Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khám phá Lễ hội mùa thu lớn nhất miền Bắc

Các lễ hội lớn trên cả nước thường diễn ra vào dịp đầu xuân, thì tại Hải Dương có một lễ hội vô cùng hấp dẫn diễn ra vào mùa thu là Lễ hội truyền thống mùa thu Côn Sơn-Kiếp Bạc.

Lễ rước văn từ chùa Côn Sơn sang đền Nguyễn Trãi.

Cứ tới ngày 10 - 20/8 âm lịch hằng năm, du khách từ khắp nơi trên mọi miền đất nước lại đổ về vùng đất Côn Sơn - Kiếp Bạc (thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) để được đắm mình trong không gian lễ hội dân gian truyền thống nhiều màu sắc được gìn giữ qua nhiều thế kỷ.

Tới lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống mang đậm màu sắc dân gian, tạo nên sức hút lớn với các phật tử và du khách hành hương mỗi dịp thu về như: Lễ Cáo yết, Lễ khai ấn, Lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Lễ rước bộ, Lễ hội quân, Lễ cầu an và Hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, Diễn xướng hầu thánh, các trò chơi dân gian...

Đọc văn tế Anh hùng dân tộc-Danh nhân văn hóa thế giới.

Mở màn cho Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, sau Lễ Cáo yết, du khách được hòa mình vào không khí linh thiêng, sôi sục khí thế của Lễ rước bộLễ hội quân trên sông Lục Đầu. Đây là một hoạt động diễn xướng nhằm tái hiện sức mạnh của quân đội thời Trần. Trên sông Lục Đầu, Lễ hội quân tái hiện cảnh Trần Hưng Đạo duyệt quân vào tháng 6/1285 với sự tham gia của hàng trăm chiếc thuyền cùng ngư dân của các tỉnh: Hải Phòng, Quảng Ninh và ngư dân một số xã của thị xã Chí Linh đóng vai quân sĩ nhà Trần. Lễ hội quân với 3 chủ đề: hào khí Đông A, hùng khí Lục Đầu và ca khúc khải hoàn, nhằm tái hiện lại tinh thần và sức mạnh chiến đấu bảo vệ đất nước của quân và dân nhà Trần trong ba lần chiến thắng Nguyên Mông.

Hình ảnh đầy màu sắc và sự mạnh mẽ của lễ hội quân huy hoàng giữa đất trời Vạn Kiếp khiến du khách càng thêm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc trong đấu tranh giữ gìn non sông đất nước.

Lễ ban ấn đền Kiếp Bạc cũng là một phần quan trọng trong lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Dấu ấn của Hưng Đạo Đại vương thể hiện thể hiện uy quyền nhà Thánh để sát quỷ, trừ tà, cứu độ chúng sinh. Hiện nay, trong đền còn lưu giữ 4 ấn tín bằng đồng của Đức Thánh: Trần Triều Hưng Đạo Vương chi ấn, Quốc pháp Đại Vương, Vạn Dược Linh Phù, Phi thiên thần kiếm phù. Sau nghi lễ cúng Thánh và mật định, tuyên sớ cầu nguyện đức Thánh phù hộ quốc thái dân an, đại diện lãnh đạo tỉnh khai ấn Đức Thánh và ban cho người dân.

Du khách thập phương tham dự lễ hội đều  mong xin được ấn với mong muốn được Đức Thánh phù hộ, che chở và có được nhiều may mắn trong cuộc sống. Cùng với những nghi lễ nêu trên, Liên hoan diễn xướng dân gian là một nghi lễ được phục dựng, trở thành một trong những nghi lễ đặc trưng của lễ hội nhằm tôn vinh công lao, uy đức của Đức Thánh Trần trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ đất nước cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển đạo giáo Việt Nam. Diễn xướng hầu thánh thường diễn ra từ ngày 16 - 17/8 âm lịch tại sân đền Kiếp Bạc.

Trong chuỗi các nghi lễ và hoạt động hội, Lễ cầu anHội hoa đăng được tổ chức vào tối ngày 18/8 âm lịch thu hút hàng vạn du khách thập phương cùng nhân dân trong vùng đổ về bến sông Lục Đầu. Đây có thể được coi là một trong những nét đặc sắc nhất của Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Trong đêm hội, cả một khúc sông Vạn Kiếp được trang hoàng rực rỡ bởi ánh sáng của tòa tháp chín tầng cùng hàng ngàn chiếc đèn hoa đăng đủ màu sắc được xếp thành dòng chữ "Quốc thái dân an" dọc triền đê.

Buổi lễ nhằm tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc ở các thời đại. Sau Lễ cầu an là Hội hoa đăng với hàng ngàn bông hoa đăng thắp sáng được người dân truyền tay nhau thả xuôi theo dòng nước sông Lục Đầu nhằm gửi gắm những ước nguyện đến thế giới linh thiêng, cầu mong một cuộc sống luôn no ấm, bình yên và hạnh phúc.

Không thuộc chương trình tổ chức lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, nhưng du khách tham dự lễ hội không thể bỏ qua phiên chợ hội Kiếp Bạc ở dọc bờ đê bến sông Lục Đầu và trước cửa đền Kiếp Bạc.

Chợ hội Kiếp Bạc chỉ có vào dịp lễ hội, tức là trong khoảng 10 ngày từ mùng 10 - 20/8 âm lịch. Phiên chợ mang tới cho du khách trải nghiệm về phiên chợ quê với đủ các mặt hàng bình dân như rổ rá, chiếu, nón lá, chum vại, vải vóc, dao, liềm...; các mặt hàng nông sản với củ, quả, cây thuốc... do người dân trong vùng hay ở các tỉnh như Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang... mang tới bày bán.

Trong số các mặt hàng bày bán tại chợ hội, mặt hàng bán chạy nhất phải kể đến là những chiếc chiếu. Người mua chiếu ở chợ hội Kiếp Bạc vì cho rằng đó là những chiếc chiếu tốt nên mua về sử dụng, nhưng cũng có người mua chiếu mới tại chợ, sau đó đem vào đền đổi lấy chiếu cũ rồi mới mang về dùng. Đó là tục đổi chiếu, một tập tục mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng được giữ gìn cho đến ngày nay.

Ngoài ra, trong hội đền Kiếp Bạc, du khách thập phương còn tìm mua thuốc ở núi Nam Tào mang xuống làm lễ trong đền rồi sau đó mang về uống mong mau chóng khỏi bệnh và khỏe mạnh. Cùng với các nghi lễ tín ngưỡng, chợ hội cũng trở thành một nét văn hóa độc đáo không thể thiếu mỗi dịp hội thu.

Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc đem lại những cảm nhận về một không gian văn hóa lễ hội đầy màu sắc cùng những âm thanh trầm bổng của tiếng trống hội, những lời ca, tiếng hát, những nghi lễ mang đậm màu sắc tâm linh, tín ngưỡng; những hoạt động hội mang ý nghĩa nhân văn và giá trị giáo dục lịch sử sâu sắc, tạo nên sức hút kỳ diệu đối với nhân dân và du khách thập phương về trẩy hội.

Nhắc tới Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, những du khách đã từng được tham gia sẽ nhớ tới một lễ hội đặc sắc, thú vị, cũng như tưởng nhớ đến bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước. Từ đó, mỗi người đều tự hẹn với lòng mình nhớ về tháng tám hội thu Kiếp Bạc, như câu ca dao mà mỗi người dân đất Việt đều ghi nhớ:

"Dù ai buôn bán gần xa,

Hai mươi tháng tám giỗ Cha thì về..."

http://www.baodulich.net.vn/Kham-pha-su-doc-dao-cua-Le-hoi-mua-thu-lon-nhat-mien-Bac-10-6403.html

Theo Hồng Lụa / Du Lịch

Bạn có thể quan tâm