Phiên chợ lớn thường họp vào cuối tuần ở Bắc Hà là điểm hẹn văn hóa thú vị của du khách trong và ngoài nước khi ghé thăm tỉnh Lào Cai.
Chợ văn hoá Bắc Hà được họp vào chủ nhật hàng tuần tại trung tâm thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 60 km. Phiên chợ này nổi tiếng và có quy mô lớn nhất khu vực vùng cao biên giới.
Tôi biết đến chợ phiên Bắc Hà qua lời giới thiệu của một người bạn sinh sống tại đây. Mỗi dịp cuối tuần rảnh rỗi, tôi lại bắt xe ngược lên vùng núi Tây Bắc, trải nghiệm cuộc sống đơn sơ, mộc mạc của con người Bắc Hà và không quên ghi lại những nét đẹp văn hóa hấp dẫn của miền đất này qua những bức ảnh.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về phiên chợ chính là sự nhộn nhịp, đầy màu sắc, đậm chất vùng cao. Chợ Bắc Hà tập trung nhiều dân tộc khác nhau tới mua bán, trao đổi hàng hóa, tạo nên sự đa dạng đậm đà bản sắc. Những thương lái vùng cao, các bà, các mẹ, các chị đi chợ trong trang phục dân tộc thổ cẩm nhiều màu, làm nên nét độc đáo cho phiên chợ.
Kỷ niệm nhiều ấn tượng nhất trong tôi khi trải nghiệm chợ phiên Bắc Hà là khoảnh khắc giơ máy canh chụp mấy cụ bà bán xôi nóng hổi, bị mấy cụ xua tay đuổi không cho chụp. Tuy nhiên, tôi vẫn lì lợm chụp bằng được tấm ảnh cụ bà mở nắp hộp xôi nghi ngút khói. Bức ảnh khi ấy như sưởi ấm mùa đông vùng cao lạnh giá.
Tới Bắc Hà, tham dự chợ phiên phải đến lúc sáng sớm. Bạn sẽ bị cuốn hút bởi quang cảnh bình dị nơi đây khi ánh nắng ban mai chiếu nhẹ những bộ trang phục của người dân hay những hàng hóa vùng cao đầy màu sắc sặc sỡ.
Mỗi gian hàng ở chợ phiên có một điểm thú vị riêng. Rất nhiều các mặt hàng truyền thống từ động vật tới đồ vật được bày bán. Trong những lần tới chợ phiên Bắc Hà, tôi đặc biệt ấn tượng với chợ ngựa. Những con ngựa được bày bán như một phương tiện vận chuyển, đi lại của những dân tộc thiểu số vùng cao.
Chợ khuyển là một trong những địa điểm tấp nập nhất chợ phiên Bắc Hà. Những chú chó miền núi nhiều màu sắc, tinh nghịch nằm chờ chủ mới đón.
Khách du lịch ghé thăm chợ Bắc Hà chắc chắn không thể ngó lơ những gian hàng lưu niệm nhiều màu sắc. Khi ra về, trên tay vị khách nào cũng đem theo một vài món quà nhỏ làm kỷ niệm về chuyến đi trải nghiệm văn hóa miền núi Tây Bắc.
Du khách nước ngoài đặc biệt yêu thích những hình nộm búp bê mặc trang phục dân tộc.
Những gian hàng thổ cẩm bày bán đủ loại quần áo là sản phẩm thủ công do các bà các mẹ tự tay dệt. Du khách có thể mua một trang phục dân tộc và mặc chụp ảnh lưu niệm hoặc mua những chiếc khăn, chăn dệt nhiều màu sắc làm quà tặng.
Trang sức bạc như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai là những món đồ không thể thiếu trong trang phục truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số sinh sống ở Lào Cai. Những món đồ bằng bạc này đều được làm thủ công.
Những đứa trẻ dân tộc tóc vàng hoe, má đỏ hồng, mặt mũi lem nhem, theo mẹ lên chợ bán hàng là hình ảnh thường thấy ở chợ phiên Bắc Hà.
Mặc dù là một khu chợ văn hóa, phiên chợ vẫn diễn ra những hoạt động thường nhật của người dân địa phương.
Phiên chợ lớn nhất Lào Cai hấp dẫn nhiều du khách quốc tế tới tham quan, trải nghiệm. Trong cảm nhận của tôi, chợ phiên Bắc Hà luôn duyên dáng với sự nhộn nhịp, bình dị, màu sắc và đậm chất Tây Bắc.
Ngoài chức năng hứng gió làm nhiên liệu điện phục vụ sinh hoạt, công trình quạt gió kỳ vĩ này vô tình trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, hút khách tại Bạc Liêu.
Sa Pa là điểm đến từng hơn một lần nằm trong kế hoạch của mình và chúng bạn. Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, đến gần hết tuổi 23, chuyến đi này mới có thể thực hiện.