Trước đêm nhạc Live concert Khánh Ly diễn ra tại Hà Nội vào tối 9/5, có ý kiến cho rằng, với giá vé từ 900.000 - 3.500.000 đồng thì thật vô lý khi bỏ ra một số tiền lớn để nghe một giọng hát nay đã phều phào. Đáp lại sự vô lý đó, nhiều khán giả Hà Nội vẫn ủng hộ Khánh Ly trở về sau 60 năm. Khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia kín chỗ. Từ 19h, từng đoàn người, hàng nối hàng bước vào đêm nhạc với tâm trạng hào hứng, để gặp lại giọng ca mà họ mến mộ thưở nào. Thậm chí, ban tổ chức còn phải bố trí xếp thêm ghế phục vụ khán giả, còn vé chợ đen thì khan hiếm.
Khánh Ly trên sân khấu Hà Nội, tối 9/5. |
Lần đầu tiên hát ở Việt Nam sau 39 năm xa xứ, Khánh Ly không giấu nổi sự hồi hộp như những ngày còn đứng hát trước nhiều sinh viên trong sân cỏ trường Đại học. Chỉ khác một điều, ngày ấy, để che giấu cảm giác run run, thiếu bình tĩnh, Khánh Ly đã phải vịn vào vai Trịnh Công Sơn khiến ông nhắc nhở "đứng hát cho nghiêm chỉnh". Còn nay, trên một sân khấu lớn, trước hàng nghìn khán giả chờ đón, Khánh Ly đứng một mình, cất nỗi hồi hộp vào trong chính ca từ, giai điệu của nhạc Trịnh để đáp lại tình cảm mà mọi người dành cho. Khi ca khúc đầu tiên cất lên, người hâm mộ bất ngờ vì qua bao nhiêu năm tháng, giọng ca Khánh Ly vẫn vậy, liêu trai và đầy cuốn hút. Dù đôi lúc, những nốt cao như một thách thức đối với tuổi già, nhưng bù lại, sự tiết chế và kinh nghiệm đi hát nhiều năm đã giúp bà nhanh chóng lấy lại cân bằng.
"Tôi xin lỗi bởi sự có mặt của tôi làm khổ cho nhiều người quá. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy tại sao mình lại được yêu thương như vậy. Tôi cảm nhận được rằng tình yêu có khi lại là gánh nặng cho người được yêu" - Khánh Ly chia sẻ. Nhưng có lẽ, áp lực mà công chúng vô tình đặt lên vai không khiến Khánh Ly phải lo lắng quá nhiều. Vì đến với âm nhạc, bà vẫn luôn mang trong mình niềm hạnh phúc khi được đứng trên sân khấu, hát bằng bản năng và đầy đam mê. Hệt như những năm 1960 đầy cơ cực, dù hát không có đồng xu, cắc bạc nào, bà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc và được sống trong những tình khúc nhạc Trịnh.
Ở tuổi thất tuần, Khánh Ly cho rằng mọi vui, buồn đều đã đi qua, chỉ có tình yêu và kỷ niệm là ở lại. "Không ai sống mà không có tình yêu và kỷ niệm. Nếu không có một trong hai thứ đó thì sống cũng chẳng còn ý nghĩa" - Khánh Ly mở đầu trước khi đưa khán giả Hà Nội bước vào cõi tình của Trịnh Công Sơn với Tình sầu. Người ta thường nói, trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, ngôn từ đa phần rất khó hiểu. Riêng Tình sầu là một trong số ít các ca khúc được ông viết rất thực với lời ca mộc mạc. Mạch cảm xúc buồn thương, chia ly tiếp tục được Khánh Ly nối liền bằng Biển nhớ. Cũng có khi lại là tiếc nuối: "Lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng" trong Như cánh vạc bay. Đó cũng là nét đặc trưng đầu tiên mà người ta nhớ tới nhạc Trịnh, xuyên suốt trong thế giới âm nhạc của ông là tình yêu lừa dối và một nỗi buồn thê thiết phận người. Nhưng, người ra đi lại giống như lẽ tất nhiên của đời người, vì vậy, các nhạc khúc của Trịnh Công Sơn tuy bi mà không lụy. Giống như lúc đương thời, Trịnh Công Sơn vẫn luôn biết cách chủ động dừng lại để giữ cho mối tình đẹp mãi với những lưu luyến của thưở ban đầu.
Khánh Ly đã may 4 chiếc áo dài chuẩn bị cho đêm nhạc Hà Nội. |
Qua tiếng hát Khánh Ly, tình yêu của Trịnh Công Sơn được tóm gọn và bao trùm vạn vật, từ tình yêu lứa đôi, cho tới thiên nhiên, đất trời, tình phụ tử và cả những tha thiết quê hương. Âm nhạc Trịnh Công Sơn không thiếu những bóng hồng. Trên sân khấu ngày trở lại, Khánh Ly đưa khán giả Hà Nội về gặp Diễm xưa - hay nói chính xác là "Diễm" của Trịnh Công Sơn ngày xưa, khi nhạc sĩ gốc Huế bất chợt rung động trước hình ảnh một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Một ca khúc khác, cũng thấp thoáng bóng dáng người đẹp là Hạ trắng. Theo Khánh Ly, đây là một nhạc phẩm mà bà rất thích vì có một câu đặc biệt có ý nghĩa: "Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau". Giọng ca sinh năm 1945 tâm sự: "Chỉ cần một lời thôi nhưng gửi gắm biết bao nhiêu ý nghĩa. Tôi hy vọng rằng thế hệ trẻ cũng sẽ được như vậy, tình cảm qua đi, nhưng cái nghĩa thì còn mãi". Giống như một ca khúc không phải của Trịnh Công Sơn, nhưng lại được Khánh Ly thể hiện rất ngọt cùng Tuấn Ngọc trên sân khấu Thủ đô - Niệm khúc cuối. Sáng tác của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên như một lời hẹn ước trăm năm của riêng đôi lứa.
Từng chịu nhiều đau khổ trong tình cảm, Khánh Ly hát như dành cho chính bản thân mình với đủ cung bậc cảm xúc của người phụ nữ sớm trải qua đường tình lận đận. Năm 17 - 18 tuổi, Khánh Ly đã có một đời chồng và hai đứa con. Sau này, bà mới nhận ra rằng thứ tình cảm đó không phải là tình yêu mà chỉ là chớm rung động trong cảm xúc.
Với tất cả tâm tư, tình cảm dành cho những đứa con, bà chọn thể hiện bài hát Ca dao mẹ để nói lên hết nỗi lòng. Còn tình cảm với đất nước, Khánh Ly gói gọn trong tiết mục song ca cùng Hà Anh Tuấn - Xin cho tôi, làm lay động trái tim của hàng nghìn khán giả. Hai giọng ca thuộc hai thế hệ khác nhau, hòa quyện và ăn ý trong một tình khúc da vàng, mà sợi dây nối kết lại là những cuộn trào tình yêu quê hương. Khánh Ly cũng thổ lộ rằng, bà yêu những ca khúc da vàng nhiều hơn, vì trong đó có tình yêu, thân phận và cả quê hương, xứ sở.
Khánh Ly song ca cùng Hà Anh Tuấn. |
Sau 60 năm trở về Hà Nội, nơi chôn rau cắt rốn của Khánh Ly, nơi có những kỷ niệm thơ ấu êm đềm ở số nhà 176 Hàng Bông, bà dường như vẫn vẹn nguyên tình cảm với mảnh đất nghìn năm này. Trở lại nơi mình sinh ra, Khánh Ly đã có dịp dạo bước ven Hồ Gươm, ôn lại kỷ niệm xưa mà ít ai nhận ra bà bởi phong cách giản dị. Qua những năm tháng sống ở Đà Lạt mù sương, Sài Gòn nắng gió, nhưng lúc Khánh Ly cất lên tiếng hát "Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ", khán giả Thủ đô vẫn cảm thấy rất ấm lòng bởi tình cảm nồng nàn của người con xa quê. Ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội là cách để Khánh Ly tri ân khán giả đã đến đây và nghe bà hát.
Trong hành trình tìm về kỷ niệm, các nam ca sĩ khách mời như Thái Châu, Tuấn Ngọc, Hà Anh Tuấn và Quang Thành đóng vai trò là người dẫn dắt, nối kết Khánh Ly với người hâm mộ. Thái Châu đón chào Khánh Ly trở về bằng ca khúc Về đây nghe em (Trần Quang Lộc) và nguồn gốc của cái tên "Nữ hoàng chân đất" mà mọi người dành tặng. Nếu như Hà Anh Tuấn hát lại ca khúc một thời Khánh Ly mê mẩn Áo anh sứt chỉ đường tà (Phạm Duy), thì Tuấn Ngọc thể hiện tình cảm chân phương, mộc mạc cùng Áo lụa Hà Đông và Hãy yêu nhau đi.
Cuối chương trình, Khánh Ly tiết lộ: "Có người từng hỏi tôi ai là người hát nhạc Trịnh hay nhất. Đến giờ tôi có thể nói rằng đó chính là ông Trịnh Công Sơn. Ông Sơn rất yêu bài Mưa hồng, nên ông hát hay hơn Mai (tên thật của Khánh Ly)". Còn ước mơ của Khánh Ly là lúc nào cũng được ở bên cạnh Trịnh Công Sơn, hát với nhau ở khắp mọi nơi, nhưng cuối cùng nó lại không thành hiện thực. Nói thêm về người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh, Khánh Ly ngậm ngùi: "Lần này tôi trở về, ông Sơn đi vắng. Ông đi xa, nhưng tôi tin ông sẽ không thất vọng khi đã giao cho tôi những bài hát của ông". Tiếp đó, bà hát ca khúc Như một lời chia tay để kết thúc chuỗi kỷ niệm reo mầm từ khi gặp Trịnh Công Sơn vào năm 1964 đến tận bây giờ.
Nữ danh ca hạnh phúc trước sự chờ đón của khán giả tại quê nhà. |
Giọng ca Khánh Ly càng cuối lại càng cuốn hút, càng hát càng mê say. Thế nên dù chương trình kéo dài hơn 2 tiếng, kết thúc khá muộn vào lúc gần 23h, nhưng đa phần khán giả đều nán lại để thưởng thức trọn vẹn.
"Tôi mong quý vị yêu mến tôi, nếu có yêu nhau thì hãy yêu ngay. Đừng để khi xa rồi mới nói tiếng yêu thì sẽ muộn lắm" - Khánh Ly nói trước khi hát ca khúc Nếu có yêu tôi như một lời giã biệt mà không hẹn ngày tái ngộ. Rồi, Khánh Ly lại trầm ngâm cúi đầu, ôm gối, thể hiện ca khúc cuối cùng Một cõi đi về, thi thoảng, bà ngước mắt nhìn lên ánh đèn follow trên sân khấu.
"Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi/ Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt/ Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về" - Khánh Ly hát trong tâm trạng đầy xúc động. Hơn ai hết, bà là người thấm thía câu nói nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về triết lý nhân sinh quan: "Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng". Nếu đây là lần trở về cuối cùng của Khánh Ly, thì bà vẫn có thể yên tâm rằng tiếng hát của bà và nhạc Trịnh, giống như nốt nhạc quyện với lời ca, mãi mãi neo đậu trong tình yêu của những người yêu nhạc.