Ngày nào cũng được tiếp xúc với phim ảnh nhưng có lẽ ít khán giả biết được rằng, những âm thanh trong phim (dù là phim điện ảnh, truyền hình, hoạt hình hay phim tài liệu) đều 100% là… giả. Ở các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển mạnh, đoàn làm phim sẽ vừa ghi hình, vừa thu âm đồng bộ (gồm thu cả lời thoại và tiếng động trong phim). Còn ở Việt Nam, việc quay phim chỉ là ghi lại phần hình ảnh. Còn âm thanh và tiếng động sẽ được mang về xử lí hậu kì sau thời gian quay.
Vài năm gần đây, các nhà làm phim Việt đã bắt đầu áp dụng công nghệ thu thanh đồng bộ, tuy nhiên mới chỉ lo được phần lời thoại, còn tiếng động trong phim vẫn bắt buộc phải nhờ tới sự trợ giúp của các chuyên gia âm thanh (do không khí trường quay khá ồn ào, nhiều tạp âm nên không thu được tiếng động chuẩn). Lúc này, chính những người làm tiếng động đã mang lại linh hồn cho từng thước phim chạy trên màn ảnh. Từ tiếng gió xào xạc, tiếng nước mưa rơi trên mái hiên, tiếng bom đạn… đều được xử lí qua tay người nghệ nhân làm tiếng động.
Làm tiếng động - nghề "mắt nhìn - đầu nghĩ phương án - tay khớp hình ảnh". |
Với 45 năm trong nghề, nghệ sĩ Mạnh Kiên là một trong những nghệ nhân tiếng động dày dặn kinh nghiệm nhất Việt Nam. Xử lý âm thanh cho hàng ngàn bộ phim, người nghệ sĩ bước qua tuổi lục tuần cũng chứng kiến nhiều câu chuyện lí thú chỉ có thể gặp ở nghề này.
Tiếng động – nghề tỉ mẩn
Nghệ sĩ Mạnh Kiên bén duyên với nghề tiếng động từ năm 15 tuổi, khi mới chỉ là một thiếu sinh quân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ngày 5/9/1970, nhóm tiếng động nhân tạo đầu tiên được chính thức thành lập với ba thành viên chính thức gồm các nghệ sĩ Minh Tâm, Ngô Nam và Mạnh Kiên.
Với những nguyên liệu thô sơ như thế này, nghệ sĩ Mạnh Kiên đã tạo ra sản phẩm cho hàng nghìn bộ phim, đoạt hàng trăm giải thưởng trong suốt gần nửa thế kỉ qua.
Nghệ sĩ Mạnh Kiên chia sẻ, để nảy ra ý tưởng tiếng động cho một bộ phim, có khi ông phải mất khá nhiều công sức tìm tòi. Với ekip làm phim, thời gian quay có thể kéo dài vài tháng, nhưng với nghệ sĩ lồng tiếng, chỉ có vài ngày để suy nghĩ. Hơn thế nữa, người làm tiếng động lại hoàn toàn “đơn thân độc mã” trong công việc của mình, nên áp lực và sức ép càng nặng nề hơn nữa. Điều này khiến chú luôn phải vận động, suy nghĩ, tìm tòi những thứ quanh mình để mang vào phim.
Nghệ sĩ Mạnh Kiên - một trong những người làm tiếng động hàng đầu Việt Nam. |
Đặc trưng của nghề tiếng động là tất cả những thứ xung quanh ta, từ bùn đất, dép rách, lá cây rụng, bát đĩa vỡ… đều có thể trở thành vật hữu dụng, miễn là người ngệ sĩ đủ sự tinh ý và óc sáng tạo. Như thành một thói quen, đi đâu nghệ sĩ Mạnh Kiên cũng quan sát, nhặt nhạnh xem có đồ vật gì hữu ích, có thể sử dụng được hay không. Vậy nên nếu tham quan “đồ nghề” của những nghệ nhân lồng tiếng, ắt hẳn nhiều người sẽ tưởng mình đang lạc vào một… nhà kho.
Gần nửa thế kỉ gắn bó với nghề làm tiếng động, nghệ sĩ Mạnh Kiên có không ít kỉ niệm đáng nhớ với nghề. Trong phim Những người viết huyền thoại, để tạo nên âm thanh quả bom B52 nổ dưới sông, ông phải sử dụng đến bể nước to 3 khối. "Tôi úp ngược cái chậu và đập mạnh xuống nước. Cái này chẳng ai dạy cả, do từ bé tôi tắm sông hay nghịch cái gáo dừa như vậy nên biết. Nghề này cần sự tinh ý, vì có những âm thanh chỉ thoáng qua trong tích tắc nhưng để dựng lại mất khá nhiều kì công. Hoặc để dựng tiếng bom nổ trên mặt đất thì căng mạnh tấm vải trước mic, âm thanh thu được cũng khá hiệu quả".Phải trong nghề mới biết, công việc này chẳng dễ dàng gì. Cùng là tiếng bước chân nhưng người béo đi khác, người gầy đi khác. Đi trên mặt đường bê tông khác, đi trên đường đất lại khác. Tiếng vó ngựa của tướng quân khác, tiếng vó ngựa của binh lính cũng khác. Có những phân đoạn chỉ để lồng được 20s hình ảnh bước chân, người nghệ sĩ lão làng phải thay đến 5 đôi giày khác nhau. Hay như để quay cảnh một đơn vị công an luyện côn nhị khúc, chú phải lấy gậy đập vào người mình. "Làm nghề này cũng dễ có thương tích lắm, đặc biệt với những cảnh thủy tinh, chai lọ đổ vỡ. Tôi đi làm mà cũng lỉnh kỉnh đủ thứ, từ bông băng, thuốc đỏ đến oxi sát trùng. Tự bảo vệ mình cũng là một cách yêu nghề".
Vất vả đi tìm “truyền nhân”
Bước qua tuổi 60, đã nghỉ hưu nhưng hàng ngày nghệ sĩ Mạnh Kiên vẫn đến Hãng phim truyện Việt Nam, vừa để đỡ nhớ nghề, vừa để hướng dẫn những thế hệ kế cận. Hiện ở nước ta chưa có một trường lớp nào đào tạo môn học này. Các thế hệ hậu bối chủ yếu do nghệ sĩ Mạnh Kiên đích thân hướng dẫn những ngày còn đang công tác. Lớp học tiếng động đầu tiên được ông thành lập những năm 2000, đến nay đã hàng trăm học sinh tốt nghiệp, nhưng số người được ông coi là truyền nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay.
"Để làm tốt nghề này cần sự quan sát, sáng tạo và chút khả năng thiên phú. Những người có kiến thức về âm nhạc thường sẽ có khả năng theo nghề tốt hơn vì có chiều hướng nhạy cảm hơn với âm thanh. Một điểm nữa là cần sự kiên nhẫn và chịu được áp lực. Hoạt động hàng chục tiếng trong phòng thu kín, chỉ có mình với lổng chổng những vật dụng tuềnh toàng dễ nản lắm" - nghệ sĩ Mạnh Kiên bộc bạch.
Tât cả các vật dụng đều có thể được nghệ sĩ tiếng động tận dụng để tạo ra tiếng động. |
Làm tiếng động là một nghề khá áp lực vì bên cạnh tài năng còn cần đến sự sáng tạo không ngừng. Môi trường làm việc của nghệ sĩ tiếng động cũng khá đặc thù: ở phòng thu tối trong suốt thời gian làm việc.
Trong cuộc sống hiện đại, mọi khâu của điện ảnh đều được sự hỗ trợ đắc lực của máy móc, công nghệ, nhưng riêng với nghề tiếng động, tất cả đều yêu cầu sự tỉ mỉ và sự can thiệp trực tiếp của con người.
Nói về thế hệ kế cận trong tương lai, nghệ sĩ Mạnh Kiên vẫn đau đáu những trăn trở. Dù vậy, người nghệ sĩ lão làng vẫn luôn lạc quan: "Tôi tin tưởng vào lớp trẻ. Có lẽ sẽ mất thêm một thời gian nữa tìm kiếm và đào tạo, nhưng với đam mê, sự tìm tòi và nhiệt huyết thanh xuân, chắc chắn các bạn trẻ sẽ vượt qua được cái bóng của những thế hệ cha anh đi trước".
Thông tin về nghệ sĩ tiếng động Dương Mạnh Kiên
- Sinh năm: 1952
- Phim đầu tiên: 1969
- Bắt đầu học nghề tiếng động năm 15 tuổi.
- Là 1 trong 3 người sáng lập ra Bộ phận tiếng động nhân tạo đầu tiên của Việt Nam (cùng với Minh Tâm và Ngô Nam).
- Đã làm tiếng động cho khoảng trên 2.000 phim, nhưng chính nghệ sĩ Mạnh Kiên cho biết ông không nhớ hết vì chưa bao giờ thống kê lại trong suốt 45 năm làm nghề.
- Một số phim gần đây: Chuyện của Pao, Long Thành cầm giả ca, Mùa cỏ cháy, Những người viết huyền thoại, Càng to càng nhỏ…