Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Khách Việt chi hàng trăm triệu đồng đi Thụy Sĩ, Hà Lan chạy bộ

Những cung đường chạy ở Việt Nam không còn mới mẻ sau vài năm thịnh hành. Khách Việt tìm kiếm những giải chạy quốc tế, chi hàng trăm triệu đồng cho những chuyến race-cation ở nước ngoài.

Nữ du khách Việt chinh phục cự ly 55 km trên dãy Alps huyền thoại. Ảnh: Mỹ Hằng.

Bắt đầu tham gia phong trào chạy bộ từ 6 năm trước, Tiến Nguyễn (sống tại TP.HCM) lần lượt chinh phục từ cự ly 5 km rồi tăng dần lên 10 km, 21 km, 42 km, 70 km và 100 km. Ngày 3/12, runner này sang Thái Lan, tham gia giải chạy địa hình Chiang Mai by UTMB ở cự ly 100 miles (khoảng 160 km), diễn ra ngày 5-8/12.

"Tôi từng tham gia rất nhiều giải chạy lớn nhỏ ở khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Khi những cung đường chạy trong nước không mới mẻ, tôi chợt nảy ra suy nghĩ 'sao mình không thử kết hợp chạy và du lịch ở nước ngoài'?". Tiến chia sẻ.

Từ đó, nam runner bắt đầu tìm hiểu và đã chinh phục nhiều đường chạy trên thế giới tại các giải như Taipei Marathon (Đài Loan, Trung Quốc), Seoul Marathon (Hàn Quốc), Stockholm Marathon (Thụy Điển) và nhiều giải lớn, nhỏ khác.

Nâng thử thách

Phong trào chạy bộ tại Việt Nam sôi động suốt nhiều năm qua. Không chỉ dừng lại ở việc chạy bộ để rèn luyện sức khỏe, nhiều người trẻ còn biến việc chạy bộ hành một lối sống, một niềm đam mê và là một cách để khám phá thế giới. Xu hướng "race-cation" - chạy bộ kết hợp với du lịch - trở nên phổ biến hơn, từ những giải chạy trong nước đến thử thách, trải nghiệm mới trên đường đua quốc tế.

Bén duyên với chạy bộ trong khoảng 2 năm nay, Mỹ Hằng (sống tại TP.HCM) đã có cơ hội tham gia một số giải chạy trong và ngoài nước. Đầu tháng 9, cô chinh phục cự ly 55 km tại giải Ultra Trail Mont Blanc ở khu vực dãy Alps với cung đường đi qua 3 quốc gia Pháp, Italy và Thụy Sĩ.

Trước đó, khi được bạn bè rủ tham gia giải Bali Trail Running Ultra hồi tháng 7/2023 tại Indonesia, Hằng vội đồng ý vì đây là nơi cô chưa từng đặt chân đến dù bản thân chưa có kinh nghiệm chạy trail (chạy kết hợp leo núi).

"Thay vì được ngồi xe jeep lên đỉnh khám phá núi lửa, tôi cùng bạn bè chạy bộ băng qua những con đường dốc đầy sỏi đá, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của Bali. Lần đầu chạy trail trên địa hình khó khiến tôi mất khoảng 6,5 tiếng đồng hồ để hoàn thành cự ly 25 km", nữ runner chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô còn có cơ hội khám phá những bãi biển đẹp, ghé thăm những ngôi đền, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực tại Bali. Việc kết hợp cả 2 sở thích khiến chuyến đi của cô thêm trọn vẹn.

Khi đi race-cation, Hằng chỉ đăng ký những cự ly vừa sức để sau khi hoàn thành giải cô vẫn có thể thoải mái du lịch, trải nghiệm và khám phá điểm đến.

Trong lần tham gia giải Ultra Trail Mont Blanc, nữ du khách đến sớm để thích nghi với thời tiết, kết hợp ghé thăm nhiều điểm đến nổi tiếng như tháp Eiffel, bảo tàng Louvre ở Paris trước giải. Trên đường chạy, nữ runner đi qua nhiều thị trấn, làng nhỏ với lối kiến trúc cổ kính, ngắm nhìn những đồng cỏ núi cao với hoa dại nở rực rỡ, xa xa là khung cảnh núi non hùng vĩ tuyệt đẹp.

Sau khi hoàn thành giải, Hằng tiếp tục ghé thăm Thụy Sĩ, Italy, Hà Lan, Vatican và Cộng hòa Séc. Nữ du khách chi khoảng 120 triệu đồng cho chuyến race-cation kéo dài 2 tuần tại châu Âu.

Trong khi đó, Nhân Trần (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) có mặt tại nhiều giải chạy trên thế giới như Boston Half Marathon và Chicago Marathon (Mỹ), Seoul Marathon (Hàn Quốc), Berlin Marathon (Đức)... sau gần 10 năm chạy bộ. Tuy nhiên, nội dung 3 môn phối hợp (triathlon) lại cho anh nhiều trải nghiệm đáng nhớ hơn trong các chuyến race-cation, đặc biệt là lần thi đấu ở Australia.

race-cation anh 9

Runner Nhân Trần trong giải Chicago Marathon. Ảnh: Nhân Trần.

"Trong chặng bơi ở biển, tôi được đắm mình trong làn nước trong vắt, chiêm ngưỡng những rạn san hô đa dạng, nhiều màu sắc rực rỡ. Khi chuyển qua nội dung đạp xe, tôi còn có cơ hội ngắm nhìn khung cảnh đẹp tựa một bức tranh những đàn hồng hạc thong dong hay chú kangaroo biểu tượng", anh chia sẻ.

Mỗi chuyến race-cation nước ngoài Nhân thường dành từ 3 tuần đến 2 tháng để tham gia giải chạy, ghé thăm bạn bè, khám phá cảnh quan tại nơi đó. Trung bình một năm, anh tham gia 2 giải quốc tế và 5 giải trong nước.

Lưu ý

Khi kết hợp du lịch và chạy bộ, phần lớn runners ưu tiên lựa chọn các giải được tổ chức tại địa điểm, quốc gia mà họ muốn đến tham quan, du lịch. Ngoài ra, họ còn cân nhắc xem ban tổ chức giải này có chuyên nghiệp, uy tín hay không để đảm bảo giải được diễn ra an toàn với sự chuẩn bị chu đáo.

Trong khi đó, vấn đề visa cũng là một tiêu chí được nhiều người quan tâm. Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Tiến Nguyễn cho biết: "Khi tham gia giải chạy quốc tế, tôi ưu tiên chọn các nước dễ xin visa như châu Á, sau đó là cân nhắc về thời điểm tổ chức, thời tiết khi diễn ra giải chạy, loại giải (trail/road), quy mô giải".

Khi quyết định đăng ký tham gia giải chạy, Tiến thường lên kế hoạch từ rất sớm để có thời gian tập luyện và chuẩn bị thể lực và tinh thần một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, anh còn tìm hiểu về thời tiết, khí hậu để chuẩn bị trang phục và chế độ dinh dưỡng phù hợp.

"Thông thường, tôi thường bay qua trước giải từ 3-5 ngày và kết hợp chạy nhẹ để cơ thể làm quen, thích nghi với thời tiết, khí hậu và đồ ăn nơi đó, nếu có gì không ổn, tôi sẽ điều chỉnh ngay để khi race không bị động và bỡ ngỡ", anh nói.

Trung bình, nam du khách chi khoảng 20 triệu đồng cho một chuyến race-cation ở châu Á, đối với châu Âu, chi phí vào khoảng 35-40 triệu đồng.

Trong khi đó, Mỹ Hằng phải tham gia quay xổ số để giành vé đi Ultra Trail Mont Blanc trong khi đồng đội đều bị trượt. "Tôi từng gặp không ít khó khăn khi xin visa để tham gia giải UTMB ở Pháp. Việc chuẩn bị một bản cover letter chi tiết, giải thích mong muốn, lý do tham gia giải chạy và cam kết tuân thủ quy định, đính kèm thư mời tham dự giải của ban tổ chức là rất quan trọng", Hằng chia sẻ.

race-cation anh 13

Bận rộng với công việc văn phòng, Tiến vẫn duy trì tập luyện và tham gia các giải trong và ngoài nước. Ảnh: Tiến Nguyễn.

Khi tham gia những giải chạy quốc tế, một số runner Việt gặp khó khăn khi không hợp thức ăn bản địa dẫn đến không hoàn thành mục tiêu. Mỹ Hằng cho biết: "Các vận động viên nên chuẩn bị tâm lý cho việc đồ ăn bản địa không đa dạng, quen thuộc với người Việt". Du khách nên cố gắng làm quen và dung nạp thực phẩm địa phương để đảm bảo sức khỏe cho quá trình thi đấu.

Thể thao kết hợp du lịch là xu hướng nổi bật và phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Mô hình này giữ vai trò quan trọng trong ngành kinh tế xanh với giá trị ước tính khoảng 800 tỷ USD trên toàn cầu. Tại một số quốc gia, du lịch thể thao đóng góp tới gần 30% tổng thu ngành du lịch, theo Tổ chức Du lịch thế giới.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Golf, pickleball và những môn thể thao hút khách ngoại đến Việt Nam

Những môn thể thao như marathon, golf hay trekking không chỉ giúp du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam, mà còn giúp gắn kết với văn hóa và con người địa phương.

Linh Huỳnh

Bạn có thể quan tâm