Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khai thác Núi Pháo thu hàng nghìn tỷ, sao biên lợi nhuận chưa tới 3%?

Tại đại hội cổ đông ngày 17/4 của Masan Resources, một số cổ đông chất vấn việc doanh thu của công ty khai thác Núi Pháo năm 2016 tăng mạnh nhưng biên lợi nhuận chỉ chưa tới 3%.

Năm 2010, đại gia trong lĩnh vực thực phẩm và nước chấm Masan đã khiến giới đầu tư bất ngờ khi dấn thân thâu tóm "siêu dự án" khoáng sản Núi Pháo - nơi được đánh giá là mỏ vonfram lớn nhất thế giới với trữ lượng quặng tiềm năng hơn 66 triệu tấn.

Dồn hơn tỷ USD vào Núi Pháo

Masan tiếp quản dự án Núi Pháo trong bối cảnh tổng tài sản tăng nhanh. Chỉ trong năm 2010, tổng tài sản của doanh nghiệp đã tăng gấp 3 lần từ hơn 7.000 tỷ đồng cuối năm 2009 lên hơn 21.000 tỷ đồng. Riêng tài sản trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đã hơn 7.500 tỷ đồng.

Tính đến năm 2013, khoản đầu tư của Masan vào lĩnh vực khai thác khoáng sản đã xấp xỉ 1 tỷ USD.

Toàn bộ số tiền này đều phục vụ hoạt động khai thác “siêu dự án” Núi Pháo thông qua việc sở hữu đa số cổ phần tại Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan - MSR (Masan Resources).

Masan Resources là công ty trực tiếp quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư và khai thác dự án này. Đây cũng là doanh nghiệp sở hữu các công ty con phục vụ cho hoạt động khai khoáng này, trong đó có việc sở hữu 100% cổ phần Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo.

Tính đến hết năm 2016, tổng tài sản của MSR lên tới 26.535 tỷ đồng (gần 1,2 tỷ USD). Riêng tài sản cố định trong dự án Núi Pháo đã lên tới 18.629 tỷ đồng.

Masan so huu 36% thi phan vonfram the gioi anh 1
Tính tới hết năm 2016, tổng tài sản của MSR đã đạt gần 1,2 tỷ USD, trong đó, 70% là tài sản cố định. Đồ họa: Quang Thắng.

'Không có mỏ nào có lợi nhuận tương đương'

Đầu tư lớn vào Núi Pháo, nhưng kết quả lợi nhuận mà MSR thu lại được những năm qua lại khiến các cổ đông thất vọng.

Theo báo cáo mới nhất của doanh nghiệp này, trong 3 năm từ 2014 đến 2016, công ty đã khai thác tổng cộng 9,9 triệu tấn vonfram tại Núi Pháo, trong đó, tỷ lệ thu hồi vonfram oxit luôn đạt trên 50%.

Năm 2016, MSR khai thác 3,6 triệu tấn với tỷ lệ thu hồi 65% tổng sản lượng. Dự kiến, tỷ lệ thu hồi vonfram oxit trong năm 2017 sẽ tăng lên mức 75% khi áp dụng công nghệ phát triển.

Hết năm 2016, MSR là công ty cung cấp 36% thị phần vonfram trên thế giới không tính thị trường Trung Quốc và được định giá khoảng 475 triệu USD.

Trao đổi với các cổ đông, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group kỳ vọng năm 2017 giá trị MSR sẽ đạt 1 tỷ USD và trở thành công ty 3 tỷ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên, một số người không hài lòng khi doanh thu công ty năm 2016 tăng mạnh trong khi biên lợi nhuận chỉ chưa tới 3%.

Cụ thể, năm 2016, MSR đạt 4.049 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 52% so với năm 2015, lợi nhuận gộp đạt 1.103 tỷ đồng, tăng 45%. Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận sau thuế của MSR chỉ đạt 115 tỷ đồng, tăng 37%, tương đương biên lợi nhuận trên doanh thu của MSR chỉ vào khoảng 2,84%.

Masan so huu 36% thi phan vonfram the gioi anh 2
Doanh thu mỗi năm đều tăng rất mạnh nhưng biên lợi nhuận của Masan Resources chỉ chưa tới 3%. Đồ họa: Quang Thắng.

Theo kế hoạch kinh doanh mà HĐQT công ty trình cổ đông thông qua, doanh thu dự kiến trong năm 2017 tối thiểu đạt 5.380 tỷ đồng, tối đa đạt 5.600 tỷ đồng, tương ứng tăng 33-38%.

Về lợi nhuận sau thuế, HĐQT đặt mục tiêu lợi nhuận dao động trong khoảng 150-290 tỷ đồng, tăng 36-164% so với năm 2016.

Tuy nhiên, nếu tính toán biên lợi nhuận trên doanh thu thì tỷ lệ này tại MSR vẫn chỉ vào khoảng 5%.

Đáng chú ý, dù chiếm 60% tổng doanh thu công ty, vonfram chỉ mang lại 21% tổng lợi nhuận, tương đương 229 tỷ đồng.

Ông Dominic John Heaton - Tổng giám đốc Masan Resources lý giải điều này từ góc độ chi phí. 

Vận hành quá trình sản xuất ra vonfram với công nghệ cao đòi hỏi chi phí rất lớn, dù hãng đã tối đa hóa chi phí sản xuất.

"Chi phí tập trung vào máy móc có công nghệ hiện đại, đầu tư rất tốn kém. Hiện tại, dù không cần phải đầu tư thêm máy móc, chi phí khấu hao hàng năm của máy móc cũng rất lớn. Cùng với đó là chi phí tài chính từ các khoản vay ngân hàng đẩy chi phí sản xuất của công ty lên cao", vị này cho biết.

Trong khi đó ông Chetan Prakash Baxi - Chủ tịch HĐQT MSR, cho biết hiện nay không có mỏ vonfram nào vận hành cùng quy mô của Núi Pháo mà có lợi nhuận tương đương.

"Kể cả những công ty nhà nước sở hữu ở Trung Quốc cũng đang phải chịu thua lỗ. Trong tương lai, với việc tối giản chi phí sản xuất và chi phí tài chính, kết quả lợi nhuận của MSR sẽ tăng cao", ông Baxi chia sẻ.

Đông Âu - cái nôi của các tỷ phú Việt

Không chỉ là nơi học tập và lập nghiệp thuở ban đầu của hai tỷ phú đôla được Forbes công nhận, Đông Âu còn chứng kiến khởi đầu thành công của nhiều đại gia Việt.

Nữ tỷ phú đứng sau thành công của đại gia 10 cổ phiếu

Sở hữu khối tài sản nhiều gấp gần 3 triệu lần ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan, bà Nguyễn Hoàng Yến là một trong những "hậu phương" giàu có nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm