Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khám bệnh bằng thẻ BHYT: Xếp hàng, vạ vật như thời bao cấp

Ngày khám sức khỏe định kỳ hằng tháng của nhiều cụ 70-80 tuổi xếp hàng rất dài. Đó là tình trạng của các đối tượng sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tại nhiều bệnh viện (BV) công.

5h, chồng sổ xếp hàng chờ khám bệnh

5h, khu khám bệnh bằng BHYT của BV E đã kín người ngồi chờ, chồng sổ xếp đã cao ngất. 6h trời bắt đầu có nắng, lượng bệnh nhân đổ về đông hơn, kín các dãy ghế. Xếp sổ xong, bác Lê Thị Nhang (69 tuổi ở Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) quay lại ngả lưng xuống chiếc ghế. Đúng lúc đó cô y tá ra phát số, bác Nhang ngồi phắt dậy chạy về phía cô y tá nhận số của mình rồi lại… ngồi chờ.

Tới 10h sáng, bệnh nhân ở khu khám bệnh không đông như lúc sớm, bác Nhang tranh thủ ăn tạm chiếc bánh ngọt, bác chia sẻ: “Tôi đến đây xếp số từ 5h nhưng 8h30 mới vào lấy máu, giờ chờ lấy kết quả. Chưa hết đâu nhé, còn đưa kết quả cho bác sĩ xem, khám, quay lại vào sổ, lấy thẻ rồi lấy thuốc. Nếu buổi sáng không kịp tôi phải mua cơm hộp ăn đợi chiều lấy kết quả”.

“Hôm nào đi khám huyết áp không phải lấy máu cũng phải qua các cửa nào xếp sổ sau đó ra lấy số khám, xếp số lấy bệnh án, xếp số đo huyết áp, khám, xếp sổ vào máy đơn thuốc, lấy đơn, thẻ bảo hiểm y tế và lấy thuốc. Chừng ấy công đoạn cũng mất cả buổi”, bác Nhang nói.

Bà Lê Thị Vân, 64 tuổi, ở ngõ 98 đường Xuân Thủy, quận Cầu, Hà Nội bị mắc bệnh tiểu đường, 4h sáng bà Vân đã dậy chuẩn bị cho một “hành trình” khám bệnh theo BHYT tại BV E. Nhà bà Vân không xa BV nhưng khi tới nơi đã có mấy sổ đặt sẵn. Ngoài bà Vân, một số người khác đến sớm tranh thủ tập thể dục tại chỗ, chuyện trò hoặc ngả lưng chờ đến giờ khám bệnh.

Bà Vân cho hay, khám bệnh tiểu đường phải nhịn ăn sáng để lấy máu xét nghiệm nếu đúng giờ làm việc mới tới xếp sổ thì đến chiều cũng chưa đến lượt mà như thế thì đói lả mất.

Tình cảnh trên diễn ra ở không ít các BV. Theo phản ánh của nhiều sĩ quan quân đội nghỉ hưu ở Phố Lý Nam Đế, hằng tháng đến ngày kiểm tra sức khỏe định kỳ tại BV Quân đội 108, nhiều cụ phải nhờ người giúp việc gia đình đi xếp sổ từ 4 -5h sáng. Sau đó, tới lượt thì báo về cho gia đình để đưa các cụ tới bệnh viện không thì các cụ có thể ngất xỉu trong lúc chờ đợi vì hơn 70-80 tuổi cả rồi.

 Để được khám bệnh sớm, những nhân vật trong ảnh đã phải đến xếp sổ từ 2-3 giờ sáng.

Để được khám bệnh sớm, những nhân vật trong ảnh đã phải đến xếp sổ từ 2-3 giờ sáng.

“BV không khuyến khích đến khám sớm”!

Trao đổi với phóng viên, TS Lê Ngọc Thành - Phó giám đốc phụ trách BV E - khẳng định: BV E không xảy ra tình trạng quá tải ở khâu khám chữa bệnh. Sự việc nêu trên là do bệnh nhân tự đến chờ khám sớm, phía BV không có quy định này. Ngày đông nhất BV tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân đến khám, nhưng BV giải quyết hết trong ngày, không ai phải chờ sang ngày hôm sau. Quan điểm của BV là bệnh nhân đến khám phải giải quyết trong giờ hành chính.

BS Ngô Thị Thiên Hương - Trưởng Khoa Khám bệnh, BV E - cũng cho rằng: Các cụ nhiều tuổi ngủ ít nên rủ nhau đến chờ khám sớm. Chính tôi đã hỏi nhiều bệnh nhân tại sao đến sớm thế và họ trả lời không ngủ được nên đến ngồi chờ cho yên tâm lại có bạn bè tâm sự. Trong quá trình khám bệnh, các bác sĩ cũng giải thích để bệnh nhân không phải đến sớm, nhưng tình trạng trên chưa được cải thiện.

Tuy nhiên, trái với những lời nói trên của những người có trách nhiệm, tại BV E, từ 6h sáng, bộ phận y tá trực đã bắt đầu phát số. Lý giải điều này, TS Lê Ngọc Thành cho rằng: Việc này xuất phát từ yêu cầu của bệnh nhân muốn có số luôn, không phải do BV đề ra. Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh BV sẽ có hướng giải quyết những tồn tại trên. Cụ thể, ngay trong tuần tới sẽ chấm dứt việc phát số sớm dù bệnh nhân có yêu cầu. 

Bên cạnh đó, khoa Khám bệnh sẽ tăng cường thêm nhân viên y tế hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho bệnh nhân. BV sẽ cải thiện quy trình khám chữa bệnh như với bệnh nhân cần làm xét nghiệm sẽ khám vào buổi sáng, bệnh nhân chỉ lấy thuốc định kỳ nên đi buổi chiều. Hy vọng 6 tháng nữa sẽ có những thay đổi làm người bệnh hài lòng hơn.

Trong một cuộc họp báo của Bộ Y tế mới đây, TS Trần Quý Tường - Cục phó Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết, trước đây tình trạng “lòng vòng” trong quy trình khám bệnh khiến người bệnh phải mất 6-10 tiếng mới đến lượt khám. Tuy nhiên, năm 2012 Bộ Y tế đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng quy trình khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh xác định được nguyên nhân của tình trạng trên. 

Năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định hướng dẫn quy trình khám bệnh, yêu cầu các bệnh viện phải đơn giản hóa thủ tục. Theo đó, bệnh nhân có thẻ BHYT khi đi khám bệnh không phải trải qua quá nhiều khâu mà quy trình sẽ được rút ngắn.

Như vậy, dù năm 2013 Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn quy trình khám bệnh nhằm rút ngắn sự chờ đợi vất vả của bệnh nhân, tuy nhiên rõ ràng là quy trình rút ngắn này chưa đi vào thực tế. Dư luận xã hội đề nghị Bộ Y tế cần có ngay những giải pháp rốt ráo, để người bệnh đi thăm khám bệnh bằng thẻ BHYT ở các BV công không phải khổ sở như hiện nay.

 

http://laodong.com.vn/xa-hoi/kham-benh-bang-the-bhyt-tai-benh-vien-cong-xep-hang-va-vat-ca-ngay-nhu-thoi-bao-cap-256851.bld

Theo Lệ Hà/Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm