Cụ thể, trong cuộc thi tuần một, tháng ba, quý III, Đường lên đỉnh Olympia phát sóng chiều 29/4, ban tổ chức đưa ra ô chướng ngại vật gồm 13 chữ cái cho 4 thí sinh.
Trải qua 4 hàng ngang gợi ý với 2 góc hình ảnh được lật mở, nữ sinh Nguyễn Thị Anh Trúc (THPT Nam Đàn 1, Nghệ An) trả lời đúng chướng ngại vật - Dinh Thống Nhất.
MC Diệp Chi sau đó giúp 4 thí sinh cùng khán giả xâu chuỗi lại 4 dữ kiện liên quan từ khóa của chương trình gồm 843, T, 1966, Dinh.
Sau khi lên sóng, chương trình bị một khán giả tố cố tình nói sai sự thật khi khẳng định xe tăng mang số hiệu 843 là xe đầu tiên tiến vào cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Trong khi, chiến công này thuộc về xe tăng số hiệu 390.
Người này nói rằng sự thật đã được chứng minh qua bức ảnh của nữ nhà báo Pháp Francoise Demulder - người chụp lại khoảnh khắc xe 390 và 843 tiến vào cổng Dinh Độc Lập - công bố năm 1995, tức sau 20 năm xe tăng 390 bị "hàm oan".
Khán giả trên cho rằng xe tăng 390 cần được nhắc tới khi nói về sự kiện 30/4/1975. Bên cạnh đó, sự kiện lịch sử cần được truyền đạt đúng cho thế hệ sau.
Nguyên văn lời giải thích 4 dữ kiện liên quan ô chướng ngại vật của MC Diệp Chi trong chương trình phát sóng chiều 29/4: "Dinh Độc Lập được khánh thành vào ngày 31/1/1966... Dinh Thống Nhất có hình chữ T... Trưa 30/4/1945 (nói nhầm, đúng phải là 30/4/1975 - PV), những chiếc xe tăng đầu tiên của quân giải phóng đã tiến vào Dinh Độc Lập. Một trong hai chiếc xe tăng dẫn đầu mang số hiệu 843".
Theo đó, MC không hề khẳng định xe tăng mang số hiệu 843 là xe đầu tiên tiến vào cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, như lời khán giả tố. Còn lý do không nhắc tới xe tăng 390, thay vì xe 843 là chủ đích của ê-kíp, không thể phán xét thỏa đáng hay không.
Phía chương trình Đường lên đỉnh Olympia trao đổi với Zing.vn rằng đã nắm được thông tin, khán giả có thể xem lại chương trình để kiểm chứng lời MC, ê-kíp không có gì phản hồi thêm.
Chương trình Đường lên đỉnh Olympia không nói sai lệch lịch sử như lời khán giả tố. Ảnh cắt từ clip. |
Đây không phải lần đầu tiên khán giả tố sân chơi trí tuệ Đường lên đỉnh Olympia làm sai trong gần 18 năm phát sóng.
Gần đây nhất, một khán giả phản ánh hai phần trả lời cho câu hỏi thuộc lĩnh vực Hóa học của thí sinh Nhân Thanh Tùng (Hà Nội) sai nhưng vẫn được cho điểm, dẫn đến sai lệch kết quả tại cuộc thi tuần phát sóng chiều 5/3/2017.
Sáng 9/3/2017, ê-kíp thực hiện chương trình thừa nhận sai sót, xin lỗi thí sinh về nhì Phạm Phú Vinh (Bình Dương), đồng thời tuyên bố không thay đổi kết quả trận đấu. Thí sinh Phú Vinh sau đó được ban tổ chức tặng vòng nguyệt quế làm kỷ niệm.
Xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975
Trưa 30/4/1975, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc Lập theo ba hướng là cổng chính và hai cổng sườn.
Sáng 30/4, hai chiếc xe tăng T54B số hiệu 843 (do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy) và T59 số hiệu 390 (do trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy) lần lượt húc đổ cổng phụ và cổng chính (hướng chính diện), tiến vào cắm cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, xe 843 bị kẹt ở cổng phụ.
Trong một thời gian dài, việc xác nhận đâu là chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc Lập trở nên khó khăn. Nhờ bức ảnh tư liệu quý giá của nữ nhà báo Francoise Demulder (Pháp), năm 1995, chiến tích của xe tăng số hiệu 390 (do trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy) được công nhận.
Năm 2012, cả hai chiếc xe tăng trên đều được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Hiện xe tăng 390 được trưng bày dưới tầng hầm tại Bảo tàng Tăng thiết giáp (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Trong khi đó, tăng 843 được chuyển từ Dinh Độc Lập về trưng bày trang trọng trong Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam (28B Điện Biên Phủ).