Công tác chọn SGK tại TP Cần Thơ, tiêu chí hàng đầu được quán triệt là phải đảm bảo công bằng, dân chủ, minh bạch và phục vụ cho học sinh địa phương.
Cô, trò một trường tiểu học ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ trong giờ học SGK mới. Ảnh: Giáo dục & Thời đại. |
Chọn sách phù hợp với địa phương
UBND TP Cần Thơ đã ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố từ năm học 2021-2022 có 2 tiêu chí, với 15 mục.
Sau khi nhận được Bộ tiêu chí lựa chọn SGK của UBND TP Cần Thơ, các trường đã phổ biến đến cán bộ, giáo viên tham gia lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 tại đơn vị.
Theo thầy Võ Hữu Tâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), ngoài việc đảm bảo yêu cầu của các tiêu chí do UBND đưa ra, nhà trường chú trọng đến việc lựa chọn SGK phù hợp năng lực, trình độ học sinh. Nội dung SGK phải phù hợp với tình hình học tập, tâm sinh lý của học sinh.
Trao đổi về công tác chọn SGK lớp 2 và lớp 6, bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cho biết: Các văn bản hướng dẫn, danh mục, tiêu chí lựa chọn SGK… được ngành giáo dục triển khai sớm hơn, do đó giáo viên, nhà trường, phòng GD&ĐT chủ động, kịp thời trong chọn sách.
Họp hội đồng chọn SGK lớp 6 tại trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, Cần Thơ. Ảnh: Giáo dục & Thời đại. |
Kế thừa kinh nghiệm chọn sách năm trước
Một thuận lợi khác của ngành Giáo dục các địa phương khi chọn SGK là có kinh nghiệm từ chọn SGK lớp 1. Quy trình chọn sách, các thủ tục, văn bản, hướng dẫn, mốc thời gian đều được đúc rút kinh nghiệm và phát huy.
“Nhà trường, phòng GD&ĐT có kinh nghiệm từ việc lựa chọn SGK lớp 1 nên chủ động trong việc hướng dẫn thực hiện lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6. Trong đó, phòng và các trường chú trọng công tác truyền thông, chuẩn bị đội ngũ, quy trình tổ chức chọn SGK...”, bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), cho hay.
Tại trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), cô Trần Thị Thúy Hằng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Từ những kinh nghiệm đã triển khai, trường chủ động, mạnh dạn và tự tin hơn trong việc lựa chọn SGK lớp 2.
“Thông qua các buổi họp chuyên môn hàng tháng, giáo viên khối lớp 1 của trường mạnh dạn chia sẻ những kinh nghiệm trong việc lựa chọn SGK và triển khai chương trình mới cho các khối lớp, đặc biệt là khối lớp 2, nhằm đảm bảo tính kế thừa, chuyển tiếp trong việc lựa chọn SGK lớp 2 mới tại trường”, cô Hằng cho biết.
Để đảm bảo việc chọn SGK, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức các buổi hội nghị giao ban mở rộng để các trường chia sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt là giao lưu, học hỏi giữa trường tiểu học và THCS trên địa bàn, nhằm giúp các trường THCS chủ động, tự tin hơn trong việc triển khai thực hiện lựa chọn SGK tại đơn vị.
Theo thầy Trương Vĩnh Khoa, Hiệu trưởng trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ), qua việc chia sẻ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ trường tiểu học, trường chủ động, mạnh dạn và tự tin hơn trong việc triển khai lựa chọn SGK lớp 6, đặc biệt là trong việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đội ngũ và các điều kiện cơ sở vật chất cho lớp 6…
Khẩn trương chuẩn bị cho khâu “hậu chọn sách”
Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, Hội đồng chọn SGK lớp 2 và lớp 6 đã không chọn hết các đầu sách mà chỉ chọn một hoặc một số đầu sách.
Theo đó, nếu SGK đề xuất lựa chọn có trong danh mục SGK được UBND thành phố phê duyệt thì cơ sở giáo dục phổ thông chọn đúng SGK đó để sử dụng, không được chọn SGK khác.
Nếu SGK đề xuất lựa chọn không có trong danh mục SGK được UBND thành phố phê duyệt, đối với trường hợp danh mục SGK được UBND thành phố phê duyệt chỉ có 1 SGK thì cơ sở giáo dục phổ thông chọn đúng bộ SGK đó để sử dụng. Trường hợp danh mục SGK được UBND thành phố phê duyệt có từ 2 SGK trở lên thì cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức chọn SGK trong danh mục này theo quy trình được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 25/2020 của Bộ GD&ĐT Quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông và hướng dẫn của Sở GD&ĐT.
Trước ngày 30/4, trường tổng hợp, thống kê kết quả chọn SGK, số lượng (dự kiến) SGK của các trường trên địa bàn và báo cáo về UBND quận, huyện và sở GD&ĐT...
"Sở chỉ đạo các trường chủ động trong công tác tuyên truyền với phụ huynh, thông tin rõ, cụ thể và chi tiết về việc lựa chọn SGK mới; những đầu SGK được UBND thành phố phê duyệt. Đồng thời, thông tin thêm về việc chọn lại ở các đơn vị có những đầu sách không nằm trong danh mục SGK được UBND phê duyệt”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết.
Sở GD&ĐT TP Cần Thơ chỉ đạo tổ chức truyền thông bằng nhiều cách thức về danh mục SGK được UBND thành phố phê duyệt; SGK được nhà trường chọn sử dụng trong năm học 2021-2022 đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, các cấp chính quyền địa phương, các cơ sở giáo dục mầm non, TH, THCS và cộng đồng; tổng hợp các kiến nghị của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh…
Triển khai thực hiện kế hoạch bàn giao chất lượng giữa các cấp học; tăng cường rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học lớp 2, lớp 6; rà soát, bổ sung đội ngũ giáo viên giảng dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 để chủ động lập kế hoạch dự kiến tổ chức bồi dưỡng, tập huấn sử dụng SGK…