Tết Losar là ngày lễ quan trọng nhất theo lịch của người Tây Tạng. Dịp lễ này thường kéo dài trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày đầu tiên của tháng đầu tiên cho đến ngày thứ 15 trong tháng. Các hoạt động đón mừng năm mới chủ yếu rơi vào 3 ngày đầu tiên. Năm 2016, Tết Losar cũng bắt đầu từ ngày 8/2 như nhiều nước châu Á.
Lễ hội đón năm mới của Tây Tạng. Ảnh: Tibet.cn. |
Trong đó, hoạt động quan trọng nhất là người dân địa phương mặc áo choàng trang trí thật đẹp, tham gia vào các tiết mục biểu diễn lớn như hát, nhảy, biểu diễn trang phục. Những màn biểu diễn này mang đậm đặc trưng của văn hóa Tây Tạng truyền thống như những điệu múa nghi lễ, múa mũ đen, múa kiếm, hoạt cảnh về cuộc chiến giữa thiện và ác...
Cô Jolma, một người sinh ra tại Tây Tạng, đang là một đầu bếp, blogger nổi tiếng với những câu chuyện chia sẻ về văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực của quê hương cho biết : "Trước ngày lễ, dân làng quê tôi tất bật chuẩn bị như mua sắm, nướng bánh, trang trí bàn thờ, phòng khách. Người thân từ xa trở về nhà, đoàn tụ cùng gia đình.
Đêm giao thừa là thời khắc quan trọng nhất đối với chúng tôi, khép lại năm cũ và đón mừng một năm thuận lợi tốt lành đang đến. Anh trai tôi, người lớn nhất trong nhà thường là người đại diện gia đình hát để ca ngợi Thần núi (Amyes-lhari và Amyes-magpa) ở chùa vào đêm giao thừa và sáng sớm ngày đầu tiên năm mới. Nhưng có năm, em trai tôi lại nhận nhiệm vụ này và đặc biệt, tôi cũng cao hứng tham gia. Mặc dù phụ nữ không bị cấm thực hiện nhiệm vụ này, việc cúng bái ở đây thường được quan niệm là việc của đàn ông nên dĩ nhiên rất ít khi nhìn thấy phụ nữ thực hiện nhiệm vụ này. Dù vậy, tôi vẫn quyết định trải nghiệm một lần".
Những món ăn ngày Tết được người Tạng chuẩn bị hàng tuần trước đó. Những món ăn đặc trưng nhất có dresi gồm gạo ngọt trộn bơ, nho khô và khoai tây củ nhỏ; bánh phồng ngọt và mặn dưới nhiều hình dạng, kích cỡ.