Du khách Trung Quốc tại sân bay quốc tế Jomo Kenyatta ở Nairobi (châu Phi). Ảnh: Xinhua. |
Theo dữ liệu từ Sabre, trước đại dịch Covid-19, du khách Trung Quốc đã đóng góp 245 tỷ USD cho du lịch toàn cầu với hơn 166 triệu chuyến bay quốc tế. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch quốc tế nhưng lại là nỗi lo đối với bài toán bảo vệ môi trường.
Khoảng cách từ ý thức đến hành động
Trong báo cáo mới nhất của công ty tư vấn quản trị doanh nghiệp McKinsey và công ty du lịch đa quốc gia Trip.com về tác động môi trường của ngành du lịch Trung Quốc, hơn 60% trong số 5.457 du khách Trung Quốc từ 13 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Saudi Arabia được hỏi, cho biết họ nhận thức được du lịch bền vững rất quan trọng.
Tuy nhiên, chỉ 20% du khách Trung Quốc đồng ý trả thêm 2% cho loại vé máy bay ít phát thải CO2, xếp hạng gần cuối trong số các quốc gia được khảo sát.
Đoàn Trung Quốc qua Việt Nam sau biên giới mở cửa trở lại. Ảnh: Ngọc Tân. |
Theo công ty McKinsey, tác động đến môi trường của ngành du lịch Trung Quốc là rất lớn. Năm 2019, Trung Quốc có khoảng một tỷ chuyến bay nội địa và hơn 150 triệu chuyến bay quốc tế.
Các chuyến bay nội địa này thải ra khoảng 800 megaton CO2, tương đương một triệu tấn thuốc nổ. Điều đặc biệt là lượng CO2 mà các chuyến bay nội địa thải ra chỉ chiếm 6-8% tổng lượng khí thải CO2 của Trung Quốc.
Cũng theo báo cáo, ngoài lượng khí thải CO2 từ ngành hàng không, việc tiêu thụ nước và thức ăn từ hoạt động du lịch cũng rất đáng lưu tâm.
Trong năm 2019, khách du lịch nội địa Trung Quốc tiêu thụ 7-8 tỷ m3 nước. Lượng nước này đủ để lấp đầy 6 triệu bể bơi Olympic.
Ngoài ra, du khách Trung Quốc tạo ra 12-14 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, đủ để bao phủ 3.600 sân bóng đá nếu được trải phẳng.
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), chính sách mở cửa du lịch trong và ngoài nước sẽ đưa Trung Quốc trở thành thị trường du lịch quốc tế lớn nhất vào năm 2032. Điều này làm cho bài toán du lịch bền vững trở nên cấp bách hơn.
Lựa chọn “xanh”
Jonathan Woetzel, đối tác cấp cao của McKinsey, cho biết ngành du lịch Trung Quốc đủ lớn để dẫn đầu việc thúc đẩy các chương trình về du lịch bền vững. Khi biên giới mở trở lại, du khách Trung Quốc hoàn toàn có thể lựa chọn các giải pháp du lịch giảm thiểu dấu chân carbon (dấu chân carbon là tổng lượng khí nhà kính, chủ yếu là CO2 được thải vào môi trường từ hoạt động của con người).
Theo McKinsey, việc thay đổi thói quen du lịch của du khách Trung Quốc có thể giảm 10-20% dấu chân carbon.
Báo cáo của McKinsey cũng đề xuất du khách Trung Quốc nên từ chối sử dụng đồ nhựa dùng một lần và tiết kiệm nước.
Để đáp ứng mục tiêu dài hạn không phát thải ròng của Trung Quốc, Trip.com cho biết công ty sẽ phối hợp với các đối tác tung ra hơn 10.000 sản phẩm du lịch ít CO2, chẳng hạn các chuyến cắm trại và đi bộ đường dài (trekking), các chuyến bay cân bằng lượng CO2… để thu hút ít nhất 100 triệu khách du lịch.
Hơn nữa, ông Woetzel cho biết bài toán môi trường không chỉ nằm ở khách du lịch. “Để đảm bảo thay đổi dài hạn cần có sự hợp tác giữa các tác nhân trong toàn bộ ngành du lịch, từ khách sạn, đại lý du lịch đến các nhà đầu tư xanh, nhà cung cấp công nghệ”, ông nói.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.