Đà Lạt có nhiều quán ăn địa phương giá cả hợp lý cho những ai muốn trải nghiệm food tour. |
Trở lại TP Đà Lạt lần thứ 3, thay vì chọn các quán ăn, quán cà phê được review nhiều trên mạng xã hội, tôi quyết định dành ra 2 ngày để tìm đến các quán địa phương, nơi chỉ có người gốc Đà Lạt ăn và chưa được nhiều du khách biết đến.
Thời tiết Đà Lạt quanh năm luôn se lạnh, thích hợp để trải nghiệm chuyến food tour (tour ẩm thực) với các món ăn nóng hổi.
Ngày 1 - Thưởng thức các món đặc trưng
Ăn sáng với bánh mì xíu mại
Đến Đà Lạt lúc 6h, tôi dự định bắt đầu bữa sáng bằng món bánh mì xíu mại.
Bánh mì xíu mại với chén nước dùng nóng hổi có giá 10.000-20.000 đồng/phần. |
Đà Lạt có khá nhiều quán bán bánh mì xíu mại, trải đều các con đường như Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Cừ, Yersin… Tôi được bạn chủ khách sạn giới thiệu đến quán bánh mì xíu mại Ri 79 nằm tại đường Thông Thiên Học.
Không gian quán khá hẹp, có bàn trong nhà và ngoài lề đường nhưng sức chứa chỉ 10-12 người. Người dân địa phương đến ăn sáng đông nên tôi phải đợi món khoảng 10 phút.
Chén nước dùng bao gồm xíu mại, da heo, hành tây, rau thơm kèm theo một ổ bánh mì nướng than. Cảm nhận của tôi là nước dùng đậm đà, cân bằng giữa ngọt và mặn, đúng vị người địa phương như lời của bạn chủ khách sạn. Tuy nhiên, ăn nhiều dễ ngấy do viên xíu mại khá mỡ và nước dùng có dầu hạt điều.
Khi ăn, bánh mì sẽ chấm cùng với nước dùng. Bạn có thể cho thêm sa tế của quán để bổ sung vị cay vào món ăn. Ngoài ra, trên bàn còn có sẵn chả cây cho thực khách tự thêm vào chén nước dùng. Theo tôi, chả ăn chắc, vừa miệng, hợp với bánh mì xíu mại.
Giá cho phần 2 viên xíu mại là 10.000 đồng, phần 4 viên xíu mại là 20.000 đồng và bánh mì là 3.000 đồng/ổ. Mức giá này khá rẻ so với chất lượng món ăn.
Kem bơ trứ danh
Kem bơ là món ăn vặt nhất định phải thử trong chuyến khám phá ẩm thực Đà Lạt. Theo gợi ý từ người bạn đang sinh sống tại đây, tôi đã tìm đến kem bơ Phụng trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Ấn tượng đầu tiên khi đến là quán rộng rãi, sạch sẽ, hướng ra đường lớn nên có thể vừa ăn vừa ngắm xe cộ qua lại.
Kem bơ là món không thể bỏ qua khi khám phá ẩm thực Đà Lạt. |
Tôi gọi 2 ly kem bơ cỡ nhỏ, thêm topping dừa sấy. Thoạt nhìn không quá hấp dẫn nhưng khi ăn thử, tôi khá bất ngờ. Lớp bơ tươi được xay mịn cùng sầu riêng và nước cốt dừa nên có vị béo đậm. Viên kem mịn, nghe rõ mùi dừa và không quá ngọt như quán kem bơ trong chuyến đi trước tôi từng ăn.
Phần topping dừa sấy cũng giòn, ngâm lâu trong kem không bị yểu. Khi ăn, tôi cảm nhận được rõ vị của từng thành phần, mùi hương cũng không bị át lẫn nhau. Tôi có thể ăn hết một ly mà không thấy ngán.
Mức giá cho kem bơ cỡ nhỏ là 20.000 đồng/ly, cỡ lớn là 30.000 đồng/ly. Các loại topping giá 5.000 đồng/phần. Tôi được bạn nhân viên cho biết quán còn chi nhánh đầu tiên đã mở gần 50 năm trong tầng ăn uống của chợ Đà Lạt, người dân sẽ thường ăn ở đó hơn.
Thử món yogurt phô mai
Nhiều người thường rỉ tai nhau đi Đà Lạt phải đến quán Tùng để nhâm nhi cà phê ấm, thưởng thức âm thanh du dương của những điệu nhạc xưa cũ. Giống như các du khách khác, tôi đã thử ghé qua quán này.
Không gian quán toát lên vẻ ấm cúng, hoài niệm, nhưng điểm trừ là khá ồn. Nếu đi vào ngày cuối tuần sẽ nhanh hết bàn.
Hương vị yogurt phô mai ở quán Tùng nổi bật hơn so với những quán yogurt phô mai khác. |
Ban đầu, tôi dự định gọi một ly cà phê, nhưng nhìn thấy bàn bên cạnh đã ăn hết mấy phần yogurt phô mai nên tôi quyết định đổi sang thử món này.
Một phần yogurt phô mai tương đối nhiều, có giá 15.000 đồng. Yogurt được ủ kỹ nên mềm mịn, đủ đông đặc, độ chua cũng vừa phải. Lớp phô mai béo ngậy được tráng mỏng lên bề mặt yogurt.
Tuy nhiên, vị ngọt lại hơi đậm. Xét về tổng thể, tôi đánh giá yogurt phô mai ở quán Tùng có hương vị nổi trội hơn so với mặt bằng chung các quán yogurt phô mai ở Đà Lạt.
Bánh ướt lòng gà "lót dạ" bữa xế
Khi tham khảo những món đặc sản của Đà Lạt phù hợp cho bữa xế, tôi đã chọn ăn bánh ướt lòng gà tại quán Long. Đường đến quán tương đối khó tìm vì nằm quanh co trong hẻm. Bù lại, không gian quán thoáng mát, rộng rãi và có bàn dài dành cho nhóm đông người. Đặc biệt là nhân viên vui vẻ, phục vụ nhanh nhẹn.
Một phần bánh ướt thập cẩm giá khá rẻ, chỉ 35.000 đồng nhưng hương vị không để lại ấn tượng. |
Một tô thập cẩm đủ nhiều để no bụng, kể cả với những người ăn khoẻ. Thành phần trong tô gồm bánh ướt, thịt gà xé, lòng gà, da gà, rau thơm, hành phi và trộn với nước sốt.
Điểm trừ là bánh ướt nguội, phần nước sốt trộn hơi chua, không thấm đều vào các thành phần và lòng gà chỉ lác đác vài miếng.
Mức giá của bánh ướt thường là 25.000 đồng/tô, bánh ướt thập cẩm là 35.000 đồng/tô. Nhìn chung, mức giá này khá rẻ nhưng hương vị không đặc sắc.
Bữa tối với sữa đậu nành nóng và bánh ngọt
Kết thúc ngày đầu tiên khám phá nhiều món ngon, tôi quyết định thử thêm sữa đậu nành nóng và bánh ngọt tại chợ đêm Đà Lạt. Với nhiều du khách và cả người dân địa phương, đây là combo cực phẩm của Đà Lạt, thích hợp để thưởng thức trong tiết trời se lạnh của buổi tối.
Trước khi đến chợ đêm, tôi đã quay về khách sạn để tham khảo ý kiến của bạn chủ vì tại đây có đến hơn chục quán bán combo này. Theo gợi ý, tôi đã ghé vào quán Huệ.
Hương vị 2 loại bánh ở mức ổn, giá không quá cao, nhưng sữa đậu nành chưa thật sự đặc sắc. |
Quán này rộng, nhiều bàn, mỗi bàn đều có sẵn đĩa bánh ngọt. Tại đây, tôi gọi 2 ly sữa đậu nành giá 20.000 đồng/ly, bánh croissant và su kem giá 25.000 đồng/cái.
Bánh croissant có kích thước to, bên trong mềm ẩm, có vị ngọt nhẹ, nhưng lại hăng mùi dầu. Bánh su kem nhân khá đầy, đậm vị béo của sữa, lớp vỏ ngoài cũng mềm xốp. Tuy nhiên, sữa đậu nành lại lỏng, độ ngọt gắt và khi uống không cảm nhận rõ vị.
Ngày 2 - Các món tuổi thơ ở Đà Lạt và BBQ nướng giữa rừng
Nạp năng lượng buổi sáng bằng bánh căn
Bánh căn là món không thể thiếu trong hành trình ăn uống tại Đà Lạt. Tôi đã tận dụng mọi mối quan hệ, mọi kỹ năng tìm kiếm để biết được quán bánh căn Thuý ở Ấp Ánh Sáng. Thế nhưng, ngày tôi đến quán tạm đóng cửa. Người dân xung quanh đã chỉ dẫn tôi đến bánh căn Lệ trên đường Yersin.
Bánh căn nóng hổi, bột bánh thơm, giòn bên ngoài và dẻo bên trong. Mức giá rẻ so với mặt bằng chung. |
Quán buổi sáng rất đông, không gian nhỏ nên ngồi lâu hơi ngộp. Thực đơn có nhiều loại bánh căn như thịt bằm, trứng gà, trứng cút, hải sản… Bánh căn trứng cút là "món ruột" nên tôi đã gọi một phần giá 30.000 đồng, gồm 5 cặp bánh giòn rụm.
Bánh căn ăn kèm nước mắm mỡ hành nóng, bên trong có 2 viên xíu mại. Nước mắm có vị ngọt thanh từ nước xương hầm, kết hợp với vị mặn từ nước mắm nên ăn bắt vị. Viên xíu mại mềm ẩm, không ngấy mỡ.
Điểm hạn chế duy nhất là thời gian chờ món quá lâu, dễ làm thực khách mất kiên nhẫn. Các món bánh căn tại quán có giá 25.000-40.000 đồng/phần.
Xắp xắp cho bữa trưa
Ngoài bánh căn, bánh mì xíu mại, Đà Lạt còn món xắp xắp nổi tiếng, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người dân. Thế nên, tôi đã chọn quán xắp xắp cô Năm làm nơi dừng chân để ăn trưa.
Xắp xắp gắn liền với tuổi thơ của nhiều người dân Đà Lạt. |
Quán không trang trí nhiều, có 3-4 bộ bàn ghế đặt tại sảnh của căn nhà nhưng thoáng và sáng sủa, ngồi lại rất thoải mái. Các nguyên liệu đều được bày biện trong tủ kính, sạch sẽ và gọn gàng.
Thành phần món cũng đơn giản, chỉ có đu đủ bào sợi, khô bò đen, rau thơm và mì chiên giòn. Nước sốt của xắp xắp khiến tôi ấn tượng nhất. Độ mặn ngọt hài hoà, xen lẫn vị cay, thơm lừng mùi ngũ vị hương, giúp các thành phần hoà quyện với nhau.
Trên bàn luôn có sẵn sa tế, nhưng chỉ nên thêm nếu ăn cay nhiều vì quán làm sa tế nguyên chất. Giá cho một phần là 10.000 đồng. Mức giá này hợp lý so với đĩa xắp xắp no lưng bụng, vừa miệng.
No bụng với BBQ bữa tối
Dù không phải món trứ danh, nhưng nướng một mẻ BBQ nóng hổi giữa tiết trời se lạnh với view rừng núi cũng là trải nghiệm ăn uống đáng thử khi đến Đà Lạt. Tôi tìm thấy thông tin của quán nướng Hạt Sồi ở đường Đặng Thái Thân, nằm hơi xa trung tâm thành phố và chưa nhiều người biết đến.
Thực đơn gồm các món lẻ có giá từ 80.000 đồng và các combo có giá từ 299.000 đồng. |
Quán nằm dưới thung lũng nên tôi phải chạy xe xuống con dốc cao. Không gian quán thoáng rộng, có 2 tầng và chủ yếu ngồi ngoài trời. Thực đơn đủ các món lẻ lẫn combo cho thực khách dễ lựa chọn. Tôi gọi combo Hạt Sồi có giá 299.000 đồng. Món lên rất nhanh, bày trí chỉn chu và nhân viên cũng niềm nở, chu đáo.
Combo này gồm ba chỉ heo cuộn phô mai, ba chỉ heo cuộn nấm kim châm, ba chỉ heo cuộn măng tây, thịt gà, thịt heo nạc, cà tím, ớt chuông, bí đỏ và bắp. Các loại thịt tươi, được tẩm ướp sơ qua. Sau khi nướng thịt vẫn mềm, không bị khô.
Nước sốt ở đây vừa miệng, hợp khẩu vị với tôi. Tôi ấn tượng với sốt BBQ mật ong hơn sốt chanh vàng. Vị sốt không quá ngọt hay quá mặn, thơm nhẹ mùi tỏi, chấm với thịt nướng khá hợp.
Tuy nhiên, rau ăn kèm rất ít, lại không được tươi, riêng rau xà lách bị dập khá nhiều dù Đà Lạt là nơi chuyên trồng rau củ. Ngoài ra, nếu đến quán trước 19h, thực khách phải nướng bằng bếp gas, không được nướng than.
Khép lại chuyến food tour kéo dài 2 ngày, tôi đã được thử gần hết các món ăn đặc trưng của Đà Lạt tại những quán địa phương với tổng chi phí hơn 500.000 đồng/người. Những quán này không được nhiều người review, không đông khách du lịch nhưng chất lượng giữ ở mức ổn định và giá cả phải chăng.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách "gối đầu giường" cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.