Tạp chí Times Higher Education vừa công bố danh sách 800 đại học tốt nhất thế giới. Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là trường duy nhất ở châu Á lọt vào top 30 đại học hàng đầu và đứng đầu khu vực châu Á. |
Bảng xếp hạng này đánh giá các trường dựa trên 13 tiêu chí nhằm phản ánh thế mạnh của một đại học trong 5 lĩnh vực: Môi trường giảng dạy, nghiên cứu, được trích dẫn trên tạp chí, thu nhập và viễn cảnh quốc tế. Các chỉ số này được tổng hợp từ dữ liệu của 1.100 viện nghiên cứu, 11 triệu hồ sơ học tập và hơn 11.000 khảo sát tại 800 trường đại học hàng đầu trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. |
Giáo sư Tan Chorh Chuan, Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Singapore, nhấn mạnh, trường đạt vị trí cao trên các bảng xếp hạng nhờ chính sách hỗ trợ tích cực từ chính phủ, cũng như cam kết của các giảng viên, nhân viên và sinh viên nhà trường về một chất lượng giáo dục hàng đầu. Ông Tan là cựu sinh viên NUS, giảng viên Khoa Y trước khi nhậm chức Hiệu trưởng vào ngày 1/12/2008. |
NUS là viện đại học lâu đời nhất và có số lượng sinh viên lớn nhất Singapore. Năm 2015, trường đứng thứ hai trong bảng xếp hạng 100 đại học tốt nhất châu Á và xếp thứ 23 trong danh sách những đại học hàng đầu thế giới. |
Năm 1980, NUS được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đại học Singapore và Đại học Nanyang. Trường có hơn 22.000 sinh viên, trong đó hơn 6.000 người học sau đại học, khoảng 1.820 giảng viên và 6.500 nhân viên. Đại học hàng đầu châu Á này cũng có cơ sở tại Thung lũng Silicon, Philadelphia, Thượng Hải, Bắc Kinh, Stockholm, Ấn Độ và Israel. NUS hợp tác đào tạo với Đại học Duke và Yale, hai trường danh giá ở Mỹ. |
NUS có 7 thư viện với hơn 1,5 triệu đầu sách độc đáo về kiến trúc, xây dựng và bất động sản, kinh doanh, nha khoa, kỹ thuật, khoa học máy tính, khoa học nhân văn và khoa học xã hội, pháp luật, y học, âm nhạc, điều dưỡng và khoa học. Chúng phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên, các nhà nghiên cứu từ NUS hoặc các trường trực thuộc. |
Ký túc xá được thiết kế theo kiểu căn hộ. Tất cả các sinh viên đều có phòng riêng để thuận tiện cho việc học tập và nghiên cứu. Khu ký túc còn có phòng hội thảo, giảng đường, phòng đọc, phòng truyền hình, phòng tập thể dục, bóng rổ và quần vợt, đường chạy bộ, một trạm tập thể dục, siêu thị mini, 4 cửa hàng thực phẩm và các cửa hàng dịch vụ khác. |
Đội khoa học trẻ của Đại học Quốc gia Singapore tham dự cuộc thi Micro Air Vehicle được tổ chức tại Đức. Tác phẩm dự thi của họ là máy bay không người lái có khả năng chịu gió mạnh và mưa. NUS chú trọng phát triển ngành khoa học và tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên trau dồi, phát huy tài năng. |
NUS hướng các nghiên cứu vào mục đích nâng cao chất lượng sống của nhân loại. Trường thường xuyên hợp tác nghiên cứu với các ngành công nghiệp, tổ chức chính phủ trong mọi lĩnh vực, từ Kỹ thuật, Công nghệ đến Kinh tế, Y học. |
Bên cạnh công tác học tập, nghiên cứu, NUS cũng chú trọng phát triển sức khỏe thể chất, tinh thần cho sinh viên. Trường xây dựng khu thể thao đa chức năng, các hội trường lớn nhằm đáp ứng nhu cầu về các hoạt động thể dục, văn hóa, nghệ thuật của sinh viên, cũng như giảng viên và nhân viên trong trường. |
Sinh viên tham dự lễ tốt nghiệp năm 2011. Đối với nhiều người, học tập tại ngôi trường này là niềm vinh dự lớn không chỉ vì vị trí của nó trên bảng xếp hạng, mà còn bởi những đóng góp của trường vào thành công trong tương lai của họ. Ngoài ra, danh tiếng của NUS được tạo nên từ tên tuổi của những cựu sinh viên nổi bật. Trường từng đào tạo 4 thủ tướng và chủ tịch Singapore, hai thủ tướng Malaysia cùng các chính trị gia, doanh nhân và nhà giáo dục nổi tiếng khác. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng là sinh viên Đại học Raffles, một trong những tiền thân của NUS. |
50 trường đại học hàng đầu thế giới:
1.Học viện Công nghệ California (Mỹ)
2. Trường ĐH Oxford (Anh)
3. Trường ĐH Stanford (Mỹ)
4. Trường ĐH Cambridge (Anh)
5. Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ)
6. ĐH Harvard (Mỹ)
7. ĐH Princeton (Mỹ)
8. Trường ĐH Imperial London (Anh)
9. Học viện Công nghệ Zurich (Thụy Sĩ)
10. ĐH Chicago (Mỹ)
11. ĐH Johns Hopkins (Mỹ)
12. ĐH Yale (Mỹ)
13. ĐH California ở Berkeley (Mỹ)
14. ĐH London (Anh)
15. ĐH Columbia (Mỹ)
16. ĐH California ở Los Angeles (Mỹ)
17. ĐH Pennsylvania (Mỹ)
18. ĐH Cornell (Mỹ)
19. ĐH Toronto (Canada)
20. ĐH Duke (Mỹ)
21. ĐH Michigan (Mỹ)
22. ĐH Carnegie Mellon (Mỹ)
23. ĐH Kinh tế - Chính trị London (Anh)
24. ĐH Edinburgh (Anh)
25. ĐH Northwestern University (Mỹ)
26.ĐH Quốc gia Singapore
27. ĐH King’s College London (Anh)
28. Học viện Karolinska Institute (Thụy Điển)
29.ĐH Munich (Đức)
30. ĐH New York (Mỹ)
31. ĐH Polytechnique Fédérale de Lausanne (Thụy Sĩ)
32. ĐH Washington (Mỹ)
33. ĐH Melbourne (Australia)
34. ĐH British Columbia (Canada)
35. ĐH KU Leuven (Bỉ)
36. ĐH Illinois ở Urbana-Champaign (Mỹ)
37. ĐH Heidelberg (Đức)
38. ĐH McGill (Canada)
39. ĐH California ở San Diego (Mỹ)
40. ĐH California ở Santa Barbara (Mỹ)
41. Học viện Công nghệ Georgia (Mỹ)
42. ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc)
43. ĐH Tokyo (Nhật Bản)
44. ĐH California ở Davis (Mỹ)
44. ĐH Hồng Kông
46. ĐH Texas ở Austin (Mỹ)
47. ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc)
47. ĐH Wageningen (Netherlands)
49. ĐH Humboldt ở Berlin (Đức)
50. ĐH Wisconsin-Madison (Mỹ)