Những biker sống tại nước Đức hẳn sẽ khiến rất nhiều người đam mê tốc độ ở các nước khác trên thế giới phải ghen tỵ. Đơn giản bởi ở đất nước nổi tiếng với món xúc xích này, có những con đường cao tốc không hề giới hạn về tốc độ, được gọi là Autobahn.
Cảm giác một lần cầm lái cỗ máy với sức mạnh hàng chục đến cả trăm mã lực, ở vận tốc lên đến hơn 200 km/h chắc chắn sẽ là một trải nghiệm rất nhiều người muốn một lần được tận hưởng. Trên thế giới, có không nhiều con đường lưu thông thường ngày cho phép người lái chạy xe với tốc độ không bị giới hạn như ở Đức. Thậm chí, có những biker sống tại nơi có điều kiện giao thông tốt như ở Mỹ cũng cảm thấy sự khác biệt rất lớn khi được chạy xe trên hệ thống đường Autobahn của Đức.
Trong tiếng Đức, “Autobahn” chỉ là cách phiên dịch của cụm từ đường cao tốc. Hệ thống đường cao tốc của Đức được mở ra vào năm 1932, hiện tại đã kéo dài khoảng 12.917 km. Đây được xem là một trong những hệ thống đường bộ có chiều dài lớn nhất thế giới.
Đường cao tốc tại Đức được thi công với mặt đường rất bằng phẳng. Ảnh: Peter Kernspecht. |
Khi tham gia lưu thông trên hệ thống cao tốc này, trừ những thời điểm lưu lượng giao thông lớn, người điều khiển phương tiện có thể thoải mái thử tốc độ của chiếc xe mình đang sở hữu mà không sợ bị bắn tốc độ. Hệ thống đường cao tốc của Đức chỉ có khoảng 1/3 quãng đường là có biển hạn chế tốc độ vĩnh viễn, một số khu vực có biển giới hạn tốc độ tạm thời do điều kiện thời tiết, còn lại người lái có thể thỏa sức chạy tùy theo khả năng điều khiển của mình và của chiếc xe.
Để có được sự an toàn cho phương tiện khi di chuyển ở vận tốc cao, hệ thống đường cao tốc tại Đức được thi công và giám sát rất nghiêm ngặt. Đường cao tốc tại đây có thể chống chịu được những điều kiện giao thông xấu nhất do thời tiết hay chính con người gây ra, nhưng vẫn đảm bảo khả năng lưu thông nhanh chóng.
Hệ thống đường cao tốc của Đức được thiết kế với mức độ bằng phẳng rất cao. Ngoài ra, hệ thống đường cao tốc tại Đức cũng được giữ vệ sinh đến mức độ hoàn hảo, đảm bảo không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra do chướng ngại vật trên đường. Mặt đường cao tốc của Đức được thi công bởi loại đá chuyên dụng và được bảo trì thường xuyên, nên dù chỉ 1 lỗi nhỏ nhất cũng được khắc phục tức thì.
Ngoài ra, hệ thống đường này cũng chỉ có rất ít các điểm giao cắt. Do đó, nếu đã lỡ chạy quá một điểm giao cắt để chuyển qua cung đường khác, người điều khiển phương tiện sẽ phải mất nhiều thời gian để quay lại.
Việc di chuyển trên hệ thống cao tốc của Đức dù không giới hạn về tốc độ, nhưng khả năng gặp rủi ro rất hiếm khi xảy ra do điều kiện mặt đường. Tai nạn có chăng chỉ đến từ chính khả năng của người điều khiển xe và các phương tiện khác cùng lưu thông. Chính vì vậy, người lái xe cần làm chủ chiếc xe của mình và tập trung tối đa khi di chuyển trên hệ thống cao tốc.
Đoạn cao tốc chạy từ Stuttgart đến Basel được đánh giá hoàn hảo nhất cho các tay lái, đặc biệt là thời điểm sau 22h, bởi lượng phương tiện tham gia giao thông ít và đường rất đẹp. Chính vì lý do đó, một số hãng xe lớn của Đức thường mang sản phẩm mới ra cung đường này để thử nghiệm tốc độ tối đa.
Chính vì sự tự do, thoải mái trên hệ thống đường cao tốc nên quá trình thi cấp bằng lái xe được tổ chức rất nghiêm ngặt và có chi phí rất cao. Người điều khiển phương tiện tại Đức phải nắm rất rõ các quy định, quy tắc về giao thông đường bộ. Chi phí thi cấp bằng lái xe máy tối thiểu là 1.500 USD. Bên cạnh đó, lái xe còn phải trải qua nhiều tháng tập luyện để vượt qua kì thi sát hạch khắt khe.