Gần đây, độc giả Zing.vn thắc mắc trong nhiều vụ án, gia đình có người tử vong đề nghị cơ quan điều tra trả kết quả khám nghiệm tử thi nạn nhân nhưng chưa được hồi âm.
Bạn đọc cũng đặt câu hỏi nếu gia đình nạn nhân không yêu cầu, cơ quan công an có bắt buộc phải trả kết quả pháp y? Thời hạn điều tra nguyên nhân nạn nhân tử vong là bao lâu?
Công an tỉnh Bình Thuận và các đơn vị nghiệp vụ liên quan đang khám nghiệm tử thi bé trai bị bắt cóc rồi giết hại dã man năm 2016. Hung thủ chôn xác nạn nhân ở ven biển cách nhà nạn nhân khoảng 8 km. Ảnh: Công an TP.HCM. |
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội), pháp luật không quy định cụ thể thời gian tiến hành thủ tục giám định pháp y. Luật cũng không quy định bao lâu phải trả kết quả giám định cho đương sự và các bên liên quan.
Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017 quy định thời hạn xác minh tin báo, tố giác tội phạm là 20 ngày. Nếu sự việc phức tạp có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng và được gia hạn một lần không quá 60 ngày.
Như vậy, đối với một vụ việc, cơ quan điều tra có thể xác minh, điều tra, công bố trong vòng không quá 4 tháng 20 ngày, kể cả thời gian gia hạn.
Kết thúc thời hạn này, cơ quan điều tra phải công bố quyết định khởi tố vụ án hay không khởi tố; nêu kết quả xác minh ban đầu về nguyên nhân tử vong của nạn nhân.
Hết thời hạn điều tra mà chưa nhận được kết quả giám định, gia đình nạn nhân có quyền làm đơn đề nghị cơ quan điều tra sớm công bố kết luận.
Trường hợp công bố kết luận giám định pháp y ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án thì quan điều tra có thể chưa công bố cho đến khi hết thời hạn xác minh tin báo tố giác tội phạm.
Khi hết thời hạn xác minh tin báo tố giác tội phạm, cơ quan điều tra phải thông báo cho gia đình người bị hại. Lúc đó, nếu không đồng ý với nội dung công bố, gia đình nạn nhân có quyền khiếu nại đối với các quyết định này.
Ngoài ra, trong thời gian xác minh tin báo tố giác tội phạm, pháp luật không bắt buộc cơ quan điều tra phải cập nhật thông tin, diễn biến cho các đương sự.
Việc này nhằm đảm bảo bí mật thông tin để giải quyết đúng đắn vụ việc. Pháp luật quy định hồ sơ, tài liệu điều tra thuộc danh mục bí mật Nhà nước. Bởi vậy, không phải thông tin nào cũng có thể thông báo cho đến khi có kết luận cuối cùng.