩ xe máy là nguyên nhân chủ yếu khiến đường sá ở Việt Nam lộn xộn. Lần trở lại Việt Nam này, tôi thấy tình trạng giao thông khá hơn nhiều so với trước. Mọi người chạy xe có quy củ hơn, ít thấy trường hợp vượt đèn đỏ", anh kết luận.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.